Colombia có kế hoạch đưa hàng chục con "hà mã ma túy" - hậu duệ của bầy thú cưng của trùm buôn ma túy Pablo Escobar - đến những ngôi nhà mới ở Ấn Độ và Mexico nhằm kiểm soát số lượng phát triển không kiểm soát của chúng.
Theo chính phủ Colombia, hiện có khoảng 130 đến 160 con hà mã, và chúng đã phát triển mạnh bên ngoài phạm vi trang trại Hacienda Napoles trước đây của ông trùm Escobar, nơi đàn hà mã chỉ bắt đầu với một con đực và ba con cái.
Những con hà mã này ban đầu là một phần của bộ sưu tập động vật kỳ lạ mà Escobar nuôi vào những năm 1980 tại trang trại của mình, cách thành phố Medellín khoảng 250 km. Sau khi trùm ma túy mất vào năm 1993, các nhà chức trách đã đưa hầu hết các loài động vật khác đi nơi khác, ngoại trừ hà mã – vì chúng quá khó vận chuyển.
Tuy nhiên, kể từ đó, chúng bắt đầu sinh sản nhanh chóng, mở rộng phạm vi hoạt động dọc theo lưu vực sông Magdalena, và hiện chúng đang đặt ra một thách thức về môi trường và gây lo ngại cho cư dân gần đó.
Một nghiên cứu trên tạp chí Nature đã cảnh báo số lượng của chúng có thể tăng lên 1.500 trong vòng hai thập kỷ.
Trước đây, các nhà chức trách đã cố gắng kiểm soát số lượng hà mã bằng cách thiến và "chích" phi tiêu tránh thai. Nhưng các biện pháp tránh thai vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, thống đốc tỉnh Antioquia cho biết họ đang có kế hoạch chuyển 70 con hà mã đến các khu bảo tồn tự nhiên ở Ấn Độ và Mexico.
Nhưng tại sao lại là Ấn Độ và Mexico?
Tổng cộng 70 con hà mã, bao gồm cả đực và cái, dự kiến sẽ được chuyển đi - trong đó 60 con sẽ đến Ấn Độ và 10 con đến Mexico.
Thống đốc Aníbal Gaviria giải thích trong một cuộc phỏng vấn với đài Blu Radio của Colombia rằng thuật ngữ kỹ thuật cho hoạt động này là "translocating", có nghĩa là di chuyển hà mã từ một quốc gia không phải là môi trường sống bản địa của chúng sang một quốc gia khác cũng không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng.
Mục tiêu là "đưa hà mã đến những quốc gia có khả năng tiếp nhận, nuôi dưỡng chúng đúng cách và kiểm soát việc sinh sản của chúng", ông Gaviria nói.
Gaviria cho biết việc gửi những con hà mã trở về quê hương châu Phi của chúng là "không được phép".
María Ángela Echeverry, giáo sư Sinh học tại Đại học Javeriana, trước đó đã từng giải thích với CNN rằng việc gửi hà mã trở lại châu Phi có nguy cơ gây hại nhiều hơn lợi cho cả bản thân hà mã và hệ sinh thái địa phương.
"Mỗi khi chúng ta di chuyển động vật hoặc thực vật từ nơi này sang nơi khác, chúng ta cũng mang theo mầm bệnh, vi khuẩn và vi rút của chúng. Những căn bệnh mới có thể được đưa đến châu Phi, không chỉ cho hà mã ngoài tự nhiên, mà là bệnh mới đối với toàn bộ hệ sinh thái châu Phi vốn chưa có loại bệnh đó," Echeverry nói.
Bên cạnh việc giảm số lượng hà mã ở Colombia, các nhà chức trách đang hy vọng tìm hiểu cách quản lý số lượng còn lại, vốn được công nhận là một cách thu hút khách du lịch tiềm năng.
Gaviria cho biết trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, những con hà mã sẽ được bay trong những chiếc hộp được thiết kế riêng, và sẽ không được dùng thuốc an thần.
Tuy nhiên, "thuốc an thần khẩn cấp" có thể được tiêm nếu một trong những con vật bị căng thẳng thần kinh trong chuyến bay, ông nói thêm.
Ông Gaviria cho biết việc di chuyển có thể hoàn thành vào nửa đầu năm nay nếu các giấy phép cần thiết được xúc tiến nhanh, đặc biệt là từ Viện Nông nghiệp Colombia.
Loài vật xâm lấn
Hà mã được một số người coi là loài xâm lấn có thể gây nguy hiểm cho hệ sinh thái địa phương và đôi khi là cả con người.
Nghiên cứu đã nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà chất thải của hà mã có thể gây ra đối với nồng độ oxy trong các vùng nước, có thể ảnh hưởng đến cá và cuối cùng là con người.
Tạp chí Nature đã trích dẫn một bài báo năm 2019 cho thấy các hồ nơi hà mã hiện diện có nhiều vi khuẩn lam hơn - loài vi khuẩn liên quan đến tảo độc. Những chùm tảo độc này có thể làm giảm chất lượng nước và gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến cộng đồng ngư dân địa phương.
Theo một nghiên cứu về Bảo tồn Sinh học được công bố vào năm 2021, hà mã cũng có thể gây ra mối đe dọa đối với nông nghiệp và sự an toàn của con người. Hà mã có thể ăn hoặc phá hoại mùa màng và có hành vi nguy hiểm với con người.
Giáo sư Echeverry cho biết: "Hà mã sống theo bầy đàn, chúng khá hung dữ. Chúng có tính lãnh thổ rất cao và là loài ăn thực vật nói chung".
Mặc dù "hà mã ma túy" không có nguồn gốc từ Colombia, nhưng khu vực địa phương được cho là thuận lợi cho việc sinh sản của chúng, vì có nguồn nước nông và tập trung nhiều thức ăn.