Châu Á có cơ hội mua tên lửa "nhỏ, có võ, giá mềm" trước cả QĐ Mỹ

Hải Vy |

Theo Defense News, nếu được chính phủ Mỹ cho phép xuất khẩu, một quốc gia nước ngoài có thể sẽ trở thành khách hàng chính thức đầu tiên của tên lửa MHTK, trước cả quân đội Mỹ.

Defense News ngày 17/6 đưa tin, Quân đội Mỹ đã trì hoãn kế hoạch phát triển năng lực đối phó với các mối đe dọa từ rocket - đạn pháo - đạn cối (gọi tắt là RAM) bằng tên lửa.

Vì thế, tập đoàn Lockheed Martin đang chuyển hướng sang thị trường quốc tế để chào bán mẫu tên lửa mini MHTK (Miniature Hit-to-Kill), được thiết kế để đối phó với nhiều mối đe dọa trên toàn thế giới.

Trao đổi với Defense News hôm thứ Năm tuần này, ông Bob Delgado - Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của Lockheed cho biết, tên lửa MHTK có thể chống lại các mối đe dọa RAM, cũng như từ một số hệ thống máy bay không người lái (UAS).

"Mối đe dọa từ RAM đã gia tăng nhanh chóng, đó là phương thức đe dọa có tính hiệu quả chi phí rất cao" - ông Delgado nói - "Rõ ràng là chi phí của đạn cối và đạn rocket rất thấp, bạn sẽ không muốn phải dùng tới những tên lửa cỡ lớn để đối phó chúng".

Lockheed phát triển tên lửa MHTK để đẩy lùi các mối đe dọa từ RAM (nguyên nhân lớn thứ 2 khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng tại Iraq), với chi phí chỉ bằng một phần chi phí của các tên lửa cỡ lớn.

Châu Á có cơ hội mua tên lửa nhỏ, có võ, giá mềm trước cả QĐ Mỹ - Ảnh 1.

MHTK rời bệ phóng

Quân đội Mỹ đang phát triển chương trình Khả năng chống hỏa lực kết hợp (IFPC) gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là giải quyết mối đe dọa từ UAS, sang giai đoạn thứ hai, quân đội Mỹ dự định tập trung đối phó các mối đe dọa từ RAM bằng tên lửa.

MHTK dài chưa đầy 1m, đường kính 50mm và nặng 2,3 kg, là tên lửa bán chủ động không có đầu đạn mà sử dụng động năng do va chạm trực tiếp để tiêu diệt mục tiêu.

Tuy nhiên, ông Delgado cho biết, vì một số lý do quân đội Mỹ đã tạm gác giai đoạn 2 chương trình IFPC một vài năm, mặc dù vẫn tiếp tục thử nghiệm thường xuyên hệ thống phóng đa nhiệm (MML) với nhiều loại tên lửa đánh chặn khác nhau.

Tên lửa MHTK đã 2 lần phóng thành công từ hệ thống phóng này.

Theo ông Delgado, tên lửa MHTK nhận được sự quan tâm từ nhiều nơi trên thế giới, từ Trung Đông cho tới châu Á.

Lockheed đang đề nghị chính phủ Mỹ cho phép cung cấp tên lửa MHTK cho các khách hàng quốc tế và hy vọng rằng trong 2 đến 3 năm tới, tập đoàn có thể xuất khẩu mẫu tên lửa mới.

Điều này mở ra khả năng một quốc gia nước ngoài có thể trở thành khách hàng chính thức đầu tiên của MHTK, trước cả quân đội Mỹ.

Hiện tập đoàn Lockheed đang chuẩn bị cho 2 cuộc thử nghiệm lớn của MHTK vào tháng 7 và tháng 11 năm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại