Chỉ cần cử đi 1 tiểu đội lính thủy đánh bộ, Mỹ có thể làm Trung Quốc "tức điên"

Thi Anh |

Nếu Mỹ đưa lính thủy đánh bộ tới AIT thì động thái này sẽ nâng tầm cho Đài Loan trên vũ đài quốc tế và là chỉ dấu đáng chú ý về lập trường của chính quyền ông Trump.

Đề xuất đưa lính thủy đánh bộ tới Đài Loan

Quan chức Mỹ mới đây tiết lộ với CNN rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất đưa một nhóm thủy quân lục chiến tới Đài Loan để bảo vệ Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT), cơ quan ngoại giao không chính thức của Washington tại đó - một động thái sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Theo nguồn tin của CNN, mặc dù yêu cầu này đã được đưa ra từ vài tuần trước nhưng vẫn chưa được thông qua chính thức và công tác điều phối, triển khai vẫn đang diễn ra giữa Cơ quan An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và lực lượng lính thủy đánh bộ.

Được thành lập trên cơ sở của Luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Viện Mỹ ở Đài Loan "đảm nhiệm nhiều hoạt động đại diện cho lợi ích của Mỹ, bao gồm dịch vụ thương mại, buôn bán nông nghiệp, dịch vụ lãnh sự và trao đổi văn hóa". Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối sau khi Mỹ chính thức mở cửa cơ sở mới của AIT.

Nếu yêu cầu này được phê chuẩn thì đây sẽ là lần đầu tiên trong gần 40 năm, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia bảo vệ một cơ sở ngoại giao không chính thức của Mỹ tại Đài Loan.

Tín hiệu mạnh mẽ

Trong trường hợp yêu cầu được thông qua, số lượng lính thủy đánh bộ tới Đài Loan dự kiến sẽ không lớn, nhiều khả năng chưa tới 10 người. Tuy nhiên, đây sẽ là một động thái nổi bật mang tính biểu tượng bởi trước nay, lính thủy đánh bộ Mỹ chỉ được cử tới các quốc gia mà Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, thông qua Viện Mỹ ở Đài Loan, Mỹ duy trì một "chương trình hợp tác an ninh thiết thực, bao gồm cả buôn bán vũ khí, bảo dưỡng, huấn luyện và trao đổi".

Chỉ cần cử 1 tiểu đội lính thủy đánh bộ tới Đài Loan, Mỹ có thể làm Trung Quốc tức điên - Ảnh 1.

Cơ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức, Đài Loan vẫn được coi là một đồng minh quan trọng của Mỹ và dưới thời của Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ không chính thức ấy đang lớn mạnh hơn.

SCMP nhận định, triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Đài Loan sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ, làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ít hình ảnh nào gây ấn tượng trực quan rõ nét về quan hệ chính thức giữa hai bên hơn cảnh tượng các sĩ quan mặc quân phục đứng gác ngoài cổng một cơ sở ngoại giao.

Theo nguyên tắc ngoại giao, chỉ những nước có quan hệ ngoại giao chính thức mới cho phép nhân viên quân sự đồn trú tại các cơ sở ngoại giao. Nếu Mỹ đưa lính thủy đánh bộ tới AIT thì động thái này sẽ nâng tầm cho Đài Loan trên vũ đài quốc tế và là chỉ dấu đáng chú ý về lập trường của chính quyền ông Trump.

Động thái này sẽ cho thấy ông Trump sẵn sàng đàm phán lại với Bắc Kinh các nguyên tắc cơ bản, có tính định hình quan hệ song phương giữa hai bên trong nhiều thập kỷ tới. Đây cũng là biểu tượng cho sự bình thường hóa về mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Đài Loan.

Hơn nữa, điều này cũng có thể được xem là một phần trong nỗ lực củng cố quan hệ với tất cả các đồng minh trong khu vực của chính quyền Mỹ mới, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai bờ eo biển Đài Loan và tranh chấp trên Biển Đông, Biển Hoa Đông.

Xét về mặt quân sự, sự hiện diện của khoảng 10 lính thủy đánh bộ không có gì nổi bật nhưng đây có thể là phép thử trước các quyết định triển khai lực lượng vũ trang đáng kể hơn.

Chỉ cần cử 1 tiểu đội lính thủy đánh bộ tới Đài Loan, Mỹ có thể làm Trung Quốc tức điên - Ảnh 2.

Lực lượng Mỹ đồn trú tại Okinawa trong một sự kiện ở Campuchia. Ảnh: AP

Trong một bài viết đăng tải gần đây trên Wall Street Journal, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đề xuất Mỹ chuyển quân từ căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản sang Đài Loan.

Nghi vấn triển khai quân sự gợi lại vấn đề cạnh tranh lợi ích kéo dài trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả hai bên đều khẳng định, về mặt pháp lý, họ có quyền bảo vệ lợi ích của mình tại eo biển Đài Loan.

Luật chống ly khai năm 2005 của Trung Quốc cho nước này quyền sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan nếu Đài Bắc "cự tuyệt" nỗ lực thống nhất của Bắc Kinh. Trong khi đó, Luật Quan hệ Mỹ - Đài Loan 1979 lại buộc Mỹ phải tới bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan đối mặt với đe dọa quân sự.

Thông tin này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis kết thúc chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh. Ông Mattis đã gặp gỡ các lãnh đạo dân sự và quân sự Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Không gì ngăn được Bắc Kinh?

"Đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử Trung Quốc và Mỹ khi chúng ta cùng tìm cách thúc đẩy mối quan hệ", ông Mattis nói trong chuyến thăm.

Trong các phát ngôn, cả ông Mattis lẫn giới chức Trung Quốc đều không trực tiếp đề cập tới vấn đề Đài Loan, mặc dù theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập đã tuyên bố rằng Bắc Kinh "không thể đánh mất dù một tấc đất tổ tiên để lại". CNN cho rằng, tuyên bố này ám chỉ Đài Loan.

Hai quan chức quân sự cấp cao nói với CNN rằng, người Trung Quốc đã "nhiều lần" đưa ra vấn đề Đài Loan và "bày tỏ sự lo ngại" trong các cuộc gặp với ông Mattis, viện dẫn các động thái gần đây như thông qua Luật đi lại Đài Loan (Taiwan Travel Act), khuyến khích quan chức Mỹ và Đài Loan thực hiện các chuyến thăm ở tất cả các cấp.

Được biết, ông Mattis đã nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng ông không "chỉ đạo các quan chức quân sự làm bất cứ điều gì khác biệt" liên quan tới Đài Loan.

Hôm 26/6, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo Đài Loan và nói rằng: Không gì, kể cả sự hiện diện của quân đội nước ngoài, có thể ngăn Bắc Kinh đưa Đài Loan về dưới quyền quản lý của mình.

"Chuyện đó sẽ không có tác dụng, kể cả nếu họ tìm cách dựa vào các lực lượng nước ngoài để tăng cường sức mạnh", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại