Đó là một trong hàng loạt phát ngôn gây shock của cựu Thị trưởng London Boris Johnson, hay còn được gọi là "BoJo", người đang được các nhà cái "đặt cửa" cho vị trí Thủ tướng kế nhiệm David Cameron.
"Donald Trump của Anh"
Gần 4 năm trước, Boris Johnson, lúc đó vẫn còn là Thị trưởng London, đã xuất hiện trên chương trình David Letterman. "Tôi nghĩ mình có thể làm Tổng thống Mỹ", Boris Johnson nói, "Anh biết đấy, nói đúng ra là thế".
Tuy nhiên, BoJo lại không có cơ hội để biến lời nói thành hiện thực. Sinh ra tại New York nhưng ông đã quyết định hủy bỏ quốc tịch Mỹ hồi năm ngoái sau khi gặp rắc rối với thuế vụ.
Không làm được Tổng thống Mỹ nhưng giờ cơ hội trở thành Thủ tướng Anh lại đến với BoJo, người được cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg gọi là "Donald Trump của Anh".
Hình ảnh Boris Johnson và Donald Trump "thân mật" được vẽ trên một bức tường tại Anh.
Cách gọi ấy cũng không sai nếu nhìn lại những phát ngôn của Boris Johnson. Có những lần "vạ miệng" khiến ông điêu đứng.
Năm 2008, ông phải ra mặt xin lỗi sau khi dùng cụm từ "piccaninnies" (một lối nói châm biếm thể hiện sự phân biệt chủng tộc) trong bài báo của mình, để ám chỉ người da màu.
Là người có đời sống tình dục gây nhiều tranh cãi, BoJo đã bị báo chí nhiều lần chất vấn về các bê bối tình ái. Khi được hỏi đã từng ngủ với bao nhiêu phụ nữ, ông trả lời "ít hơn 1.000".
Về vấn đề di cư lên thành thị, ông cho rằng: "Người ta tìm kiếm cơ hội ở thành thị bởi tại các quán bar, có nhiều loại gái hơn, nhiều lựa chọn cho việc sinh đẻ hơn. Nhưng trên hết, những người tài năng tới thành phố là để nổi danh. Họ không tài nào nổi tiếng được ở cái đất quê mùa".
Khi được hỏi về thuốc phiện, Boris trả lời: "Có lần tôi được cho cocaine rồi đấy, nhưng đúng lúc định hít thì tôi lại hắt xì, thành ra không vào mũi được tí nào".
Trò chơi hai mặt?
Giống như Donald Trump, cựu Thị trưởng London cũng tỏ ra là một người nhiệt huyết. Trong sự kiện thông đường dành cho người đi xe đạp, BoJo đã hào hứng đạp xe và vẫy tay chào những người chung đường dù nhận được những phản ứng không mấy tích cực, thậm chí có người còn giơ "ngón tay thối".
Ông cũng thể hiện mình là người yêu thể thao, nhiệt tình tham gia rất nhiều trận đấu giao hữu. BoJo nhiệt tình đến nỗi ông thực hiện nhiều pha cản phá khiến ai nấy đều phải sững sờ, thậm chí không ngại ngần huých vai đẩy ngã một cậu bé 9 tuổi trong trận bóng bầu dục trên đất Nhật.
Theo học tại Eton, một trong những ngôi trường danh giá nhất đất nước, nói một thứ giọng Anh đầy nội lực, Boris Johnson tuyên bố, đó là tiếng nói của người bình dân.
Nhưng sự khôn khéo ấy khiến nhiều người Anh phải băn khoăn, đâu mới là con người thật của Boris? Sự băn khoăn này đã được thể hiện qua kết quả khảo sát. 41% người được hỏi cho rằng Boris cố gắng vận động cho Brexit là vì đất nước, còn 39% nghĩ rằng đó chỉ là nỗ lực nhằm phục vụ cho sự nghiệp chính trị của ông ta.
Vậy, BoJo đang sử dụng nghệ thuật ngoại giao, hay đang "chơi trò hai mặt"?
Martin Fletcher đã nhắc lại cho độc giả New York Times chuyện xảy ra năm 1988. Năm ấy, Boris bị đuổi khỏi tờ Times of London vì bịa một câu trích dẫn - hay như ta vẫn nói là "đặt lời vào miệng người khác".
Chuyện tương tự cũng xảy ra khi ông ta làm phóng viên cho Daily Telegraph ở Brussels. Sonia Purnell, trợ lí của ông ta hồi đó cho rằng Johnson chỉ cố làm mình nổi bật trước đám đông khi đối đầu với Thủ tướng Cameron.
"Ông ấy viết một bài chỉ trích gay gắt về EU, khác hẳn so với thực tế, nhưng lại kín đáo đồng tình với các dự án của châu Âu, cũng như mục đích của họ. Theo bản năng thì ông ta chưa bao giờ muốn Anh rời khỏi cộng đồng".
Thực ra, mái tóc vàng hoe buồn cười không phải là điểm chung duy nhất giữa 2 ứng viên "sáng giá" cho vị trí đứng đầu 2 cường quốc Anh Mỹ.
Sự nổi lên của Boris Johnson, người đã khéo léo đánh vào nỗi sợ hãi của đám đông dân chúng về một viễn cảnh kinh tế chậm phát triển và tình trạng nhập cư gợi liên tưởng đến ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa.
Những luận điểm Donald Trump đang sử dụng để công kích Chính phủ Mỹ cho thấy một sự tương đồng đáng ngạc nhiên.
Người ta không thể không so sánh.