Trang CNN đăng tin, trong khi Trung Quốc phô diễn những vũ khí mạnh nhất nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 70 vào đầu tuần này thì Hải quân Mỹ mới đây cũng đã tiến hành thử nghiệm một loại vũ khí mới trên Thái Bình Dương.
Tại vùng lãnh hải ngoài khơi đảo Guam, tàu USS Gabrielle Giffords đã phóng thử một quả Tên lửa Tấn công Hải quân (NSM). Đây là loại tên lửa hành trình lướt biển rất khó bị phát hiện trên radar và có thể di chuyển linh hoạt nhằm tránh khỏi hệ thống phòng ngự của đối thủ.
Mục tiêu ngắm đến của Tên lửa tấn công Hải quân cùng với một loạt vũ khí khác là con tàu khu trục Hải quân Mỹ trước đây từng có tên là USS Ford. Con tàu giờ đang hiện diện tại Thái Bình Dương và đảm nhận vai trò là một mục tiêu thử nghiệm trong một cuộc tập trận được gọi là SINKEX.
Tàu USS Gabrielle Giffords là tàu Hải quân Mỹ đầu tiên được lắp đặt Tên lửa Tấn công Hải quân. Theo giới phân tích, sự có mặt của NSM giúp duy trì cân bằng tại Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang không ngừng mở rộng kho vũ khí tên lửa của mình về cả chất lượng và số lượng.
"Trung Quốc đang có lợi thế so với Mỹ trong lĩnh vực tên lửa hành trình, tuy nhiên NSM có thể thực sự 'thay đổi cuộc chơi'", ông Carl Schuster, một cựu đại úy Hải quân và giờ đang giảng dạy tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii nhận định.
Còn theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách Rand Corp. Timothy Heath, "Lầu Năm góc đang xây dựng một lực lượng quân sự có thể tác chiến trên một nền tảng bền vững hơn và có nhiều cơ hội hơn trong chiến đấu và tồn tại trong trường hợp xảy ra tình thế đối đầu khó tiến công cực kỳ nguy hiểm với quân đội Trung Quốc".
Ông Heath đề cập tới sự kết hợp giữa tàu, máy bay và tên lửa mà Trung Quốc đang sử dụng nhằm kiểm soát nhiều khu vực trên Thái Bình Dương.
Trung Quốc phô diễn sức mạnh quốc phòng trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh (ảnh: getty)
Thông qua lễ diễu binh hoành tráng tại Bắc Kinh hôm thứ ba (1/10), thế giới đã được chứng kiến một phần lớn kho vũ khí của Trung Quốc – mọi thứ từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho tới tàu ngầm không người lái.
Ông Tong Zhao, một phân tích quân sự kiêm học giả cấp cao tại Trung tâm Thanh Hoa Carnegie đánh giá, "Trung Quốc cho thấy mình đã tiến bộ nhiều như thế nào và trở nên hiện đại ra sao so với nhiều năm trước". "Giờ đây, Trung Quốc sở hữu năng lực phòng vệ tốt hơn; xứng đáng nhận được sự đối xử công bình và vô tư từ các cường quốc khác".
Một trong những vấn đề trọng tâm trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chính là vấn đề Biển Đông. Là một trong những "điểm nóng" hàng đầu thế giới, Bắc Kinh đang không ngừng tìm cách mở rộng hiện diện của mình tại Biển Đông.
Tàu "tàng hình" USS Gabrielle Giffords là loại tàu chiến ven biển (LCS), được thiết kế cho các chiến dịch tại những khu vực nước nông xung quanh bờ biển và đảo.
Đầu năm nay, phát biểu trước một tiểu ban Quân trang Thượng viện, các nhà lãnh đạo Hải quân Mỹ cho hay, hầu hết các tàu thuộc hạm đội tàu chiến ven biển của nước này, sẽ được trang bị Tên lửa Tấn công Hải quân. Hạm đội LCS cũng đang ngày càng phát triển với số tàu có thể lên tới hơn 30.
Điểm mạnh nhất của NSM chính là tầm di chuyển hơn 160 km – xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ đã sử dụng cho khả năng chống tàu này.
Con khu trục trước có tên là USS Ford "hứng chịu" các thiệt hại khi trở thành mục tiêu thử nghiệm của các tàu chiến, máy bay chiến đấu, tàu ngầm của Hải quân Mỹ và cả tàu chiến của Hải quân Singapore trong một cuộc tập trận chung giữa hai nước (ảnh: Getty)
Cuộc tập trận bắn đạn thật SINKEX diễn ra vào ngày 1/10 trên Thái Bình Dương cũng bao gồm cả hoạt động phóng tên lửa từ phi cơ chiến đấu của Hải quân Mỹ, thả bom từ máy bay B-52 của Không quân Mỹ... Bên cạnh đó, hai tàu khu trục tàng hình của Hải quân Singapore cũng phóng đi hai quả tên lửa Harpoon.
"Cuộc tập trận này đem tới những cơ hội quan trọng cho công tác huấn luyện thực tiễn trên biển với hậu cần, điều kiện không thể được lặp lại ở nơi khác", Tướng Hải quân Mỹ, đồng chỉ huy tập trận Mattew Jerrbi nói trong một thông cáo.
"Việc huấn luyện cùng với các đối tác Singapore trong một cuộc tập trận phức tạp như thế này là cực kỳ có giá trị" đối với Mỹ, ông Jerrbi khẳng định thêm.
Còn Đại tá Singapore Lim Yu Chuan cho hay, cuộc tập trận là "một nền tảng vô giá cho lực lượng hải quân hai nước [Singapore và Mỹ], nhằm thắt chặt hợp tác và phối hợp chung".
"Với không gian huấn luyện rộng lớn tại lãnh hải ngoài khơi đảo Guam, sự kiện cũng cung cấp cho hải quân Singapore cơ hội được thực hiện một cuộc tập trận cấp cao về quy mô bền vững và độ phức tạp", ông Lim nhấn mạnh.