Tháng 7 này, thế giới có thể chứng kiến thêm một cuộc họp thượng đỉnh lịch sử nữa khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hội kiến Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nguyên thủ có phong cách gần như trái ngược với nhau.
Cuộc gặp gỡ của hai phong cách trái ngược
Trong khi ông Trump khó lường và ưa thay đổi, thì ông Putin nổi tiếng với sự điềm tĩnh và cứng rắn của một cựu điệp viên KGB.
"Ông Putin chuẩn bị rất kĩ cho các cuộc họp có tính chất như vậy", trích lời ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga trong nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Barack Obama. "Ông Putin biết mình cần đạt được điều gì. Ông ấy đã nghiên cứu các điểm mạnh và điểm yếu của ông Trump trước khi cuộc họp diễn ra."
Từng là một cựu điệp viên KGB, ông Putin nổi tiếng là một nhà đàm phán sắc sảo và có khả năng "đọc vị" đối phương.
Với vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Tổng thống Putin hiểu rằng ông Trump khá thích những lời khen ngợi. Ngoài ra, dựa vào các sự kiện gần đây, ông Putin còn có thể thấy ông Trump là nhà lãnh đạo có thể tự ý thông qua một số vấn đề trái ngược hoàn toàn với lập trường của ban cố vấn.
Do đó, các chuyên gia về Nga và cựu quan chức Mỹ lo ngại rằng ông Trump sẽ "gật đầu" trước đề nghị của phía Nga để làm hài lòng ông Putin. Trước đó, ông Trump cũng từng nhiều lần làm trái lời khuyên của các cố vấn, ví dụ như khi ông gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga.
"Ông Putin hiểu rõ mình muốn đạt được gì từ cuộc họp và có khả năng trình bày rất rành mạch những yêu cầu của phía Nga. Đó là chưa kể, ông ấy còn biết cách điều khiển người khác làm theo ý mình nữa", William Pomeranz, chuyên gia về nước Nga tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, cho biết.
Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, miễn là việc này có thể củng cố trật tự toàn cầu và mở cửa cơ hội cho Moskva. Tất nhiên ông Putin sẽ rất hài lòng nếu ông Trump tiếp tục cư xử đúng như tính cách vốn có của mình.
Hai ông Putin-Trump sẽ bàn chuyện gì?
Theo các chuyên gia, chương trình nghị sự của ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới khá rõ ràng.
Đối với Tổng thống Putin, kết quả tốt nhất từ hội nghị này là một sự khẳng định – hay là sự đồng thuận từ Tổng thống Mỹ, giống như những "lời có cánh" mà Tổng thống Trump dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6 vừa qua.
Tất nhiên ông Putin sẽ rất hài lòng nếu ông Trump tiếp tục cư xử đúng như tính cách vốn có của mình. Ảnh: Reuters
Một sự công nhận toàn cầu như vậy sẽ giúp ông Putin hoàn thành một số mục tiêu dài hạn, bao gồm việc công nhận rằng Nga có quyền sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea của Ukraine hồi năm 2014, lời cam kết tôn trọng quyền lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Syria, hay thậm chí là sự đồng thuận chấm dứt quá trình mở rộng NATO (mà châu Âu luôn được xem là đối trọng với nước Nga).
Và ông Trump đã ủng hộ một mục tiêu dài hạn khác đối với ông Putin - việc tái gia nhập G-7 – tổ chức của 7 cường quốc kinh tế thế giới đã loại bỏ Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014.
Trong khi phía Mỹ cũng có những mục tiêu riêng cho cuộc họp này - trong số đó bao gồm sự hỗ trợ chống lại những kẻ khủng bố ở Syria và nhận được lời cam kết từ Moskva sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới của Mỹ.
Tuy vậy, chẳng ai biết rằng Tổng thống Trump sẽ đề cập đến những vấn đề gì trong cuộc họp sắp diễn ra.
Những lo ngại về tính cách khó lường của ông Trump
Mỗi lần ông Trump đề cập tới ông Putin đều khiến cho giới quan sát được một phen bất ngờ vì ông đã từng đồng ý với tuyên bố của Moskva rằng Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016.
Ông Trump thậm chí còn khiến cho công luận Mỹ dậy sóng khi đề cập tới khả năng thành lập một đơn vị an ninh mạng chung giữa hai nước Mỹ-Nga để bảo vệ an ninh trong các cuộc bầu cử.
Tính cách hay thay đổi của ông Trump thực sự khiến cho các quan chức chính quyền và các nhà quan sát nước ngoài lo lắng."Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ không tuân theo các kịch bản chuẩn bị sẵn", chuyên gia Pomeranz nhận định.
"Những gì ông Trump thể hiện trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức gần đây tại Singapore cho thấy ông thích sự nổi tiếng và sự chú ý toàn cầu gắn liền những cuộc hội nghị thượng đỉnh có tính chất tương tự", ông Pomeranz nhận xét. "Hơn nữa, luôn có một rủi ro là Tổng thống Trump sẽ cam kết một điều gì đó không nằm trong danh sách dự tính".
Một số quan chức trong chính quyền Mỹ đã kêu gọi ông Trump cần thận trọng, và cảnh báo rằng một cuộc hội nghị thượng đỉnh với ông Putin sẽ càng làm gia tăng những lời chỉ trích rằng người đứng đầu nước Mỹ đang quá gần gũi với lãnh đạo Nga.
Hơn nữa, hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức trong bối cảnh công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn đang tiếp tục điều tra vai trò của Tổng thống Mỹ trong nghi can Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 2 năm.
