Đầu tư năng lượng tái tạo là mục tiêu quan trọng, song cần chuẩn bị kỹ cho quá trình chuyển đổi. Ảnh: AP
Giải pháp tạm thời
Tại mỏ than lớn nhất của Hy Lạp, những vụ nổ có kiểm soát và tiếng gầm rú của những chiếc máy xúc khổng lồ không còn khiến người dân quá hoảng sợ, vì đã trở nên quen thuộc. Sản xuất than đã được đẩy mạnh tại địa điểm gần thành phố Kozani, miền Bắc Hy Lạp khi xung đột ở Ukraine buộc nhiều quốc gia châu Âu phải tính toán lại về nguồn cung cấp năng lượng của họ.
Than hiện đang giúp châu lục này bảo vệ nguồn cung cấp điện và đối phó với sự gia tăng đáng kể của giá khí đốt tự nhiên do xung đột gây ra.
Theo Ban Giám đốc năng lượng của Liên minh châu Âu (EU), lượng điện sản xuất bằng than ở khối này đã tăng 19% trong quý 4/2021, khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine diễn ra vào cuối tháng 2 và thậm chí ngay cả trước xung đột.
Khí đốt của Nga chiếm hơn 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở EU vào năm ngoái, khiến khối này phải tranh giành các lựa chọn thay thế khi giá tăng và nguồn cung bị cắt cho một số quốc gia. Nga cũng cung cấp 27% lượng dầu và 46% lượng than nhập khẩu của EU. Và cuộc khủng hoảng đã đẩy Hy Lạp vào một thời điểm khó khăn trong quá trình chuyển đổi của chính mình.
Trong nhiều thập kỷ, Hy Lạp dựa vào khai thác than non trong nước, một loại than chất lượng thấp và phát thải cao, nhưng gần đây đã đẩy nhanh kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện cũ, hứa hẹn biến năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng chính của nước này vào năm 2030. Hiện tại năng lượng tái tạo chiếm khoảng 1/3 tổng năng lượng của cả nước.
Công viên năng lượng mặt trời tại Hy Lạp - một trong những công viên lớn nhất châu Âu mới hoàn thành, chỉ cách mỏ than non lớn nhất đất nước nửa giờ lái xe, gần thành phố phía Bắc Kozani. Tuy nhiên, trong khi khánh thành cơ sở năng lượng mặt trời mới, Thủ tướng của Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis, vẫn tuyên bố tăng 50% sản lượng than non cho đến năm 2024 làm nguồn dự trữ, song song với kế hoạch đóng cửa thêm các nhà máy nhiệt điện than đang bị tạm dừng hoạt động.
"Không chỉ Hy Lạp mà tất cả các nước châu Âu đang thực hiện những thay đổi nhỏ đối với các chương trình chuyển đổi năng lượng của họ bằng các biện pháp ngắn hạn" - Thủ tướng Mitsotakis cho biết.
Cần chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi
Các quan chức ở Hy Lạp cho biết, đất nước này thích hợp để phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Họ đang thử nghiệm công nghệ pin do EU tài trợ để cố gắng đưa các hòn đảo của mình thoát khỏi các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel gây ô nhiễm và tốn kém.
Ông Nikou - Giám đốc mỏ than Kozani, khu mỏ có diện tích gần gấp 9 lần diện tích của Sân bay JFK ở New York, cho biết, sự kết thúc kỷ nguyên than ở Hy Lạp là điều không thể tránh khỏi, niềm tin này cũng được các nhà hoạch định chính sách của Hy Lạp và nhiều chuyên gia chia sẻ với phần còn lại của EU, những người có quan điểm rằng, sự trở lại ngắn ngủi của than sẽ chỉ là một bước lùi trong khi các nước hướng đến tăng cường năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Bà Elif Gunduzyeli - điều phối viên cao cấp về chính sách năng lượng tại Mạng lưới Hành động Khí hậu Châu Âu, một liên minh vận động môi trường có trụ sở tại Brussels, cho biết: "Cố gắng tìm sự an toàn trong mùa đông tới là điều có thể hiểu được. Nhưng nguồn vốn cần thiết để hiện đại hóa ngành công nghiệp than không hề dễ dàng bởi nó không còn thu hút các nhà đầu tư".
Sự hội nhập của Tây Âu sau chiến tranh chủ yếu nhờ vào than đá - Cộng đồng Than và Thép Châu Âu được thành lập vào năm 1951 là tiền thân của Liên minh Châu Âu- nhưng mức tiêu thụ của EU từ lâu đã bị các quốc gia khác làm lu mờ. Trung Quốc sử dụng nhiều than hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.
Tiêu thụ than của EU giảm mạnh hơn 60% trong 30 năm qua, mức giảm này tăng nhanh kể từ năm 2018. Các quy định ở châu Âu và cách họ đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế được các cường quốc công nghiệp khác theo dõi chặt chẽ, cùng với cách thức quản lý để giải cứu các nền kinh tế địa phương trong các cộng đồng khai thác than đang biến mất.
Trung tâm Lignite Tây Macedonia, một mỏ than tại Kozani hiện sử dụng 1.500 công nhân, con số này đã giảm rất sâu so với những năm 1990 (6.000 công nhân). Trong khi Công viên năng lượng mặt trời rộng 400 ha (1.000 mẫu Anh) gần đó chỉ thuê 20 người. Điều này khiến Liên minh công nhân điện lực của Hy Lạp thúc giục chính phủ cho than thời hạn sử dụng lâu hơn, thay vì sử dụng khí đốt nhập khẩu hiện đang đắt đỏ.
"Chúng tôi đã đưa ra quyết định loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng việc nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên từ Mỹ và các nơi khác cũng liên quan đến quá trình gây ô nhiễm nên nó không phục vụ các mục tiêu khí hậu của chúng tôi" - lãnh đạo Liên minh George Adamidis nói với AP trong một cuộc phỏng vấn.
Liên minh muốn kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than hiện đại thêm khoảng 5 năm, đến năm 2035 và thậm chí tăng tỷ lệ sản xuất điện từ dưới 15% hiện nay lên khoảng 25%.
Chính phủ Hy Lạp cho biết, tiền từ Quỹ Chuyển tiếp Công bằng của EU, được thành lập để giúp các cộng đồng đang tàn phá môi trường và những người khác bị tổn thương bởi quá trình chuyển đổi, sẽ được sử dụng để giúp các khu vực như Kozani khôi phục đất canh tác cùng nhiều kế hoạch khác.
Ông Pavlos Deligiannis, một công nhân mỏ đã nghỉ hưu, kêu gọi các nhà chức trách mở rộng quá trình chuyển đổi và giảm thuế cho các ngành thay thế cũng như các động lực tài chính khác để đầu tư vào khu vực và tạo việc làm.
Ông nói: "Tất cả chúng ta đều biết rằng than đá có hạn sử dụng, vì vậy, thế hệ con cháu của chúng tôi đang rời khỏi thành phố... Nếu muốn có một quá trình chuyển đổi suôn sẻ, hãy nghĩ tới sinh kế tiếp theo trước khi đóng cửa công việc hiện tại. Chúng tôi chưa được chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xanh".
Ông Nikou - Giám đốc mỏ than lớn nhất của Hy Lạp Kozani cho biết: "Sự kết thúc kỷ nguyên than ở Hy Lạp là điều không thể tránh khỏi". Niềm tin này cũng được các nhà hoạch định chính sách của Hy Lạp và nhiều chuyên gia chia sẻ với phần còn lại của EU.