Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Công phu, nghiêm túc, chất lượng

Tiến Thành |

Ngày mai (10-11), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Quá trình xây dựng dự án Luật đã được Bộ Tư pháp, thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm các nội dung sửa đổi phù hợp với quy định pháp luật và tính khả thi trong thực hiện.

Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Công phu, nghiêm túc, chất lượng - Ảnh 1.

Xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Hà Nội.

Kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ

Luật Thủ đô hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không phù hợp với thực tiễn và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển của Hà Nội theo các nghị quyết Trung ương, Bộ Chính trị, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trung ương chuẩn bị nghiên cứu và đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và các địa phương liên quan tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, rà soát, lập đề nghị và soạn thảo dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của dự thảo Luật được Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, ý kiến thảo luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến kết luận của của lãnh đạo Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thời gian qua, sau khi xây dựng dự thảo Luật, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp của nguyên lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân Thủ đô đối với toàn bộ dự thảo Luật. Từ đó, Tổ công tác xây dựng Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quý báu, có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; giúp thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định đặc thù, vượt trội, hiệu lực, hiệu quả, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Qua quá trình xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, dự thảo Luật là kết quả của quá trình phối hợp trong một khoảng thời gian dài nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện giữa thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan.

Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, trong quá trình dự thảo Luật được Quốc hội xem xét, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc giải trình, thuyết minh về dự án Luật; bám sát các cơ quan thuộc Quốc hội, bộ, ngành trung ương để báo cáo giải trình, làm rõ về dự án Luật.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra sơ bộ và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 (tháng 9-2023). Sau đó, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra, qua đó thống nhất dự án Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Công phu, nghiêm túc, chất lượng - Ảnh 3.

Phiên họp toàn thể Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hồ sơ dự án Luật chất lượng, đầy đủ, chi tiết

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương và 32 điều so với Luật Thủ đô hiện hành), đã thể hiện đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật.

Trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù; nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã bổ sung một số chính sách mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng. Ngoài các tài liệu theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành. Các nội dung nêu trên trong hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét dự thảo Luật tại phiên họp thứ 26 (tháng 9-2023).

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là quan điểm Luật Thủ đô cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, phạm vi của Luật Thủ đô mới phải toàn diện, bao quát trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô trong một số lĩnh vực như trước đây mà còn quy định về tổ chức chính quyền địa phương và việc phân quyền cho chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô cũng như việc liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Với phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật Thủ đô mới sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước.

Xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Công phu, nghiêm túc, chất lượng - Ảnh 4.

Thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Luật.

Phân cấp, phân quyền là "hồn cốt" của dự thảo Luật

Về nội dung dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các quy định về phân cấp, phân quyền là "hồn cốt" và cơ bản nhất trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

"Nếu chúng ta thực hiện tốt phân cấp, phân quyền cho Thủ đô song song với bảo đảm kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm sẽ có tác dụng lâu dài. Nếu làm tốt được nội dung này trong Luật Thủ đô thì sẽ nhân rộng mô hình phân cấp, phân quyền đến các địa phương khác và cả nước

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Trong các quy định về phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong việc quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy. Đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở để thành phố có thể chủ động hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được giao trong dự thảo Luật.

Trong đó, dự thảo Luật quy định phân quyền cho HĐND thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù; thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao HĐND thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm; cho phép UBND, Chủ tịch UBND thành phố phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hoặc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập…

Quy định về thẩm quyền Thường trực HĐND thành phố cũng là một trong những nội dung phân cấp, ủy quyền nổi bật của dự thảo Luật. Theo đó, bổ sung thẩm quyền cho Thường trực HĐND thành phố Hà Nội trong việc quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C trong thời gian HĐND thành phố không họp nhưng cần quy định cụ thể cơ chế chịu trách nhiệm của Thường trực HĐND.

Đồng thời, giao Thường trực HĐND thành phố quyết định việc sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, các địa phương tại các nước khác trong các trường hợp cần thiết, cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của thành phố Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục.

Tương tự như chính sách đặc thù đang áp dụng đối với thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sau khi trình Quốc hội, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại tổ vào chiều 10-11, thảo luận tại hội trường vào sáng 27-11. Dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến qua hai kỳ họp, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại