Sau Italy, đến lượt Chính phủ Tây Ban Nha thông báo gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. trong khi đó Chính phủ Pháp và Đức cũng đang cân nhắc khả năng này.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 thông báo, lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được gia hạn tới ngày 25/4 tới và không loại trừ khả năng tiếp tục gia hạn thêm nếu cần thiết nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi cấp, hay còn gọi là Covid-19.
Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, 2 tuần bổ sung này là thời gian mà hệ thống y tế Tây Ban Nha cần để phục hồi: “Theo lời khuyên từ các chuyên gia và các nhà khoa học, Chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu Quốc hội cho phép gia hạn lần thứ 2 lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày 12 đên hết ngày 25/4”.
Tây Ban Nha là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ 2 thế giới sau Italy, với 11.000 744 ca tử vong trên tổng số hơn 125.000 ca mắc. Tuy nhiên, đà lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 tại nước này từ giữa tuần qua đã có dấu hiệu giảm dần, trong khi ngày hôm qua cũng chứng kiến ngày giảm thứ 2 liên tiếp số ca tử vong.
Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ giữa tháng 3 đang mang lại kết quả khi cho phép kiềm chế sự lây lan của virus gây bệnh, giảm tải cho các bệnh viện, cũng như cho các nỗ lực cứu chữa người bệnh. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ sự nơi lỏng nào lúc này cũng có thể dẫn tới những hậu quả còn tồi tệ hơn.
Trước đó hồi đầu tuần, Chính phủ Italy cũng quyết định gia hạn thêm ít nhất 2 tuần lệnh phong tỏa toàn quốc đối với 60 triệu người dân nước này. Là quốc gia đầu tiên ở châu Âu choáng váng chứng kiến sự bùng nổ và lây lan dữ dội của SARS-CoV-2, song những số liệu gần đây đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch của Italy khi tỷ lệ lây nhiễm và số ca bệnh mới đều đang giảm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia y tế cộng đồng tại Italy vẫn rất thận trọng trước khi có thể vui mừng. Theo ông Lorenza Casani, Giám đốc một bệnh viện dành cho người cao tuổi ở tâm dịch Lombardy, miền Bắc Italy, quả thực là Italy đã “làm phẳng được đường cong” dịch bệnh, nhưng con đường này vẫn còn rất dài.
Còn tại Pháp, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết, về mặt lý thuyết, lệnh phong tỏa hiện nay sẽ phải kéo dài ít nhất là tới ngày 15/04 và có khả năng còn kéo dài hơn nữa. Theo ông, Pháp không phải là ngoại lệ. Các nước láng giềng châu Âu cũng đang triển khai biện pháp này nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Tương tự tại Anh, nguồn tin Chính phủ Anh cho biết, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nước này khó có thể nới lỏng phong tỏa tới ít nhất cuối tháng 5.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael nhấn mạnh: “Những con số về các ca mắc và tử vong do Covid-19 một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Phong tỏa có thể là thách thức, song nếu chúng ta nới lỏng việc tuân thủ các quy tắc, chúng ta sẽ gia tăng rủi ro cho những người khác”.
Trong khi giới khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian để bào chế vaccinevà phương pháp điều trị hiệu quả, thì “phong tỏa và giãn cách xã hội” vẫn là biện pháp đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia Luân Đôn, hàng chục nghìn người đã thoát chết ở 11 quốc gia nhờ các biện pháp như cách ly, đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người hay phong tỏa địa phương và quốc gia. Mặc dù không thể xác định được biện pháp nào thành công nhất nhưng có thể nhìn thấy những thay đổi trong xu hướng của các ca tử vong mới. Ước tính, Italy có thể cứu sống 38.000 người và 16.000 người ở Tây Ban Nha.
Tổ chức y tế thế giới mới đây cũng cảnh báo, dù các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các cá nhân, gia đình, các nền kinh tế và các quốc gia, song nếu các nước vội vã dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội, số trường hợp nhiễm mới có thể tăng trở lại và tác động kinh tế có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn./.