Đức tích trữ khí đốt trên 90%
Mùa Đông năm nay tại châu Âu không khắc nghiệt như những gì nhiều chuyên gia lo sợ. Các nhà khoa học của Liên minh châu Âu ngày 10/1 nhận định khu vực này đã trải qua 1 năm ấm thứ hai được ghi nhận trong lịch sử vào năm 2022.
Thời tiết ấm áp hơn mọi năm và các biện pháp tiết kiệm năng lượng , cũng như nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ của các nước đã giúp châu Âu có thể tránh khỏi viễn cảnh mùa Đông lạnh giá do thiếu khí đốt.
Mới đây, Chính phủ Đức khẳng định nước này hiện đã tránh được kịch bản xấu nhất về vấn đề năng lượng. Cụ thể, lượng tích trữ khí đốt của nước này hiện được lấp đầy trên 90% và Berlin không còn phải lo ngại tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kêu gọi người dân tiết kiệm và chuẩn bị cho mùa Đông năm 2023 - 2024.
Theo tính toán của cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, với tốc độ tiêu thụ khí đốt như hiện nay thì lượng khí đốt tích trữ vào cuối mùa Đông này vẫn có thể đạt trên 50%.
Giá khí đốt giảm sẽ giúp gánh nặng chi phí năng lượng nhẹ bớt trên vai người dân châu Âu. Ảnh minh họa.
Nỗ lực của châu Âu nhằm kiềm chế khủng hoảng khí đốt
Còn theo dữ liệu từ Hạ tầng Khí đốt châu Âu, dự trữ khí đốt của khu vực này hiện đang đầy 83%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 69% của 5 năm tính đến năm 2021.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Cảng nhập khẩu khí hóa lỏng mới và các đường ống cần thiết đã được các kỹ sư và công nhân lành nghề của chúng tôi xây dựng trong vòng chưa đầy 200 ngày. Trong thời gian tới, các cảng LNG tiếp theo sẽ đi vào hoạt động. Nhờ vậy, đất nước của chúng ta và châu Âu sẽ vĩnh viễn không còn phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Đó là cách chúng ta sẽ vượt qua mùa Đông này. Ngoài ra, chúng ta sẽ vượt qua mùa Đông nhờ kho dự trữ đầy khí đốt và vì chúng ta đã cùng nhau tiết kiệm năng lượng trong những tháng gần đây’.
"Chúng ta có mức dự trữ khí đốt tốt cho đầu năm nay nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể tự mãn. Năm nay tiếp tục là một năm đầy thử thách. Có rất nhiều điều chúng ta cần làm để thực hiện những gì đã được thỏa thuận vào năm ngoái và thúc đẩy những cải cách dài hạn cần thiết về năng lượng tái tạo, về sử dụng năng lượng một cách hiệu quả", ông Tim Mcphie - Người phát ngôn của Ủy ban hành động khí hậu và năng lượng EU cho hay.
Châu Âu nỗ lực kiềm chế khủng hoảng năng lượng
Năm 2023 nguồn cung khí đốt cho châu Âu có thể thiếu hụt 57 tỷ m3. Ảnh minh họa.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến châu Âu tốn thêm gần 1.000 tỷ USD vì giá nhiên liệu tăng. Các Chính phủ châu Âu đã tung hơn 700 tỷ USD hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng. Nỗ lực áp dụng hàng loạt chính sách đã và đang giúp các nước châu Âu giảm được tính nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng năng lượng.
Dù còn nhiều bất đồng song để ngăn cuộc khủng hoảng năng lượng diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, Liên minh châu Âu và các nước thành viên đã tạm gác nhiều tranh chấp và áp dụng hàng loạt chính sách kìm đà tăng giá năng lượng.
Gần đây nhất, các thành viên Liên minh châu Âu đã nỗ lực áp giá trần dầu mỏ và khí đốt nhằm đảm bảo giá năng lượng không tăng đột biến.
Trước đó, các nước châu Âu còn cắt bỏ nguồn thu vượt mức từ các nhà máy điện không dùng khí đốt của châu Âu để huy động tiền mặt cho các Chính phủ giúp các doanh nghiệp và người dân thanh toán hóa đơn năng lượng.
Các nước châu Âu cũng chi hàng trăm tỷ Euro để giảm thuế và trợ cấp nhằm kiềm chế cuộc khủng hoảng năng lượng khiến lạm phát tăng kỷ lục, buộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Để tiếp tục duy trì sự ổn định giá năng lượng, trong ngắn và trung hạn, châu Âu đã và đang xây mới các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng từ Mỹ, Australia, các nước Trung Đông để bù đắp sự thiếu hụt khí đốt từ Nga. Tại Đức 3 cảng tiếp nhận khí hoá lỏng mới có thể bù đắp 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga.
Còn về dài hạn, việc phát triển năng lượng tái tạo có thể giúp châu Âu giảm gần 40% lượng điện tạo ra từ khí đốt tại 10 thị trường điện lớn nhất châu Âu.
Châu Âu đang ở vị thế tốt hơn so với những dự báo trước đó, nhưng trong thời gian tới, nguy cơ khủng hoảng vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, năm 2023 nguồn cung khí đốt cho châu Âu có thể thiếu hụt 57 tỷ m3. Khoảng 30 tỷ m3 có thể được bù đắp bằng các biện pháp hiện tại gồm tăng cường tích trữ và tự nguyện giảm nhu cầu khí.
Còn những rủi ro dẫn đến thiếu hụt trước mắt có thể đến từ việc Nga có thể dừng hoàn toàn việc cung cấp khí vào năm 2023. Hay thời tiết châu Âu có thể thay đổi, trở nên lạnh giá hơn. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng tốc trở lại sau khi gỡ bỏ các biện pháp cách ly, điều này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến thị trướng khí tự nhiên. Do vậy, châu Âu vẫn cần rất thận trọng và có những biện pháp phù hợp để đảm bảo nguồn cung và ổn định năng lượng cho người dân.