Khói bốc lên từ Sievierodonetsk ngày 12/6. Ảnh: New York Times
Cục diện chiến trường nghiêng về phía Nga
Giữa bối cảnh Nga đang bao vây Sievierodonetsk - một thành phố quan trọng trong mục tiêu kiểm soát miền Đông Ukraine và đưa một thành phố khác vào trong tầm ngắm, câu hỏi thực tế chiến trường sẽ định hình giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột như thế nào ngày trở thành vấn đề cấp bách với các nước phương Tây đang ủng hộ Ukraine.
"Nga đang nỗ lực từng bước để kiểm soát Sievierodonetsk. Hai đến ba ngày tới sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng", Thống đốc khu vực này - ông Serhiy Haidai đánh giá ngày 12/6 trên Telegram.
Dọc sông Donets, Ukraine đang cố gắng phòng vệ trước Nga ở Lysychansk. Mặc dù có lợi thế hơn về địa hình nhưng Ukraine đang dần cạn kiệt vũ khí.
"Nếu không có sự hỗ trợ về quân sự, dĩ nhiên họ sẽ đẩy lùi chúng tôi. Bởi mỗi ngày các thiết bị quân sự đều bị phá hủy và chúng cần được thay mới", Oleksandr Voronenko, một sĩ quan cảnh sát đóng tại Lysychansk cho hay.
Các quan chức Ukraine đang yêu cầu NATO cung cấp vũ khí tầm xa cho nước này nhanh hơn và nhấn mạnh đến nhu cầu cần được hỗ trợ thêm một số nguồn cung cơ bản như đạn dược.
Giữa lúc cục diện chiến trường ngày càng dịch chuyển theo hướng có lợi cho Nga, các nước hỗ trợ Ukraine, với nền kinh tế của chính họ cũng đang bị đe dọa, có lẽ sẽ phải đối mặt những câu hỏi căn bản hơn thay vì tập trung vào các loại vũ khí sẽ cung cấp cho Kiev, trong đó có việc liệu sẽ gia tăng sức ép lên Ukraine để đạt được thỏa thuận với Nga hay sẽ leo thang căng thẳng với Moscow bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự nhiều hơn.
"Chúng ta có thể cảm nhận được rằng khi trọng tâm chiến lược dịch chuyển sang phía Nam và phía Đông Ukraine, Nga sẽ có tiềm năng lớn hơn để đạt được thành quả quân sự, nhờ việc tăng cường lực lượng và những khu vực lãnh thổ mà họ đang kiểm soát", Ian Lesser, cựu quan chức Mỹ đứng đầu văn phòng Quỹ Marshall Đức ở Brussels cho hay.
"Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những câu hỏi dài hạn về bản chất của cuộc xung đột, cũng như mục đích của Ukraine và mục đích của phương Tây".
Thế khó của Ukraine
Trong khi Ukraine vẫn chờ đợi câu trả lời từ phương Tây, Kiev cũng đang đối mặt với những tổn thất to lớn trên chiến trường Donbass khi các cuộc giao tranh ác liệt diễn ra ở thành phố Sievierodonetsk. Dựa trên chính những đánh giá và số liệu của Ukraine, nước này ghi nhận 100 - 200 người chết mỗi ngày khi tình hình chiến sự ngày càng dữ dội, một phần là do ưu thế quân sự vượt trội của Nga và một phần là bởi Ukraine quyết tâm bảo vệ khu vực này bất chấp tình thế ngày càng ảm đạm ở phía Đông.
Những vũ khí mà phương Tây chuyển cho lực lượng Ukraine trên tiền tuyến không nhiều và không tiên tiến như những gì Kiev mong muốn. Một số vũ khí thậm chí chưa được triển khai thì đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích của Nga.
Ngày 11/6, tên lửa Nga đã tấn công một kho quân sự ở phía Tây Ukraine và theo Bộ Quốc phòng Nga, cuộc không kích này đã phá hủy các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng mà Mỹ và châu Âu hỗ trợ cho Ukraine.
Chính phủ Ukraine đang tập trung quân đội và các nguồn lực trong nỗ lực cố thủ ở Sievierodonetsk - thành phố công nghiệp có tầm quan trọng về mặt chiến lược và là đô thị lớn cuối cùng ở Lugansk thuộc khu vực Donbass vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Kiev. Thống đốc khu vực này cho biết, Nga đã phá hủy 2 cây cầu dẫn tới trung tâm Sievierodonetsk và đang nã pháo vào cây cầu còn lại - vốn là nguồn cung hậu cần quan trọng cho Ukraine.
Hiện tại, giao tranh có thể sẽ dịch chuyển sang thành phố lân cận là Lysychansk.
Mặc dù Ukraine có lợi thế về địa hình khi khu vực này có những vị trí cao hơn so với các đồng bằng giàu tài nguyên trải rộng ở Donbass nhưng các nhà quan sát cho rằng Ukraine khó có thể bảo vệ được Lysychansk - thành phố với khoảng 100.000 dân, đặc biệt là nếu thiếu những nguồn hỗ trợ cần thiết như đạn dược cho xe tăng và pháo của Ukraine, thực phẩm và trang thiết bị cho hàng nghìn quân đồn trú tại đây.
Đây là thách thức mà quân đội Ukraine hiện đang đối mặt giữa bối cảnh quân đội Nga đã sắp khép lại chiến dịch kiểm soát thành phố Sievierodonetsk lân cận. Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, kể cả khi Sievierodonetsk bị chiếm giữ, trừ khi Nga thành công trong việc cắt đứt tuyến hậu cần của thành phố còn lại, nếu không thì quân đội Ukraine vẫn có thể bảo vệ Lysychansk, một phần là nhờ sông Donets chia cắt 2 thành phố này.
Ngày 12/6, dường như Nga đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu cắt đứt tuyến hậu cần của Ukraine khi tiếp tục tiến công về phía Đông Nam.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, "vận mệnh của Donbass được quyết định theo nhiều cách" bởi những gì diễn ra ở Sievierodonetsk và Lysychansk. Tuy nhiên, hiện Sievierodonetsk gần như bị quân đội Nga bao vây và nếu Moscow tiếp tục tiến công theo hướng những con đường là nguồn cung hậu cần duy nhất cho thành phố còn lại của Ukraine, Kiev sẽ phải đưa ra quyết định chiến lược: Đó là rút lui hay mạo hiểm trụ lại trước cuộc bao vây Lysychansk.
"Chúng tôi đang chờ đợi quân tiếp viện. Nếu chúng tôi nhận được nhiều hỗ trợ hơn, có thể chúng tôi sẽ cầm cự được", ông Voronenko bình luận.
Câu hỏi khó với phương Tây
Gần 4 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, Ukraine đang dần cạn kiệt đạn dược cho các hệ thống vũ khí thời Liên Xô, cũng như đang không nhận được đầy đủ và kịp thời các loại vũ khí. Nước này lo ngại điều đó khiến cho vận mệnh của Lysychansk ngày càng trở nên không chắc chắn.
Với các nước châu Âu, câu hỏi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine như thế nào có liên quan mật thiết đến chính những vấn đề trong nước của họ. Một số thành viên EU cho rằng họ đã gửi quá nhiều đạn dược cho Ukraine và điều đó khiến họ đang thụt lùi trong việc bổ sung kho vũ khí của mình. Với chính sách ngoại giao và chính sách quốc phòng của khối không đồng nhất với nhau, các nhà lãnh đạo EU buộc phải cố găng tìm kiếm nguồn cung quân sự.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 30/5 đã cho biết tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ) rằng các nhà lãnh đạo EU nhất trí cung cấp 9 tỷ euro cho Ukraine nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này trong bối cảnh xảy ra xung đột.
EU cũng đang đối mặt với sự chia rẽ ngày càng lớn trước việc Ukraine đang nỗ lực gia nhập liên minh. Quyết định này có thể thúc đẩy vị thế của Tổng thống Zelensky và có thể giúp ông có nhiều lợi thế chính trị hơn để đàm phán về một lệnh ngừng bắn nhưng điều đó có thể khiến Nga tăng cường các cuộc tiến công và làm căng thẳng leo thang.
Trong chuyến thăm Kiev ngày 11/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ đưa ra lập trường về việc liệu có chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine vào cuối tuần này hay không. Đây là một quyết định mang tính chính trị sâu sắc mà các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ tiếp tục được yêu cầu trả lời vào Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào ngày 23 và 24/6 ở Brussels.
Với hầu hết quốc gia được thông qua tư cách thành viên, việc trở thành thành viên đầy đủ của EU có thể phải mất tới hơn 1 thập kỷ để cải cách và đàm phán.
Nếu Ukraine được bật đèn xanh, lộ trình phía trước mới là giai đoạn khó khăn nhất giữa bối cảnh nước này đang đối mặt với vô vàn thách thức, từ cuộc xung đột đang diễn ra cho tới những vấn đề về quản trị, tham nhũng.../.