Chỉ thăm Iraq 3 giờ đồng hồ, ông Trump cùng lúc vi phạm cả pháp luật của Mỹ lẫn Iraq?

Tất Đạt |

Chuyến thăm bất ngờ của ông Trump tại Iraq đã được các binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Al Asad đón nhận nhiệt tình.

Nghị sĩ Iraq tức giận

Tổng thống Mỹ Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã bất ngờ tới thăm căn cứ của quân đội Mỹ tại Iraq dù trước đó ông Trump vẫn thường cho rằng những chuyến đi như vậy rất tốn kém.

Sau khi chứng kiến tận mắt chiến trường tại Iraq, ông Trump kiên quyết cho rằng cần phải chấm dứt hoạt động can thiệp quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

"Nếu họ muốn chúng ta chiến đấu cho họ, thì hãy trả lại cho Mỹ thứ gì đó," ông Trump phát biểu tại căn cứ không quân Al Asad ở phía tây thủ đô Baghdad của Iraq.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng với sự có mặt của ông Trump. Theo Al Jazeera, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Iraq đã lên án chuyến thăm không báo trước của ông Trump và cho rằng đây là hành vi vi phạm chủ quyền đất nước.

Sabah al-Saadi, lãnh đạo khối nghị viện Islah ở Iraq, yêu cầu triệu tập một cuộc gặp khẩn cấp tại quốc hội Iraq để "bàn luận về hành vi xâm phạm chủ quyền Iraq trắng trợn, để ngăn chặn động thái hung hăng của ông Trump và nhằm khẳng định hoạt động của Mỹ tại Iraq cần phải đi tới hồi kết".

Muqtada al-Sadr, lãnh đạo của Islah, từ lâu đã phản đối sự hiện diện của Mỹ tại Iraq từ khi chiến dịch do Washington dẫn đầu can thiệp vào chính phủ của ông Saddam Hussein vào năm 2003 với lí do Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài trợ al-Qaeda.

Chỉ thăm Iraq 3 giờ đồng hồ, ông Trump cùng lúc vi phạm cả pháp luật của Mỹ lẫn Iraq? - Ảnh 1.

Các binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: AP

Chỉ thăm Iraq 3 giờ đồng hồ, ông Trump cùng lúc vi phạm cả pháp luật của Mỹ lẫn Iraq? - Ảnh 2.

Ông Trump chụp ảnh cùng các binh sĩ tại căn cứ không quân Al Asad, Iraq. Ảnh: The New York Times

Hàng trăm nghìn người Iraq đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Nhiều nhà phân tích đã gọi đây là một trong số những thất bại cay đắng nhất về mặt ngoại giao của Mỹ trong lịch sử đương đại.

Khối Bina, đối thủ của Islah tại quốc hội và được dẫn đầu bởi lãnh đạo dân quân thân Iran Hadi al-Amiri, cũng phản đối chuyến thăm của ông Trump tới Iraq.

"Chuyến thăm của Trump thể hiện sự vi phạm trắng trợn và không thể chối cãi về các chuẩn mực ngoại giao và cho thấy thái độ khinh bỉ và thù địch của ông Trump trong quá trình đàm phán với chính phủ Iraq", đại diện Bina tuyên bố.

Ông Trump không gặp bất kì quan chức nào của Iraq trong chuyến thăm kéo dài 3 giờ đồng hồ. Cuộc gặp được lên kế hoạch với Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã bị hủy bỏ và hai nhà lãnh đạo đã thay thế bằng cuộc điện đàm.

Ngoài ra, Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết chính quyền Mỹ đã thông báo về chuyến thăm của ông Trump. Hai ông Trump và ông Abdul Mahdi phải điện đàm vì "có bất đồng trong khâu chuẩn bị và tổ chức cuộc gặp".

Cụ thể, ông Trump muốn hai bên gặp nhau tại căn cứ không quân Al Asad nhưng phía Iraq không đồng ý.

Chữ kí trên mũ gây tranh cãi

Chuyến thăm của ông Trump không chỉ gây phẫn nộ cho một số nghị sĩ Iraq mà còn khiến nghị sĩ Mỹ bất bình.

Trong một đoạn video, ông Trump được cho là đã kí chữ "Make America Great Again" lên chiếc mũ lưỡi trai có hàng chữ "Trump 2020".

Nhưng theo CNN, hành động này có thể đã vi phạm quy định về hoạt động chính trị của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo đó, luật quy định "binh sĩ đang tham gia nghĩa vụ không được tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái và tất cả binh sĩ cần tránh gây hàm ý hoặc thể hiện ngầm rằng Bộ Quốc phòng đang ủng hộ, tài trợ, chấp nhận hoặc chứng nhận một ứng viên hoặc một chiến dịch chính trị".

Chỉ thăm Iraq 3 giờ đồng hồ, ông Trump cùng lúc vi phạm cả pháp luật của Mỹ lẫn Iraq? - Ảnh 3.

Ông Trump kí lên mũ tặng binh sĩ Mỹ. Ảnh: Getty Images

Hiện tại, các sĩ quan Mỹ trong liên quân Iraq chưa đưa ra bình luận về vụ việc. Tướng về hưu John Kirby, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc dưới thời cựu tổng thống Obama và nhà phân tích kì cựu của CNN, đánh giá việc các sĩ quan Mỹ xin chữ kí ông Trump là không được phép.

"Trên thực tế, đó là câu khẩu hiệu của chiến dịch tranh cử, và là một món đồ phục vụ tranh cử, do đó các binh sĩ không được phép làm như vậy," ông Kirby nói.

Ngoài ra, ông Kirby cho rằng chính ông Trump cũng phải chịu trách nhiệm cho hoạt động chính trị tại căn cứ quân sự. "Mỗi khi ông Trump tiếp cận đối tượng khán giả là binh sĩ, ông ấy thường chính trị hóa mọi thứ, đem những phàn nàn và vấn đề bên ngoài chính sách quân sự vào để nói".

Quyết định rút khỏi Syria

Chỉ thăm Iraq 3 giờ đồng hồ, ông Trump cùng lúc vi phạm cả pháp luật của Mỹ lẫn Iraq? - Ảnh 4.

Ông Trump phát biểu trước các binh sĩ Mỹ tại Iraq. Ảnh: Reuters

Ông Trump thực hiện chuyến thăm tới Iraq một tuần sau quyết định rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria mặc cho sự phản đối dữ dội từ trong nước và các đồng minh nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và đặc phái viên của liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã từ chức vài ngày sau quyết định của ông Trump.

Tại căn cứ không quân Al Asad, ông Trump đã bảo vệ quyết định của mình và cho biết sẽ không có kế hoạch tương tự tại Iraq.

Falih Khazali, một cựu tướng quân sự của Bina, cáo buộc Mỹ mong muốn tăng cường sự hiện diện tại Iraq.

"Mỹ đang mong muốn giành lại quyền điều hành tại Iraq và chúng ta không thể để điều này xảy ra bằng bất kì giá nào," ông Khazali nói.

Khối Bina cho biết chuyến thăm của ông Trump đã "đặt ra nhiều câu hỏi lớn về bản chất của sự hiện diện quân đội Mỹ, mục tiêu đích thực của Mỹ tại Iraq và các vấn đề liên quan khác tới an ninh quốc gia Iraq."

Trong khi đó, Douglas Ollivant, một cựu thành viên của hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, lại phản đối và cho rằng quân đội Mỹ có mặt tại Iraq "là do lời mời của chính phủ Iraq".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại