Cơn sốt "vàng trắng" sau lệnh cấm của EU: Trung Quốc giữ khu mỏ được ví như máy in tiền

An An |

Sau các lệnh trừng phạt liên tiếp của Liên minh châu Âu EU nhằm vào Nga, một cuộc chạy đua trên khắp thế giới đang diễn ra để tìm ra các nguồn lithium mới.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Viễn cảnh cạn kiệt nguyên tố hiếm là tình huống xấu nhất đối với nhiều quốc gia.

Giá lithium tăng vọt

"Có lithium đi khắp thế giới, không lithium nửa bước khó đi", đây là câu nói quen thuộc trên thị trường năng lượng toàn cầu trong những năm gần đây.

Lithium còn được gọi là "vàng trắng", được sử dụng trong pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện và các thiết bị khác. Khi nhu cầu về xe điện tăng do chi phí khí đốt tăng kỷ lục, mức tiêu thụ lithium và giá lithium cũng tăng theo.

Ngày 27/4, trong phiên đấu giá của công ty khai thác lithium Pilbara của Úc, giá giao dịch lithium đạt 5.650 USD/tấn, cộng với chi phí vận chuyển và hậu cần là 90 USD/tấn, giá thành liti cacbonat tương ứng khoảng 57.000 USD/tấn.

Ngày 24/5, Pilbara lại đấu giá lithium và giá giao dịch là 5.955 USD/tấn, tăng 300 USD/tấn so với phiên đấu giá ngày 27/4 và giá liti cacbonat tương ứng tăng lên khoảng 63.000 USD/tấn.

Giá liti cacbonat đã tăng 8 tháng liên tục, hiện giá đang dao động ở mức cao 63.000-75.000 USD/tấn, thậm chí, giá đấu thầu quặng lithium cũng đang tăng lên nhanh chóng.

Thậm chí, công ty nghiên cứu Argus Media (Anh) gần đây thông báo, giá lithium đã tăng gấp 5 lần kể từ tháng 4/2021 khi nhu cầu sản xuất pin điện của các nhà sản xuất ô tô tăng cao.

Cơn sốt vàng trắng sau lệnh cấm của EU: Trung Quốc giữ khu mỏ được ví như máy in tiền - Ảnh 1.

Lithium đang là nguyên tố hiếm được cả thế giới săn lùng. Ảnh: Reuters

Cuộc cạnh tranh ở châu Phi

Hiện nay, trước cơn khát lithium, nhiều quốc gia trên thế giới đang tập trung tìm kiếm nguồn lithium ở châu Phi, nơi được thiên nhiên ban tặng cho một kho tàng quặng "xanh".

Trung Quốc là một trong số những quốc gia này. Trung Quốc không chỉ là một trong những thị trường xe điện lớn nhất thế giới mà còn sản xuất khoảng 80% lượng lithium toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia này muốn nhiều hơn nữa.

Ước tính khoảng một nửa tài nguyên lithium trên thế giới là ở Nam Mỹ và Úc. Tuy nhiên, châu Phi hiện đang được quan tâm hơn.

Hãng tin Reuters mới đây cho hay, các công ty trên khắp thế giới đang xem xét lại các dự án mà họ đã bỏ qua trước đây. Đặc biệt, sự quan tâm của Trung Quốc đối với châu Phi đã giúp thúc đẩy hàng chục quốc gia đi theo. Trở lại vào tháng 5, các quốc gia khai thác hàng đầu ở Châu Phi đã cùng tham dự hội thảo "Đầu tư vào khai thác mỏ Indaba ở Châu Phi" tại Cape Town. Mục đích là để thảo luận về tiềm năng giao dịch đáng kể của kim loại xanh và các loại quặng có giá trị khác.

Các đại diện cho rằng việc chuyển đổi sang một tương lai carbon thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên kim loại xanh. Theo Reuters, Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Gwede Mantashe nhấn mạnh rằng Châu Phi có nguồn tài nguyên phong phú và chưa được khai thác. Trong số những thứ có giá trị nhất là liti, đồng, coban, niken và kẽm.

Được biết, tập đoàn BYD của Trung Quốc đang đàm phán để mua sáu mỏ lithium mới ở các quốc gia châu Phi. Trong khi đó, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, công ty khai thác khổng lồ Zijin của Trung Quốc đang trong cuộc chiến pháp lý với công ty khai thác khoáng sản AVZ của Australia. Bên nào thắng sẽ có quyền kiểm soát mỏ Manono - có thể là mỏ lithium lớn nhất thế giới.

Cơn sốt vàng trắng sau lệnh cấm của EU: Trung Quốc giữ khu mỏ được ví như máy in tiền - Ảnh 2.

Chi phí lithium cao bắt đầu ảnh hưởng đến giá của pin EV Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trung Quốc mở rộng khai thác lithium trên thế giới

Tân Hoa xã ngày 5/6 đưa tin, dự án khai thác mỏ lithium Gulamina ở miền nam Mali chính thức khởi công xây dựng vào ngày 3/6. Dự án có thể được khai thác trong hơn 20 năm sẽ đưa Mali trở thành nhà sản xuất lithium lớn thứ ba thế giới.

Điều đáng chú ý là công ty khai thác mỏ lithium khổng lồ của Trung Quốc Ganfeng Lithium gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của mỏ này.

Tỷ lệ tiêu thụ của công ty là 50% sản lượng của dự án và tỷ lệ này có thể tăng lên 100% sau khi đáp ứng các điều kiện nhất định”, Ganfeng Lithium cho biết trong báo cáo thường niên năm 2021.

Theo báo cáo nghiên cứu của Dự án Mỏ Lithium Gulamina vào tháng 12 năm ngoái, dự án này sẽ sản xuất trung bình 726.000 tấn tinh quặng mỗi năm trong ít nhất 21 năm, với mức sản lượng cao nhất hàng năm ước tính 880.000 tấn. Điều này sẽ làm cho mỏ này trở thành một trong những mỏ lithium lớn nhất chưa được khai thác trên thế giới.

Kể từ đầu năm nay, Ganfeng đã đẩy nhanh tốc độ đầu tư ra nước ngoài. Vào ngày 30/5 (theo giờ Argentina), Ganfeng Lithium đã thông báo tại lễ khởi công dự án Mariana Salt Lake rằng họ sẽ đầu tư khoảng 600 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất liti clorua với sản lượng hàng năm đạt 20.000 tấn.

Dự án Mariana nằm ở tỉnh Salta, Argentina, với sản lượng lithium ước tính lên tới khoảng 8,12 triệu tấn LCE. Ganfeng nắm giữ 100% vốn cổ phần của dự án.

Có ý kiến cho rằng, với mỏ lithium trị giá hàng chục tỷ nhân dân tệ, thì đây có thể coi là máy in tiền cho đất nước tỷ dân.

Ngoài ra, Cauchari, một dự án khác của Ganfeng ở Argentina, cũng được lên kế hoạch đưa vào hoạt động trong năm nay, và giai đoạn đầu sẽ hình thành công suất sản xuất 40.000 tấn lithium cacbonat/năm. Được biết, Cauchari hiện là một trong những dự án khai thác lithium ở hồ muối lớn nhất thế giới, hỗ trợ sản xuất pin lithium cacbonat với sản lượng hàng năm hơn 40.000 tấn trong 40 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại