Di chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem mất nhiều năm
Hệ quả quyết định của chính quyền ông Trump là sự tái bùng phát xung đột bạo lực ở những khu vực lãnh thổ của Palestine do Israel chiếm đóng. Đúng như lời thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, ông Trump đã mở "cái hộp Pandora ở khu vực".
"Con quỷ" đã được ông Trump giải thoát khỏi cái chai và hậu quả, tác động cũng như hệ luỵ của việc này cho trước mắt cũng như lâu dài, đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cũng như đối với an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới thật sự khó có thể lường hết được.
Không phải ông Trump và cộng sự không tiên liệu được chúng. Trong tuyên bố của tổng thống Mỹ về việc này có đi cùng những kiềm chế nhất định và mới đây nhất, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong trao đổi với người đồng cấp ở Pháp hé lộ rằng việc chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem không thể được thực hiện trước năm 2019.
Cả ông Trump lẫn ông Tillerson đều ngay từ đầu chủ ý hạn chế tác động tai hại và thiệt hại đối với Mỹ.
Chuyện này bao gồm 2 phần là công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem, cho dù trên danh nghĩa chỉ là thực hiện Luật về chuyển đại sứ quán "Jerusalem Embassy Relocation Act", được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 23/10/1995.
Công nhận thủ đô là bước đi đầu tiên và chuyển đại sứ quán là hệ quả logic. Nhưng chuyển đại sứ quán mới là sự xác nhận trên thực tế việc công nhận thủ đô.
Ở Jerusalem, Mỹ hiện có một tổng lãnh sự quán. Nếu chỉ cần danh nghĩa và thể hiện ý chí chính trị thì Mỹ có thể có được ngay cơ sở cho đại sứ quán ở thành phố này. Còn nếu như ngoại trưởng Tillerson nói Mỹ cần tìm vị trí và thời gian xây dựng trụ sở đại sứ quán mới thì sẽ phải mất nhiều năm nữa đi qua chứ không chỉ có năm 2018 và 2019 để có sứ quán Mỹ ở Jerusalem.
Ở thủ đô London của Anh, Mỹ đã cần tổng cộng 8 năm cho việc xây dựng trụ sở đại sứ quán với khoảng 1.000 nhân viên như ở Israel.
Công nhận thủ đô là việc có thể hoàn tất bằng một tuyên bố nhanh chóng, trong khi việc chuyển đại sứ quán là một quá trình kéo dài nhiều năm. Điều này được cả ông Trump lẫn ông Tillerson ngầm ám chỉ.
Ngoại trưởng các nước Liên đoàn Ả Rập (AL) nhóm họp tại Cairo, Ai Cập, tối 9/12 để đưa ra phản ứng với tuyên bố của Mỹ về Jerusalem (Ảnh: Reuters)
Mỹ chưa ủng hộ Israel tuyên bố chủ quyền với Jerusalem
Trong tâm trạng bất bình đến phẫn nộ và trước nhu cầu thể hiện thái độ một cách nhanh chóng và rõ ràng, thế giới bên ngoài ít để ý đến những nội dung khác trong tuyên bố của ông Trump ngày 6/12.
Trong đó, ông Trump đề cập đến Jerusalem mà Jerusalem bao gồm phía Đông và phía Tây. Ông không sử dụng khái niệm "thành phố Jerusalem không bị chia cắt" như Israel chính thức sử dụng. Như thế có nghĩa việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel không có nghĩa là Mỹ công nhận vùng phía Đông thành phố này cũng thuộc về Israel.
Theo đề xuất giải pháp hai nhà nước cho tranh chấp Israel-Palestine, Đông Jerusalem sẽ trở thành thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Ông Trump còn nêu rõ là việc công nhận này không thể hiện thái độ quan điểm của Mỹ về chủ quyền của Israel ở Jerusalem và quy chế cuối cùng cho thành phố này trong thoả thuận giữa Israel và Palestine.
Người ta có thể hiểu rằng qua đó ông Trump lần đầu tiên công khai ủng hộ giải pháp có nhà nước Israel và nhà nước Palestine.
Qua đó cũng còn cho thấy vì nhu cầu đối nội là chủ yếu mà ông Trump đưa ra tuyên bố nói trên. Ông muốn gây dựng và củng cố hình ảnh và danh tiếng như một người đã cam kết là thực hiện, đã nói là làm và coi nó như thương hiệu.
Nhưng việc hạn chế thiệt hại và tác động tai hại có thể hình thành đối với Mỹ đã được ông Trump và cộng sự trù tính đến. Ông tạo ra "sự đã rồi" như cách Israel làm ở Jerusalem, nhưng khác là ông thực hiện có mức độ.
Dù vậy, tình huống và bối cảnh mới về chính trị an ninh cũng như pháp lý đã xuất hiện đối với tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông.
Các bộ trưởng Liên đoàn Ả Rập ra nghị quyết về tuyên bố Jerusalem của Mỹ, ngày 10/12/2017