Brexit không đồng nghĩa với thắng lợi cho Trump, vì 4 lý do

Nguyễn Thu Ngọc |

Theo phân tích của CNN, sự khác biệt giữa trưng cầu dân ý tại Anh và bầu cử Tổng thống Mỹ là một lý do khiến Brexit không đồng nghĩa với thắng lợi dành cho Donald Trump tại Mỹ.

Vận dụng cùng chiến lược tranh cử nhấn mạnh vào các vấn đề dân sinh như cải thiện kinh tế và vấn đề nhập cư, chiến dịch tranh cử của phe ủng hộ nước Anh rời khỏi EU (Brexit) đã giành chiến thắng trước phe ở lại. 

Liệu điều này có xảy ra đối với chiến dịch tranh cử tổng thống của tỉ phú bất động sản Trump vào tháng 11 tới đây? Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân khiến cho kịch bản này khó xảy ra.

1. Sự khác biệt giữa chính quyền Washington và Brussels

Chiến thắng của ông Trump tính đến hiện tại đa phần bắt nguồn từ việc khéo léo lợi dụng thái độ bất mãn của người dân Mỹ đối với chính quyền hiện tại để lôi kéo cử tri về phía mình.

Nổi tiếng với các tuyên bố mạnh miệng như mong muốn đưa nước Mỹ thoát khỏi sự ảnh hưởng của các đồng minh nước ngoài nhưng ông Trump hiện vẫn chưa đưa ra giải pháp rõ ràng và cụ thể như phe ủng hộ Brexit. 

Trong khi lãnh đạo phe ủng hộ rời EU có thể hướng sự giận dữ của cử tri Anh vào Brussels, thủ đô của EU, để nói với họ rằng chính sách của nước nhà đang bị chi phối từ một thế lực bên ngoài, thì Trump lại không có một phương án tấn công đủ tầm ảnh hưởng tương tự ở Mỹ để đánh vào tâm lý dân tộc chủ nghĩa của bộ phận cử tri ủng hộ.

2. Các yếu tố chi phối cử tri

Trong cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, cử tri chỉ cần trả lời đúng 1 câu hỏi duy nhất đi hay ở lại liên minh châu Âu mà không cần quan tâm tới quan điểm và triển vọng trúng cử của các ứng viên. Nhưng cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ phức tạp hơn rất nhiều. 

Bên cạnh các vấn đề chính như an ninh quốc gia, việc làm, y tế và kinh tế, thì mức độ quan tâm của cử tri Mỹ đối với các vấn đề còn lại rất khác nhau. 

Họ sẽ đặt lên bàn cân đong đếm 2 ứng viên bà Clinton và ông Trump trên tất cả phương diện như cương lĩnh tranh cử, tính cách, khả năng lãnh đạo, bề dày kinh nghiệm và quan điểm chính trị. Quá nhiều biến số mà ông Trump sẽ không thể dễ dàng kiểm soát và áp đảo đối thủ được.

3. Trưng cầu dân ý và bầu cử gián tiếp

Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 cuộc bầu cử tại Anh và Mỹ chính là cơ chế thực thi dân chủ thông qua quyền bầu cử.

Trong khi quyết định của nước Anh dựa trên việc trưng cầu dân ý phổ thông, hay còn gọi cơ chế dân chủ trực tiếp. Điều này có nghĩa là quốc hội và thủ tướng đều có quyền bầu cử như nhau.

Còn tại Mỹ, cơ chế bầu cử lại rất khác vì kết quả cuối cùng phụ thuộc sự tín nhiệm của cử tri đoàn tại 50 bang và Washington D.C. Do vậy, một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông mà chỉ cần đa số phiếu của cử tri đoàn là được.

4. Những đặc điểm về dân số

Mặc dù đều nhận được đồng thuận rất lớn từ nhóm cử tri da trắng (không tính người gốc Mỹ Latin), xuất phát từ thái độ bức xúc với chính sách nhập cư của chính phủ cầm quyền, nhưng cuộc bầu cử Brexit và cuộc vận động tranh cử của ông Trump vẫn có những điểm khác biệt.

Nếu như dân số Anh có tới hơn 87% là người da trắng (trích CIA World Factbook 2011) thì với hơn 30% cử tri đến từ các nhóm dân tộc thiểu số, cư tri đoàn tại Mỹ năm nay chứng kiến sự phân chia về chủng tộc và sắc tộc lớn nhất trong lịch sử.

Với việc làm phật lòng cử tri thuộc các nhóm thiểu số với những phát ngôn theo kiểu trục xuất hết 11 triệu người nhập cư cách đây không lâu, con đường đến với chiến thắng của Trump sẽ phụ thuộc vào việc liệu ông có thu hút được một lượng cử tri đủ lớn thuộc nhóm đa số (người da trắng, chiếm 69% tổng số cử tri hợp lệ - thấp nhất từ trước đến nay tại Mỹ) hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại