AP dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng, trong cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Helsinki của Phần Lan hôm 16/7, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sự tin tưởng vào nhà lãnh đạo Nga Putin thay vì những báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ. Động thái của ông Trump đã tạo ra cơn sóng gió chính trị tại Mỹ.
Nói cách khác, quan hệ Nga – Trung dựa trên nền tảng nhu cầu thực tế và chính trị. Cụ thể, Trung Quốc muốn có được nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga để duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi, Moscow cần sự chống lưng của Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại và đầu tư để chống chọi trước sự bủa vây của các lệnh trừng phạt được phương Tây đưa ra sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ quốc gia hồi năm 2014.
“Ông Trump đã nói rõ rằng, mình là một fan lớn của Tổng thống Putin. Nhưng mọi người đều biết ông Trump thường xuyên thay đổi quan điểm. Những nỗ lực kết thân của ông Trump không thể sánh với lịch sử và mối quan hệ quen biết lâu nay giữa ông Tập và ông Putin”, AP dẫn lời ông Li Xin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nước Nga tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải.
“Cả hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đều muốn xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ đồng thời làm suy yếu mối quan hệ đồng minh của Mỹ để từ đó làm thay đổi hệ thống thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để Nga – Trung phát triển”, ông Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington chia sẻ qua email.
Trong khi ông Trump nổi khùng trước những kinh nghiệm chính trị dày dặn của ông Putin thì lâu nay, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung lại công khai chứng minh sự hòa hợp trong đường lối lãnh đạo.
Ngay trước chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng Sáu, ông Putin đã nhắc lại kỷ niệm tổ chức sinh nhật cùng ông Tập cách đây 5 năm bằng rượu vodka và món xúc xích.
“Tôi chưa bao giờ có được mối quan hệ hoặc sự thân tình nào với các nhà lãnh đạo thế giới như vậy. Nhưng tôi đã làm điều đó với ông Tập”, Tổng thống Putin cho biết.
Trên thực tế, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung đã dành thời gian để nhóm họp và trao đổi với nhau nhiều hơn bất cứ với một nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới.
Thậm chí, hồi tháng Sáu, ông Tập đã trao cho ông Putin huân chương hữu nghị đầu tiên và gọi nhà lãnh đạo Nga là “người bạn tốt nhất và thân thiết nhất”.
Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Helsinki kết thúc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh hoan nghênh việc Nga – Mỹ cải thiện quan hệ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định, Bắc Kinh “hoàn toàn tin tưởng” vào mối quan hệ song phương với Moscow.
“Mối quan hệ Nga – Trung sẽ không thể bị ảnh hưởng bớt bất kỳ yếu tố bên ngoài nào”, bà Hoa nói.
Còn theo nhà bình luận Harry Kazianis, khả năng sẽ có một ngày Washington và Moscow hiệp lực để chống lại Bắc Kinh nếu như Trung Quốc vô tình “dẫm phải chân” của Nga – Mỹ.
“Dù hôm nay Nga bị xem là kẻ thù nhưng ngày mai có thể họ sẽ trở thành đối tác để cùng Mỹ chống lại kẻ thù chung”, ông Kazianis viết trên tờ The American Conservative trong tháng này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng khả năng mà ông Kazianis đưa ra sẽ không thể sớm xảy ra. Điều này được chứng minh ngay sau khi trở về nước từ Helsinki, ông Trump đã có tuyên bố đính chính về việc phủ nhận các bản báo cáo của giới tình Mỹ liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Về phần mình, ngoài việc xem ông Trump là một đối thủ cạnh tranh giành lấy tình bạn từ Nga, Trung Quốc hiện thỏa mãn khi chứng kiến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu.
“So với quan hệ song phương Nga – Mỹ, Bắc Kinh có mối quan hệ tốt đẹp hơn với cả Washington và Moscow. Trung Quốc cũng hy vọng chuyến thăm của ông Trump sẽ không làm thay đổi thực tế này”, ông Glaser nhận định.