Theo tư lệnh Lực lượng không quân Hoàng gia Australia (RAAF), Thiếu tướng không quân Darren Goldie, các phi công của lực lượng này đang nhận hỗ trợ tâm lý sau các cuộc chạm trán trên không với máy bay chiến đấu Trung Quốc ở Biển Đông.
Máy bay F/A-18F của Australia. (Ảnh: Airforce)
“Sức khỏe tinh thần của phi công và những người khác… những người đã trải qua những thứ như các cuộc đánh chặn hoặc thách thức trên radio… chúng tôi coi trọng việc nói chuyện với họ về những trải nghiệm đó khi họ trở lại”, Goldie nói với ABC.
RAAF liên tục thông báo cho các phi công về “những dịch vụ (tư vấn) có sẵn, nếu họ cảm thấy khó khăn sau những trải nghiệm”, ông nói thêm.
Theo Goldie, các phi công không ngồi trực tiếp ở ghế lái được chú ý đặc biệt, vì họ có ít quyền kiểm soát hơn trong các cuộc chạm trán căng thẳng.
Việc chuẩn bị cho các phi công trước khi thực hiện nhiệm vụ của lực lượng không quân Australia cũng đã được tăng cường, sau khi nước này "nhận thấy môi trường hoạt động thay đổi” trên Biển Đông.
Mỹ và các đồng minh, bao gồm Australia, thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ hải quân và không quân ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Quan chức RAAF Rob Chipman cho biết: “Gần đây có một xu hướng chúng tôi thấy là những chủ trương hung hăng hơn. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi nêu ra những vấn đề và lo ngại đó, thông qua các kênh ngoại giao" . ông nói thêm.
Tháng 6/2022, Canberra cáo buộc Bắc Kinh thực hiện một vụ đánh chặn nguy hiểm, khi một máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc thả một túi hạt lạ vào đường bay của máy bay giám sát hàng hải P-8 của Australia. Theo quân đội Australia, hành động của phi công Trung Quốc khiến các mảnh nhôm bị hút vào động cơ của máy bay RAAF.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đó khẳng định hành động của máy bay nước này là hợp lý và hợp pháp vì máy bay Australia đe dọa đến an ninh. Bắc Kinh “kiên quyết” phản đối các hành động quân sự của Canberra trong khu vực.