Tuy vậy, là một người nhiều năm qua vẫn ngưỡng mộ ông Putin và đôi khi còn mong muốn tới thăm Moskva trong thời kỳ giữ chức Tổng thống, ông Trump đã bác bỏ những lo ngại trên và tuyên bố với các trợ lý rằng ông không hề lo lắng về cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Tổng thống Putin sẽ được lợi lớn từ cuộc gặp với ông Trump?
Đối với ông Putin, những ảnh hưởng từ một hội nghị thượng đỉnh với một Tổng thống Mỹ có thể mang đến cho ông một chiến thắng chính trị to lớn, đưa ông trở lại vị thế lãnh đạo cường quốc hạt nhân 'ngang cơ' với ông Trump.
Sau lần thất bại trong việc tái thiết lập mối quan hệ với nước Nga trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, cựu Tổng thống Barack Obama đã kết luận rằng cách tiếp cận tốt nhất là không quan tâm tới ông Putin nữa, và coi ông là lãnh đạo của một chính phủ đang suy tàn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về chính sách đối ngoại, trật tự thế giới rối ren như hiện nay khi ông Trump thường sử dụng ngôn từ thân thiện với đối thủ hơn là các đồng minh truyền thống của Mỹ, lại đang giúp ông Putin đạt được mong muốn chấm dứt sự thống trị đơn phương của nước Mỹ trong các vấn đề thế giới.
Tổng thống Nga thường xuyên đề cập đến ước mơ thiết lập một hệ thống đa phương mới và việc nước Mỹ giảm bớt tầm ảnh hưởng tại nhiều quốc gia Châu Âu sẽ giúp ông đạt được mục tiêu này.
"Trật tự thế giới lưỡng cực trong nửa sau của thế kỷ 20 tuy có nhiều thiếu sót, nhưng vẫn bảo đảm một điều rất quan trọng. Đó là sự ổn định toàn cầu", ông Vladimir Chizhov, đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu, phát biểu trong một bài phát biểu gần đây tại Athens.
"Bất chấp các nỗ lực trong vòng 2 thập niên qua, một thế giới đơn cực chưa bao giờ trở thành hiện thực - bất kể ảo tưởng của một số nước khi nghĩ nước mình có thể chi phối mọi diễn biến địa chính trị và tin rằng quyền lực tuyệt đối thuộc về mình", ông Chizhov nói.
Từ lâu, ông Putin đã cố gắng thuyết phục EU rằng Nga là một đồng minh tất yếu hơn của EU so với Mỹ, và ông Putin có thể tận dụng các cuộc họp với ông Trump để đề cập tới việc Nga tiếp tục ủng hộ hiệp định biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017. Ảnh: Kremlin.
Đồng minh lo ngại khi ông Trump quyết gặp ông Putin
Việc Mỹ rút khỏi 2 hiệp định đa phương này đang được coi là bằng chứng cho thấy nước Mỹ đang dần rời xa các đồng minh châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin đã được xác nhận sẽ diễn ra vào ngày 16/7 tại Helsinki, sau khi ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Các quan chức châu Âu đang rất lo ngại rằng ông Trump sẽ tập trung nhiều sự chú ý hơn vào cuộc họp với ông Putin, so với các cuộc thảo luận của ông với các đồng minh NATO.
Sở dĩ các lãnh đạo châu Âu lo ngại như vậy là bởi đầu tháng 6 vừa qua, ông Trump đã quyết định cắt ngắn cuộc họp với các lãnh đạo G-7, không đồng ý thông qua bản tuyên bố chung của hội nghị G7, sau đó lại vội vã tới Singapore để tham dự hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un.
"Tôi nghĩ rằng người châu Âu đã lo lắng về cuộc họp này kể từ khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống", ông Jorge Benitez, chuyên viên cao cấp về NATO tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft cho biết.
"Những gì xảy ra trong cuộc họp ở Singapore không đem lại ảnh hưởng tích cực. Tôi nghĩ nó khiến cho lãnh đạo các nước lo lắng về việc ông Trump sẽ tỏ thái độ thân mật quá mức với ông Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới", ông Benitez nói.
Cuộc gặp gỡ tháng 7 tới đây sẽ là cuộc gặp gỡ cá nhân thứ ba của ông Trump với nhà lãnh đạo Nga. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh G-20 của các cường quốc kinh tế hàng đầu ở Hamburg, Đức cách đây chưa đầy một năm.Sau đó họ lại gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.
Sau cuộc họp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Putin-Trump tại Hamburg, hai ông đã đồng ý hợp tác để thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine và chống các mối đe dọa an ninh mạng. Tuy vậy, các mục tiêu trên đều chưa đạt được tiến triển rõ rệt.
Tuy nhiên ông Trump đã thể hiện rất rõ rằng ông mong muốn phát triển các mối quan hệ tích cực với Nga, dù điều đó khiến đội ngũ quan chức an ninh quốc gia của ông không bằng lòng.
Một tài liệu trình lên Tổng thống Trump đầu năm nay đã cảnh báo rõ ràng bằng chữ in hoa rằng ông Trump không được chúc mừng nếu ông Putin tái đắc cử Tổng thống, nhưng ông Trump đã phớt lờ cảnh báo này.
Do đó, theo Politico, với tính cách khó lường của ông Trump, thay vì đề cập đến những vấn đề quá nhạy cảm trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16/7, Tổng thống Putin chỉ nên khen ngợi những thành quả mà ông Trump đã đạt được, đồng thời đề xuất sớm gặp lại trong thời gian tới.
Cử chỉ thân thiết của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017