Không ai "giết" ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ

Kim Thiền |

Chẳng riêng gì HLV Joachim Loew và rất nhiều người yêu mến đội tuyển Đức, lẫn những cổ động viên trung lập cho rằng đêm qua Die Mannschaft đã quá đen đủi. Thật vậy?

1. Bàn thua đầu tiên đến ở phút bù giờ của hiệp đấu thứ nhất thực sự là một đòn mạnh giáng vào tham vọng của thầy trò HLV Joachim Loew, khi có vẻ họ có một hiệp đấu hay hơn, và bị trọng tài ép trắng trợn.

Graham Poll, Rio Ferdinand, Thierry Henry và Michael Ballack có điểm gì chung? Họ đều khẳng định rằng quả phạt đền mà đội Pháp được hưởng, đến từ pha để bóng chạm tay của Schweinsteiger là hoàn toàn chính xác, khi đầu thủ này giơ tay cao trong pha tranh chấp với Evra.

Bóng chạm tay thì đã rõ, và rõ ràng cú giơ tay của đội trưởng tuyển Đức là không cần thiết, khi anh là người nhảy sau, và chính Evra mới là người sợ va chạm. Nhưng tại sao lại phải giơ tay?

Không ai giết ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ - Ảnh 1.

Chỉ có sự sợ hãi mới có thể biện minh được cho pha để bóng chạm tay này của Schweinsteiger.

Hãy nhìn lại quả phạt đền đầu tiên của tuyển Đức tại Euro 2016. Boateng cũng có một pha chơi tay "ngớ ngẩn" như thế, ở thời điểm quyết định của trận đấu, "biếu" cho người Italia bàn thắng từ chấm phạt đền, và suýt chút nữa là chiếc vé vào bán kết.

Sự "ngớ ngẩn" đến từ 2 cầu thủ dạn dày kinh nghiệm, vào những thời khắc cần sự tỉnh táo nhất. Người Đức không còn như xưa. Họ sợ hãi mỗi khi phải đặt mình vào tình huống tranh chấp bổng, điều cực kỳ ít xảy ra trước đây. Tinh thần thép của người Đức đâu rồi?

2. Đức giữ bóng đến 67,8% trong trận đấu đêm qua với người Pháp. Điều này chẳng có gì xa lạ. Đức đã làm điều đấy với tất cả các đội mà họ gặp ở VCK Euro lần này. Họ thực hiện đến 565 đường chuyền thành công (trên tổng số 640 đường chuyền), so với 222 (283) của người Pháp, nhiều gấp 2,5 lần.

Những đường chuyền thành công của họ phủ kín mặt sân, trừ vòng cấm địa của đội chủ nhà, và càng gần với khung thành của người Pháp, số lượng đường chuyền không thành công lại càng dầy lên.

Không ai giết ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ - Ảnh 2.

Sơ đồ chuyền bóng của đội tuyển Đức.

Ai cũng biết, "trạm trung chuyển bóng" lớn nhất của Đức là Toni Kroos. Tiền vệ này đêm qua đã chuyền thành công 85 đường. Tuy nhiên 9/10 đường chuyền hỏng còn lại, là những pha bóng phát động tấn công đích thực, chuyền lên và hướng thẳng vào vòng cấm địa đối phương.

Người Pháp đã phong tỏa rất tốt "chìa khóa" Kroos. Tốt đến nỗi 50% số đường chuyền của cầu thủ Real Madrid này là chuyền về, số còn lại là ra hai biên, cực kỳ hiếm hoi mới có đường chuyền phát động tấn công đúng nghĩa.

Không ai giết ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ - Ảnh 3.

Sơ đồ chuyền bóng của Toni Kroos.

Trong thống kê theo tiêu chí chuyền bóng giữa cầu thủ này với cầu thủ khác, top 20 là của người Đức hoàn toàn. Đứng đầu là Howede chuyền cho Kroos (22 lần), Ozil cho Kroos (19) và Schweinsteiger, cũng cho Kroos (16). Người Đức dồn bóng cho Kroos.

Đáng tiếc, tiền vệ này chỉ chuyền lại cho Schweinsteiger 14 lần, cho Ozil và Howede 11 lần. Nói cách khác, đa phần Kroos chỉ đập nhả lại các đường chuyền của đồng đội cho mình, chứ không tìm được đường chuyền tiếp, hoặc bị cắt bóng.

3. Sau trận hòa 0-0 với người Đức ở vòng bảng, HLV đội tuyển Ba Lan đã nói thẳng: "Người Đức cầm bóng nhiều hơn, là vì chúng tôi muốn họ làm thế. Và chúng tôi mới là người kiểm soát trận đấu". Chẳng có gì mới cả. Phản công luôn tạo nên cơ hội ăn bàn dễ hơn tấn công.

Thực tế đã chứng minh, ở trận đấu ấy, Ba Lan mới là đội có nhiều cơ hội thực sự hơn. Hôm qua, người Pháp đã chơi đúng như thế. Họ có ít nhất 3 cơ hội phản công đẹp mắt có thể ghi bàn, và chỉ cần một trong số đó thành công, thì người Đức đã chẳng còn kêu vào đâu được nữa.

Không ai giết ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ - Ảnh 4.

Joachim Loew đang lạc lối khi bắt Đức phải chơi thứ bóng đá đẹp của ông?

Người Đức hướng đến bóng đá đẹp. Joachim Loew nghĩ đội hình của mình mạnh đến mức có thể dồn đủ áp lực lên đối phương, để rồi kết liễu họ, nhưng khi hàng công Đức với Thomas Muller đá cao nhất không thể có được một pha kết thúc nên hồn, thì cái đẹp trở nên mong manh và vụn vỡ.

Giữ và chuyền bóng nhiều, nhưng không thể khiến thủ thành đội bạn phải vất vả ra tay, để rồi phải nhận những đường phản công sắc bén, hàng thủ Đức phải chịu áp lực lớn, nhất là khi thiếu vắng Matts Hummel, người chơi ăn ý với Boateng hơn Mustafi nhiều.

Cái đẹp đã giết chết sự chắn chắn, lì lợm. Áp lực từ chính lối chơi của mình đã khiến các cầu thủ Đức run rẩy trước những pha bóng đối phương treo vào vòng cấm.

Không ai giết ĐT Đức cả, ngoại trừ chính họ - Ảnh 5.

Đức đâu có bị Pháp đánh bại, họ chỉ tự "bắn vào chân mình"?

Điều đó lý giải cho cánh tay "ngu ngốc" của cầu thủ dạn dày kinh nghiệm nhất, cũng như pha hậu vệ để đối phương "tung tăng" qua mặt ở sát biên trái, thoải mái lật bóng vào nguy hiểm, dẫn đến tình huống người Pháp ấn định tỷ số trận đấu.

Người Đức đâu có thua bởi Pháp là đội chủ nhà, hay đối phương chơi quá xuất thần. Họ thua bởi rơi vào chính cái bẫy của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại