Một cơ sở của tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1 tại Lubmin - Đức Ảnh: Reuters
Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) hôm 19-8 thông báo tua-bin duy nhất còn hoạt động tại trạm nén khí chính của Nord Stream 1, nối miền Tây Nga và Đức, sẽ ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ từ ngày 31-8 đến ngày 2-9. Theo tập đoàn này, đây là đợt bảo trì được thực hiện cùng với các chuyên gia của Công ty Năng lượng Siemens Energy (Đức).
Giá khí đốt đã leo thang khi Nga giảm hoặc cắt nguồn cung đến hàng chục quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và tăng nguy cơ châu Âu rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh như thế, theo hãng tin AP, chính phủ Đức quyết định tạm giảm thuế khí đốt nhằm giảm bớt áp lực cho khách hàng.
Theo đài Al Jazeera, thông báo mới của Gazprom cũng làm gia tăng nỗi lo Nga có thể cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt để có được đòn bẩy chính trị đối với châu Âu, nơi nhiều nước đang nỗ lực tăng dự trữ khí đốt cho mùa đông.
Đối mặt viễn cảnh này, EU đang tìm kiếm mọi nguồn cung khí đốt có thể, như ký biên bản ghi nhớ 3 bên với Israel và Ai Cập nhằm thúc đẩy nhập khẩu khí đốt từ khu vực phía Đông Địa Trung Hải trong thời gian tới.
Ngoài ra, động thái của châu Âu còn mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu châu Phi. Theo dự báo, châu Phi sẽ xuất khẩu 50% tổng sản lượng khí đốt sang châu Âu và châu Á từ nay đến năm 2025.
Phòng Năng lượng châu Phi (AEC) nhấn mạnh khách hàng châu Âu không chỉ xem khí đốt của châu lục này như một giải pháp tạm thời. Chẳng hạn như Ý hy vọng Algeria sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt sau năm 2022.
Nước này cũng đang thảo luận với Angola, Ai Cập và Cộng hòa Congo về các thỏa thuận lớn hơn. Trong khi đó, Đức đang tìm cách củng cố quan hệ với Senegal với hy vọng sẽ hưởng lợi một khi quốc gia châu Phi này dự kiến bắt đầu sản xuất khí đốt vào năm tới.