Bị "đâm sau lưng" tại Syria, người Kurd tuyệt vọng, nguyền rủa "kẻ phản bội" Mỹ

Tất Đạt |

Người Kurd tỏ ra rất bất bình với việc Mỹ rút lui khỏi Syria khi mối đe dọa quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết.

Sợ hãi và tức giận

Vùng đất đầy cỏ xanh ở vùng ngoại ô đông bắc Syria là nơi sinh sống của những người dân sống bằng nghề chăn nuôi - và cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ quân sự với hơn 2.000 binh sĩ. Lính Mỹ tại đây đi tuần tra khu vực trong những chiếc xe thiết giáp và quan sát bầu trời trên những trực thăng Black Hawk.

Ngay giữa vùng đông đúc cư dân người Kurd có tên Rojava, các thị trấn đang ngập tràn trong không khí Giáng sinh. Đèn lễ hội được treo khắp các con đường lớn lại Qamishli, nơi có rất nhiều người theo Cơ đốc giáo. Các cửa hàng bày bán la liệt đồ kim tuyến trang trí và cây thông nhựa để phục vụ mùa lễ.

Tuy nhiên, quyết định đột ngột của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút quân khỏi Syria đã khiến bầu không khí lễ hội nơi đây trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết. Những người Kurd từng chào đón binh sĩ Mỹ cảm thấy sốc và buồn bã. Vài người gọi Mỹ là "kẻ đâm sau lưng".

Tại nơi này, lính Mỹ cùng những tay súng địa phương đã hợp tác với nhau để đẩy lùi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra khỏi các thị trấn và thành phố lân cận. Hàng nghìn binh sĩ Kurd đã thiệt mạng trong các trận giao tranh, và nhiều người cảm thấy sự hi sinh của họ không được công nhận hay đền bù thỏa đáng.

Bị đâm sau lưng tại Syria, người Kurd tuyệt vọng, nguyền rủa kẻ phản bội Mỹ - Ảnh 1.

Người Kurd đang tính tới kế hoạch dự phòng, bao gồm đàm phán một thỏa thuận với chính quyền Syria của tổng thống Bashar Assad. Ảnh: AP

Trong tuần này, phóng viên của tờ NPR đã cố gắng tiếp cận căn cứ Mỹ tại Syria nhưng các binh sĩ tại đây không được phép đưa ra bình luận. Trong khi đó, các cư dân người Kurd làm việc và sinh sống gần căn cứ Mỹ lại tỏ ra khá cởi mở và nói thẳng suy nghĩ của họ - một số cho rằng họ đã bị ông Trump phản bội.

Hatem Hassan, 37 tuổi, là chủ một cửa hàng đổi tiền ở Qamishli. Anh Hassan cho biết quyết định của ông Trump đã ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực ông sinh sống.

"Nếu lính Mỹ rời khỏi đây, chúng tôi sẽ nguyền rủa họ như những kẻ phản bội. Người Kurd đã hỗ trợ Mỹ tiêu diệt IS... Tôi có 7 người thân trong gia đình tham gia chiến đấu chống IS và đều thiệt mạng. Một số họ hàng của tôi còn rất trẻ, có những đứa chưa đến 20 tuổi."

Haji Haidar, 39 tuổi, đứng bên ngoài tiệm rèn của mình. Anh Haidar cho biết mọi người đều tức giận và sợ hãi.

"Tất cả những gian khó chúng tôi cùng họ trải qua, và bây giờ binh sĩ Mỹ lại rút đi đột ngột như vậy. Tôi không hiểu nổi. Người dân ở đây đều sợ rằng binh sĩ Mỹ sẽ bán đất nước của chúng tôi cho người khác".

Người Kurd tìm đường lui

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết hiện đang lên kế hoạch dự phòng. Trả lời NPR, hai phát ngôn viên SDF kể lại họ chỉ biết tới quyết định rút lui của Mỹ cùng lúc với tất cả những người khác qua kênh tivi.

Trong đội ngũ SDF cũng có những tay súng và chỉ huy theo đạo Cơ đốc - những người không kịp về nhà để đón Giáng sinh trong năm nay mà thay vào đó, phải chuẩn bị để đón những viễn cảnh tồi tệ hơn.

"Tại thời điểm này, chúng tôi mong đợi mọi lời đề nghị hợp tác," Mustafa Bali, phát ngôn viên SDF nói. "IS vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn và vẫn còn những phần từ khủng bố cần phải bị triệt hạ".

Nhưng sự trỗi dậy của IS không phải là mối quan ngại duy nhất - hay thậm chí lớn nhất - đang đối diện những cư dân ở đông bắc Syria. Họ đang lo ngại cuộc tấn công quy mô lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình đang trở nên cực kì cấp bách với người Kurd ở Syria sống dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đã thường xuyên đe dọa tấn công người Kurd ở đây và cho rằng đây là cộng đồng "khủng bố" bởi mối liên hệ với những tổ chức dàn dựng các cuộc nổi loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền ông Erdogan đã chỉ trích Mỹ vì hỗ trợ người Kurd giành quyền kiểm soát khu vực và hàm ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nổ súng vào người Kurd ngay khi lính Mỹ rút lui.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự làm như vậy, thì SDF sẽ buộc phải từ bỏ cuộc chiến chống IS.

"Chúng tôi không thể chiến đấu chống IS trong khi một quốc gia khác đang tới từ phía sau, tấn công người dân và quân đội Kurd," ông Bali nói.

Người Kurd đang tính tới kế hoạch dự phòng, bao gồm đàm phán một thỏa thuận với chính quyền Syria của tổng thống Bashar Assad nhằm cản bước Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm biên giới Syria. Ngoài ra, SDF có thể sẽ cần thỏa thuận với quân đội Iran để được bảo vệ tại Syria.

"Chính quyền Syria nên bảo vệ chủ quyền biên giới. Nếu quân đội chính phủ tới miền bắc Syria, thì về mặt lý thuyết, chúng tôi sẽ không phản đối."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại