Kiên quyết rút khỏi dự án máy bay thế hệ 5
Tiêm kích tàng hình FGFA mà Ấn Độ hợp tác phát triển cùng Nga được coi như phiên bản 2 chỗ ngồi của Su-57. Đây là loại máy bay được Ấn Độ kỳ vọng rất nhiều trong bối cảnh Ấn Độ bị chậm chân trước đối thủ lớn là Trung Quốc khi Bắc Kinh đã đưa J-20 vào biên chế chiến đấu.
Thậm chí, New Delhi còn có nguy cơ bị kình địch Pakistan qua mặt vì họ đã dự định mua tiêm kích J-31 của Trung Quốc, một loại máy bay cũng thuộc thế hệ 5.
Sáu tháng trước đây, Ấn Độ đã quyết định rời bỏ dự án FGFA với lý do chi phí tăng vọt, tính năng kỹ chiến thuật của máy bay không đáp ứng nổi kỳ vọng và Nga chưa chuyển giao công nghệ cốt lõi như cam kết ban đầu. Việc làm này của Nga theo Ấn Độ là rất khó chấp nhận.
Việc Ấn Độ rời khỏi dự án FGFA là đòn giáng mạnh vào tham vọng của Nga, bởi vì New Delhi là nguồn cung cấp tài chính chủ chốt cho dự án. Hiện nay chương trình Su-57 của Nga vẫn liên tục bị chậm tiến độ, ngoài các lý do về công nghệ chưa dễ vượt qua thì lý do quan trọng là tài chính đáp ứng cho "siêu dự án" này liên tục bị cắt giảm.
Trước kia, để hoàn thiện Su-57, Nga đã ký với Ấn Độ dự án FGFA với mục đích giải quyết khó khăn về nguồn vốn để có thể sản xuất ra phiên bản Su-57 toàn diện hơn. Tuy nhiên, việc Ấn Độ quyết định rút khỏi dự án đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nguồn ngân sách giành cho chương trình này, trong khi nền kinh tế Nga tiếp tục gặp khó khăn.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57. Ảnh: RT
Nghi ngờ tính năng của S-400
Ấn Độ rút khỏi dự án FGFA, Moscow yêu cầu Ấn Độ bồi thường cho những tổn thất này thông qua việc mua lại hệ thống phòng không S-400. Đây là sự ép buộc kinh tế, rất tốn kém cho phía Ấn Độ, tờ báo Money Control nhận xét.
Theo giới thiệu của Nga, hệ thống phòng không S-400 có phạm vi đánh chặn các mục tiêu trên không rất ấn tượng - tầm xa nhất đạt tới 400 km. Tuy nhiên, đây chỉ là những tính năng từ tài liệu quảng cáo.
Trên thực tế, Nga đã triển khai hệ thống phòng không S-400 sang Syria vào cuối năm 2015, sau khi một máy bay Su-24 của họ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Ngay sau khi Nga triển khai S-400, máy bay của Mỹ và liên quân đã hạn chế các đợt tấn công vào quân đội Syria, cũng như bay vào khu vực do Nga kiểm soát, vì lo ngại có thể làm mục tiêu cho S-400. Tuy nhiên sau màn lo sợ, Mỹ và phương Tây lại là thở phào nhẹ nhõm, khi thấy S-400 của Nga không hề mạnh như quảng cáo.
Tại sao lại như vậy? Vì không một chiếc máy bay nào tấn công Syria đã bị S-400 bắn hạ. S-400 không đánh chặn được bất kỳ tên lửa nào được phóng từ máy bay, tàu mặt nước và tàu ngầm của Mỹ, Anh, Israel và Pháp.
Từ việc S-400 không thể đánh hạ các mục tiêu tầm gần, cho tới việc không hề phát hiện được máy bay tàng hình (như quảng cáo), thậm chí là bị không quân Israel qua mặt khi tấn công quân đội Syria ngay dưới sự bảo vệ của S-400. Nói chung, hệ thống này được ví là một người vừa mù vừa điếc - không phát hiện cũng như không bắn hạ được tên lửa hay máy bay trên bầu trời Syria.
S-400 bảo vệ căn cứ Khmeymim của Nga tại Syria. Ảnh: RT
Có quá oan ức cho S-400?
Nhiệm vụ S-400 tại căn cứ Khmeymim của Nga tại Syria là phòng thủ bảo vệ căn cứ; nếu sử dụng S-400 bên ngoài căn cứ được xác định là động cơ chính trị, rất dễ làm leo thang cuộc chiến. Nga khẳng định không có nghĩa vụ bảo vệ các căn cứ của Iran trên lãnh thổ Syria, nơi là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa Israel diễn ra với cường độ ác liệt ngày càng cao.
Việc Nga không bắn hạ máy bay Israel để tránh tình hình căng thẳng, nhưng lập luận này không có tính thực sự thuyết phục. Nga và Syria đang là đồng minh, bảo vệ Syria cũng chính là bảo vệ quyền lợi của Nga tại đây. Với hiệp ước liên minh, Nga có đủ danh chính ngôn thuận để bắn cảnh cáo không quân Israel.
Với thực tế không cần phải khai hỏa tên lửa, chỉ cần hệ thống S-400 của Nga phát hiện và khóa bắn mục tiêu bằng radar. Lúc này máy bay chiến đấu của Israel sẽ báo động và họ sẽ bỏ ngay những cuộc không kích.
Nhưng rất tiếc ngay cả việc khóa bắn mục tiêu bằng radar S-400 của Nga cũng không làm được. Điều này đã minh chứng rằng: khả năng đánh chặn máy bay tàng hình cũng như các loại máy bay, tên lửa của S-400 Nga cũng không mạnh như quảng cáo.
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp không kích Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria ở Barzeh, gần Damascus, Syria, ngày 14/4/2018 mà không hề bị phát hiện và đánh chặn
Ấn Độ có thực sự cần S-400?
Tờ báo Money Control cũng thừa nhận một số lợi ích mà hệ thống S-400 mang lại cho Ấn Độ. Có hệ thống S-400, Ấn Độ sẽ có cơ hội để thử nghiệm tính năng kỹ chiến thuật loại máy bay chiến đấu "Rafale" của Pháp mà Ấn Độ mới mua.
Đó là tìm hiểu làm thế nào Rafale có thể bị phát hiện bởi radar của hệ thống S-400, bị phát hiện ở khoảng cách nào và liệu khả năng những máy bay này bị tên lửa phòng không Nga đánh chặn có cao không?
Tại sao Ấn Độ lại phải sử dụng S-400 để kiểm tra tính năng của máy bay Rafale? Sở dĩ phải như vậy là do Trung Quốc là đối thủ địa chính trị của Ấn Độ, kẻ thù nguy hiểm với Ấn Độ chỉ sau Pakistan, nhưng có tiềm năng lớn hơn nhiều. Hiện Trung Quốc đang sử dụng các hệ thống S-400 được mua từ Nga trong hệ thống phòng không của họ.
Cũng rất có thể việc Ấn Độ làm mình, mẩy chỉ là chiêu thức cố gắng hạ giá hệ thống S-400. Chiến thuật này của New Delhi được sử dụng rất thường xuyên, gần đây có thể thấy là gói thầu mua số lượng 126 máy bay chiến đấu tầm trung, việc đàm phán đã diễn ra trong gần 20 năm mà chưa chốt được phương án mua.
Và điều kiện quan trọng đối với Ấn Độ, đó là những vũ khí quan trọng đến an ninh quốc gia của Ấn Độ phải được chuyển giao công nghệ cho phía Ấn Độ, thì họ mới đồng ý mua.
Quân đội Pakistan đã tiến hành phóng thử tên lửa đất đối không HQ-16 (phiên bản xuất khẩu có tên LY-80) do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: RT
Khoảng trống nguy hiểm và nguy cơ tụt hậu với các đối thủ của Ấn Độ
Việc Ấn Độ, một quốc gia có truyền thống sử dụng vũ khí Nga, quay lưng lại với vũ khí Nga khi chưa có lòng tin trọn vẹn với vũ khí phương Tây là "khoảng trống" cực kỳ nguy hiểm.
Đơn cử, việc đặt mua 36 chiếc máy bay chiến đấu hạng trung Rafale từ Pháp, giá mỗi chiếc là 200 triệu USD, đây là một mức giá hoàn toàn bất thường, và người Pháp không hề chuyển giao bất kỳ công nghệ nào của loại máy bay này cho đối tác Ấn Độ.
Việc rút khỏi dự án Su-57, Ấn Độ thậm chí có thể bị đối thủ bỏ lại mà không có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Với quan hệ đồng minh thân thiết, rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trang bị cho Pakistan máy bay chiến đấu thế hệ 5 để làm đối trọng và làm hao mòn tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra trên lĩnh vực phòng không, hiện tại Ấn Độ đã tụt hậu đáng kể trong lĩnh vực này không chỉ với Trung Quốc, mà cả Pakistan. Niềm tự hào duy nhất của New Delhi là hệ thống tên lửa phòng không tối tân Ashwin (AAD), được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài bầu khí quyển.
Đối với cuộc chiến chống lại các mục tiêu máy bay, tên lửa hành trình thì mọi thứ của Ấn Độ đều rất khiêm tốn.
Lực lượng phòng không của Ấn Độ hiện có một số hệ thống phòng không tầm ngắn Akash do nền công nghiệp quốc phòng nước này tự chế tạo, cũng như các tổ hợp phòng không lục quân Osa và Neva mà Ấn Độ mua từ thời Liên Xô; có thể trong tương lai, hệ thống phòng không tầm ngắn Spyder của Israel có thể được Ấn Độ đặt mua.
Trong khi đó, kình địch của Ấn Độ là Pakistan đang phát triển năng động với sự hỗ trợ của Bắc Kinh. Một năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp các tổ hợp phòng không tầm trung HQ-16 cho Pakistan, sự hợp tác này vẫn tiếp tục.
Với truyền thống "sao chép" ngược của các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, rất có thể thời gian tới, Islamabad hoàn toàn có thể được cung cấp một bản copy của S-400 từ nhà sản xuất Trung Quốc.
Trên thực tế, ngay cả bây giờ Trung Quốc có thể khiến Pakistan hài lòng với tổ hợp phòng không HQ-9 được phát triển trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà trước đây chính Trung Quốc mua của Nga.
HQ-9 với tầm bắn tới 200 km và có thể đánh chặn cả tên lửa đạn đạo. HQ-9 sẽ tước đi ưu thế về không quân và tên lửa đạn đạo của Ấn Độ, và một Ấn Độ yếu thế trước Pakistan là điều mà các nhà lãnh đạo cũng như nhân dân toàn Ấn Độ không bao giờ mong muốn./.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph tham gia diễn tập tại Crimea