"Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa như người làm xiếc dạo"

Đình Thức |

"Tôi nghe quảng cáo cầu Rồng phun lửa nên cứ nghĩ rằng sẽ rất hoành tráng nhưng đến khi tận mắt chứng kiến thì cảm thấy thất vọng vì diễn ra quá nhanh và quá đơn điệu".

"Chỉ vậy thôi à?"

Cầu Rồng nối hai bờ sông Hàn (TP Đà Nẵng) được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013. Cầu được thiết kế và xây dựng với hình dáng con Rồng vươn ra biển lớn tạo nên dấu ấn riêng cho TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, cây cầu này còn có khả năng phun lửa, phun nước nên từ khi khánh thành đã thu hút sự chú ý của người dân Đà Nẵng nói riêng và khách thập phương nói chung. Đây là địa điểm mà hầu hết du khách khi đến Đà Nẵng đều muốn 1 lần được chứng kiến. Tuy nhiên, việc tổ chức phun lửa, phun nước chỉ diễn ra vào 2 buổi tối thứ 7 và chủ nhật.

"Tôi nghe quảng cáo cầu Rồng phun lửa vào cuối tuần nên cứ nghĩ rằng sẽ rất hoành tráng nhưng đến khi tận mắt chứng kiến thì cảm thấy thất vọng vì diễn ra quá nhanh và quá đơn điệu", anh Lê Văn Huân (du khách đến từ TP.HCM) nhận định.

Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa như người làm xiếc dạo - Ảnh 1.

Cầu Rồng Đà Nẵng về đêm

Theo anh Huân, "màn trình diễn" phun lửa ở cầu Rồng Đà Nẵng chỉ như những người làm xiếc dạo ngậm dầu rồi phun ra lửa có rất nhiều trên các đường phố TP.HCM.

Anh Nguyễn Tri, một du khách đến từ Hà Nội, cũng tỏ ra thất vọng khi theo dõi cầu Rồng phun lửa. Anh Tri cho hay, gia đình anh đến Đà Nẵng du lịch từ đầu tuần. Hai con trai anh được nghe quảng cáo về cầu Rồng nên nhất định đòi ở lại đến cuối tuần để tận mắt chứng kiến.

"Tụi nhỏ rất háo hức vì ban ngày đi qua thấy cầu Rồng rất đẹp, uy nghi và khác lạ.

Nhưng khi xem cầu Rồng phun lửa diễn ra trong khoảng 3 phút, tụi nó đều rất thất vọng. Con trai út của tôi hỏi: "Chỉ vậy thôi à bố?" khiến tôi không thể nào giải thích được.

Tôi và các con tưởng tượng rằng, việc phun lửa sẽ kéo dài kết hợp với màn phun nước. Tuy nhiên, cả hai việc trên đều diễn ra quá nhanh gọn, không có dấu ấn gì đặc biệt dù lạ thì có lạ.

Tôi nghĩ TP Đà Nẵng nên có phương án khác để tạo dấu ấn và việc trình diễn phải diễn ra hàng đêm để phục vụ du lịch", anh Tri bày tỏ.

Chủ một tàu du lịch trên sông Hàn cũng cho biết vô cùng khó khăn khi phục vụ yêu cầu của du khách việc vừa đi du ngoạn sông Hàn vừa ngắm cầu Rồng phun lửa, phun nước.

Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa như người làm xiếc dạo - Ảnh 2.

Nhiều du khách cho rằng cầu Rồng phun lửa một cách nhàm chán, đơn điệu

"Việc trình diễn chỉ diễn ra vào cuối tuần và chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút. Khách thì ai cũng thích được ngắm cầu Rồng trình diễn từ sông Hàn nên họ yêu cầu thuyền phải đi đúng thời điểm.

Chúng tôi không thể chở khách đông trong 1 lần nên không thể phục vụ hết yêu cầu của họ. Nếu có phương án khác cho cầu Rồng trình diễn hàng đêm và kéo dài thì du lịch trên sông Hàn sẽ nhộn nhịp hơn", chủ tàu du lịch (xin giấu tên) cho hay.

