Chạy đua thành tích về 'trung hòa carbon', Nhật Bản khởi động lại lò phản ứng hạt nhân từng gặp sự cố

Bảo Nam |

Một lò phản ứng hạt nhân hơn 40 năm tuổi, từng gây tai nạn chết người đã được chính phủ Nhật Bản đưa hoạt động trở lại sau khi tạm dừng hoạt động gần một thập kỷ.

Một lò phản ứng hạt nhân hơn 40 năm tuổi ở miền Trung Nhật Bản, nơi từng gây ra các tai nạn chết người đã hoạt động trở lại sau khi bị ngừng hoạt động trong một thập kỷ kể từ thảm họa hạt nhân tại Fukushima tháng 3/2011, trong bối cảnh Nhật Bản nỗ lực đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon.

Công ty Điện lực Kansai (Kansai Electric) cho biết lò phản ứng Mihama số 3 ở tỉnh Fukui đã hoạt động trở lại vào thứ Tư ngày 23/6, sau khi công nhân tháo các thanh điều khiển bên trong lò phản ứng.

Lò phản ứng này bắt đầu hoạt động vào năm 1976, là một trong những lò phản ứng lâu đời nhất của Nhật Bản. Đây là một trong ba đơn vị lò phản ứng do Kansai Electric vận hành đã được cấp phép mở rộng hoạt động sau 40 năm và là chiếc đầu tiên trong số ba lò sẽ tiếp tục hoạt động kể từ khi sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trước đó, sự kiện rò rỉ năm 2011 đã thúc đẩy các cuộc kiểm tra an toàn mở rộng và các tiêu chuẩn khắt khe hơn ở tất cả lò phản ứng hạt nhân ở Nhật.

Chạy đua thành tích về trung hòa carbon, Nhật Bản khởi động lại lò phản ứng hạt nhân từng gặp sự cố - Ảnh 1.

Theo chính phủ, lò phản ứng nói trên hiện đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra an toàn. Nhưng không phải ai cũng tự tin về điều đó.

Một số cư dân của Fukui và các khu vực lân cận đã đệ đơn yêu cầu lệnh cấm lên Tòa án quận Osaka vì lo ngại về lò phản ứng Mihama số 3 đã quá cũ kỹ. Lò phản ứng này đã gặp sự cố vào năm 2004, trong đó nước nóng và hơi nước rò rỉ từ một đường ống bị vỡ trong tòa nhà chứa tuabin của nó đã khiến 5 công nhân thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Một nhà khoa học hạt nhân Nhật Bản, Tatsujiro Suzuki, cũng bày tỏ nghi ngờ về tính minh bạch của các cuộc thử nghiệm an toàn. "Có vẻ như ngành công nghiệp và chính phủ đã không học được bài học từ Fukushima", ông Suzuki cho biết.

Kansai Electric hiện có kế hoạch khởi động lại hai lò phản ứng cũ khác - Takahama số 1 và số 2, cũng ở Fukui - đã được gia hạn hoạt động.

Động thái nói trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người đã cam kết vào tháng 10 năm ngoái rằng Nhật Bản sẽ đạt được cấp độ trung hòa carbon vào năm 2050, gần đây đã nâng mục tiêu vào năm 2030 sẽ giảm lượng khí thải carbon từ mức 46% năm 2013 xuống còn 26%. Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới.

Bản sửa đổi kế hoạch năng lượng hiện tại của Nhật Bản, được thiết lập vào năm 2018, dự kiến ​​đưa ra vào khoảng tháng 7. Mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2050 sẽ đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ và có khả năng thúc đẩy các lời kêu gọi khởi động lại nhiều nhà máy hạt nhân cũ hơn, cũng như xây dựng các lò phản ứng mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại