"Ăn cháo đá bát" là câu thành ngữ chỉ trích những kẻ sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, vô ơn bội nghĩa với người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn. Ăn cháo xong rồi lại sẵn sàng đá cái bát đi. "Ăn cháo" chính là việc nhận ân nghĩa, sự giúp đỡ của người ta. "Đá bát": Hành động biểu tượng cho sự bội bạc trắng trợn của người được giúp đỡ.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, câu gốc vốn là một câu khác. Trong đó, chữ "đá" được thay bằng chữ "đái". "Đái" ở đây chính là chỉ hành vi "tiểu tiện". Ngày xưa trong các nhà bình dân, nhất là các hộ nghèo, những chiếc bát cũ thường được dùng lại vào việc khác, như trồng cây, đựng đồ và thậm chí là cả… đi tiểu.
Trong “Đi tìm điển tích thành ngữ”, tác giả Tiêu Hà Minh cũng dẫn một câu chuyện để giải thích cho “Ăn cháo đái bát” như sau: “Có một tay nhà giàu nổi tiếng keo kiệt, bủn xỉn. Không may nhà bị hoả hoạn, cơ nghiệp mất sạch, hắn phải lang thang đầu đường xó chợ. Có bà lão thương tình cho hắn bát cháo ăn rồi cưu mang hắn. Từ đó hắn ở lại phụ bà ngày ngày phát cháo cho dân nghèo.
Một ngày kia, hắn sinh tâm phản bội, cướp hết số gạo của bà rồi bỏ đi. Khi ngang qua một miếu thờ, thấy bát cháo cúng thần linh để đó, vì ăn cháo với bà lão lâu ngày đã quen nên hắn nổi cơn thèm, liền vơ lấy rồi húp sạch. Húp xong cảm thấy buồn tiểu, hắn đi luôn vào bát. Thần linh nổi giận, liền cho sét đánh hắn chết tươi. Từ đó người ta dùng câu 'Ăn cháo đái bát' để chỉ những kẻ vong ân bội nghĩa”.
"Ăn cháo đá bát" câu thành ngữ như lời chỉ trích những kẻ sống chỉ biết đến lợi ích của bản thân, vô ơn bội nghĩa với người đã giúp đỡ mình trong lúc khó khăn.
Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức có giảng: “Ăn cháo đái bát: 1. Người bạc bẽo, ăn của người rồi trở nói xấu người. 2. Hưởng rồi phá cho hư, cho liệt, không để người khác hưởng”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng dẫn: “Ăn cháo đái bát: Ví thái độ chịu ơn người rồi bội bạc, phụ ơn ngay”.
Từ điển mở Wiktionary giải thích "Ăn cháo đái bát": Phê phán người khi được người khác giúp đỡ nhưng lại vô ơn, thậm chí phản lại người đã giúp mình. Đồng nghĩa: "Ăn cháo đá bát".
Trải qua thời gian dài, có lẽ phần vì biến âm, phần vì chữ “đái” nghe hơi tục nên câu trên mới bị đổi thành “Ăn cháo đá bát”. Dùng “Ăn cháo đái bát” hay “Ăn cháo đá bát” đều được. Tuy nhiên, hành vi đái bát gây ấn tượng mạnh mẽ, nặng nề hơn và phù hợp với cách nói khoa trương, phóng đại mà dân gian vẫn ưa dùng.
Cùng nghĩa với "Ăn cháo đái bát", trong tiếng Việt còn có những thành ngữ chỉ sự vô ơn. Tuy vậy, khi sử dụng cần chú ý đến sự khác nhau rất tinh tế về sắc thái ý nghĩa của chúng.
Ăn mật trả gừng: Được người khác đối đãi tử tế nhưng bản thân lại đối xử với người ta không ra gì.
Được chim bẻ ná, được cá quên nơm: Khi đạt được mục đích rồi thì quên ngay người đã giúp đỡ mình.
Khỏi vòng cong đuôi: Vô ơn, bội bạc, vừa thoát được nạn là quên ngay người đã cứu giúp mình.
Qua cầu rút ván: Chỉ những kẻ vô ơn, bội nghĩa, xong việc rồi thì quay lưng lại với người ta.
Vay ơn nhất thời, đòi oán tam đại: Nói lên tâm lý của những kẻ vô ơn, khi đã vay được rồi thì cảm ơn người ta rối rít, nhưng đến khi người ta đòi lại thì lại oán hận nặng nề.
Vắt chanh bỏ vỏ: Bòn rút hết sức lực của người khác, đến khi thấy họ không còn hữu dụng nữa thì bỏ đi không thương tiếc.
Tổng hợp/Tham khảo: Tiếng Việt giàu đẹp