Ô nhiễm, lãng phí tiền của

Nhiều du khách đến từ các địa phương khách theo dõi cầu Rồng phun lửa, phun nước trong buổi tối ngày 21-8 ngoài việc thất vọng với màn trình diễn thì còn khó chịu với mùi hôi.

Theo anh Tri, khi quả cầu lửa được thổi bùng lên thì lượng dầu không đốt cháy hết tỏa ra mùi dầu nồng nặc.

"Dù đứng ở khá xa nhưng tôi vẫn ngửi được mùi. Đà Nẵng nổi tiếng với phương châm thành phố xanh, sạch đẹp nhưng việc cầu Rồng phun lửa tạo ra mùi hôi khiến du khách khó chịu sẽ mất điểm rất lớn", anh Tri nhận xét.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (du khách Hà Nội) cũng cho hay, không chỉ có mùi hôi mà khi đốt cháy dầu ngoài việc tạo ra lửa thì còn tạo ra khói đen bốc lên bầu trời.

"Chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy được có rất nhiều khói. Khói đen xì, tạo thành cột lớn. Tôi nghĩ nó sẽ gây ô nhiễm không khí", chị Nguyệt nhận định.

Cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa như người làm xiếc dạo - Ảnh 3.

Màn trình diễn phun nước ở cầu Rồng

Theo Ban quản lý cầu Rồng, một đêm tổ chưc phun lửa ở cầu Rồng tiêu tốn khoảng 55 – 81 lít dầu và khoảng 2kWh điện. Tổng số tiền chi phí cho dầu và điện là 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, việc phun nước cần khoảng 20m3 nước và 40kWh điện ước tính khoảng 250.000 đồng. Tổng chi phí cho việc phun lửa, phun nước ở cầu Rồng vào khoảng 6 triệu đồng/tuần.

Kỹ sư Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh (Đà Nẵng), cho rằng việc tiêu tốn số tiền lớn như thế cho việc phun lửa, phun nước nhưng không tạo được dấu ấn là hao phí tiền của.

"Đà Nẵng nên nghiên cứu phương án khác để cầu Rồng thật sự trở thành điểm hút du lịch cho thành phố hàng đêm với những màn trình diễn thật sự có điểm nhấn với lửa, âm thanh và ánh sáng", kỹ sư Phương nêu ý kiến.

Ý tưởng tô chức trình diễn theo chủ đề

Dù tình trạng khách du lịch thất vọng với kiểu trình diễn "1 màu" ở cầu Rồng diễn ra khá lâu nhưng chính quyền TP Đà Nẵng chưa có biện pháp thay đổi dù đã có nhiều phương án được đưa ra.

Kỹ sư Phương cho hay, khách du lịch họ luôn muốn sự mới mẻ nhưng hiện nay cầu Rồng đêm nào cũng giống nhau, cả trăm đêm như 1, phun lửa, phun nước ra rồi hết.

"Thành phố nên thay đổi cách trình diễn ở cầu Rồng hằng đêm và tổ chức theo chủ đề. Ví dụ ngày Giải phóng Đà Nẵng, ngày Quốc khánh, Lễ Valentine…sẽ phát nhạc và nước, lửa, ánh sáng phụ họa theo các chủ đề này.

Tôi đã đề xuất lên lãnh đạo thành phố phương án "công nghệ phun lửa liên hợp đa năng 5 trong 1". Theo phương án này, sẽ tích hợp việc phun lửa, phun nước đồng thời chiếu sáng theo chủ đề âm nhạc cùng 1 lúc.

Công nghệ này sẽ giúp Rồng phun lửa không có khói, có thể cao đến 80m. Ngoài ra sẽ có ánh sáng sẽ kết hợp với nhạc nước. Tôi tin rằng ý tưởng này nếu thành hiện thực sẽ tạo nên sự thích thú cho du khách và sẽ không nhàm chán vì mỗi đêm sẽ có sự khác nhau giữa các màn trình diễn.

Đáng tiếc rằng ý tưởng của tôi đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi", kỹ sư Phương trăn trở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại