Dự án cầu Thanh Nam hiện đã thi công xong phần cầu nhưng chưa thể lưu thông.
Cầu xong, đường chưa có
Dự án xây dựng cầu Thanh Nam nối đôi bờ sông Lam, đoạn qua huyện Con Cuông kết nối thị trấn với vùng tả ngạn con sông này có tổng mức đầu tư lên đến gần 166 tỷ đồng (trong đó 126 tỷ đồng là phần xây lắp, riêng phần cầu hơn 90 tỷ đồng). Công trình được thiết kế, cầu vĩnh cửu bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 412m, đường 2 đầu cầu có tổng chiều dài 1,78km. Trong đó, đường đầu cầu phía bờ thị trấn (giao với QL7A) dài khoảng 180m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m, gia cố lề mỗi bên 1,5m bằng kết cấu như kết cấu mặt đường. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước dọc hai bên đường.
Đường đầu cầu phía bờ Thanh Nam (bên hữu, giao với ĐT.541) có chiều dài khoảng 1,6km, là đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m, gia cố lề mỗi bên 0,5m bằng kết cấu như kết cấu mặt đường. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông làm đại diện chủ đầu tư. Thời gian thi công từ tháng 9/2021, sau đó được gia hạn đến 30/4/2024 sẽ hoàn thành.
Hiện nhà thầu thi công xong phần cầu, còn phần đường vẫn vướng mắc. Cụ thể, đường đầu cầu (bên hữu) phía thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê, nhà thầu đã thi công đến cấp phối đá dăm loại 1 (base A), chuẩn bị thảm bê tông nhựa. Riêng đường đầu cầu phía thị trấn Con Cuông (bên tả, giao với QL7A) dài gần 200m, vẫn chưa có mặt bằng. Do 2 đầu cầu chưa có, nên sau khi cầu hoàn thành, mặc dù có thể lưu thông nhưng để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công rào lại.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cho biết: Hiện khối lượng thi công Dự án xây dựng cầu Thanh Nam đạt khoảng 75%. Trong đó, đường đầu cầu phía thôn Thanh Nam trước đây mặt bằng xôi đỗ, sau này mới giải phóng hết. Hiện nhà thầu đang huy động tổng lực để thi công. Còn đường đầu cầu phía chợ Con Cuông (thuộc địa bàn thị trấn) vẫn chưa có mặt bằng nên chưa thể tổ chức thi công. Cũng theo ông Thịnh, phần cầu đã thi công xong, các hệ thống lan can, đường điện đã xong. “Về cơ bản, các phương tiện có thể qua lại trên cầu, tuy nhiên đường đầu cầu phía thị trấn Con Cuông chưa thi công nên chúng tôi phải rào lại để đảm bảo an toàn” - ông Thịnh cho biết thêm.
Đi tìm nguyên nhân
Theo dự kiến, dự án cầu Thanh Nam sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nên dự án được cho phép gia hạn. Theo tìm hiểu, đường đầu cầu phía thị trấn Con Cuông (bên tả) có 42 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có 4 hộ dân là đất ở thì có đến 3 hộ buộc phải di dời; còn lại 38 ki ốt kinh doanh.
Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Đến nay, các hộ dân cơ bản đồng tình ủng hộ. Riêng 38 ki ốt kinh doanh, về chủ trương, các hộ dân đều đồng thuận cao. Song, người dân chỉ kiến nghị, chợ là nơi mưu sinh, nuôi sống cả gia đình hàng chục năm nay. Nếu thu hồi thì địa phương cần bố trí nơi mới thuận lợi cho việc kinh doanh để bà con ổn định cuộc sống lâu dài.
Vậy nhưng qua thẩm định, khu vực chợ Con Cuông cũ diện tích chỉ có 6.000m2, không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nên không thể bố trí tại chỗ. Trong khi đó, chợ mới chưa có nhà đầu tư, nên rất khó cho huyện trong việc bố trí địa điểm kinh doanh mới cho 38 hộ kinh doanh này. Huyện ghi nhận, tiếp thu ý kiến, khi có nhà đầu tư thì sẽ ưu tiên những hộ bị ảnh hưởng được chọn vị trí phù hợp.
Cũng theo ông Việt, về việc hỗ trợ cho các hộ dân kinh doanh tại chợ, huyện đã trình xin ý kiến của tỉnh, bồi thường 100% giá trị tài sản và hỗ trợ khác với mức hỗ trợ bằng 50% một năm thu nhập sau thuế (theo mức thu nhập bình quân/năm của 3 năm liền kề trước đó), tỉnh quyết định chỉ cho hỗ trợ ở mức 50 của 50%.
Ngoài ra, liên quan đến văn bản thuế, tính thu nhập 3 năm liền kề sau thuế rất khó và phức tạp. Bởi, trên thực tế, các hộ kinh doanh ở chợ chỉ nộp thuế theo doanh thu thực tế hoặc giao khoán… Hiện, huyện đang giao phòng Tài chính và thuế rà soát các quy định của pháp luật để tìm cách tháo gỡ.