Câu chuyện về anh nhà báo chuyên đập tan "tin vịt" về Syria

Đức Huy |

Nhà báo Ahmad Primo là người sáng lập Verify, một trang tương tác chuyên mổ xẻ độ chính xác của các thông tin liên quan đến tình hình Syria.

Kể từ khi nội chiến bùng phát trên lãnh thổ Syria 5 năm trước, hàng loạt hãng truyền thông Arab cũng như quốc tế cũng bắt theo sự kiện, và hàng ngày đăng tin về các diễn biến chính trị, quân sự, xã hội xung quanh "điểm nóng" này.

Và trong một cơn bão thông tin như vậy, độ chính xác không thể được đảm bảo. Các nguồn tin sai lệch, sự thật bị bóp méo, và suy luận vô căn cứ xuất hiện liên tục. Và chính đây cũng là nguồn cảm hứng để Ahmad Primo, một nhà báo tự do người Syria, lập ra trang tương tác Verify.

"Mục đích của [Verify] là cung cấp cho độc giả thông tin xác thực, không bóp méo, không bịa đặt" - Primo phát biểu với trang tin Trung Đông al-Monitor.

Primo là cử nhân lập trình và phát triển web, và đã công tác trong lĩnh vực truyền thông trực tuyến được 7 năm. Anh nhận định, có rất nhiều lý do dẫn tới việc thông tin sai lệch lan tỏa nhanh đến vậy.

"Các hãng tin chạy đua đưa tin về Syria. Do không có cơ quan kiểm duyệt, họ đăng tin theo kiểu copy/paste mà không áp dụng bất kì quy chuẩn nghiệp vụ nào để xác định xem thông tin có xuất phát từ các nguồn chính thống hay đáng tin cậy không" - Primo phát biểu.

Phương châm của Primo là "Làm báo có trách nhiệm". Đội ngũ biên tập gồm anh cùng 4 nhà báo tự do làm việc tình nguyện mỗi ngày đều làm nhiệm vụ xác thực, chỉnh sửa, hoặc phản bác thông tin về Syria.

Ngoài ra, một nhóm 8 nhà báo khác cũng được giao nhiệm vụ lọc ra những tin bài "có vẻ" thiếu xác thực, và tổng hợp lại một danh sách gửi cho ban biên tập.

Tuy nhiên, theo anh Primo, chính những độc giả tương tác với Verify mới là thành tố quan trọng nhất, bởi họ đóng góp phần lớn những tin bài có nội dung nghi ngờ không chính xác.

"Chúng tôi rất vui vì độc giả độ tương tác rất cao của độc giả. Chúng tôi nhận được hàng chục các tin bài mỗi ngày để kiểm định thông tin.

Nếu thông tin chính xác, chúng tôi báo lại cho độc giả, nếu thông tin có sai lệch, chúng tôi đăng tải thông tin chỉnh sửa sau khi đã tìm được một nguồn tin phản bác" - nhà báo Primo phát biểu.

Câu chuyện về anh nhà báo chuyên đập tan tin vịt về Syria - Ảnh 1.

 Trang Facebook của Verify

Phát biểu trên al-Monitor, nhà báo Mustafa Muhammad của tờ al-Quds al-Arabi, cho rằng việc Verify có thể trở nên phổ biến như vậy là do "mong muốn được tiếp cận sự thật của độc giả".

"Ngày nay, chúng ta rất cần một hình thức để cung cấp cho độc giả thông tin xác thực, trong bối cảnh các nguồn tin mạng xã hội đang đầy rẫy những thông tin bị bóp méo" - ông Muhammad nói thêm.

Khi được hỏi liệu Verify có đáng tin cậy không, nhà báo này đáp lại: "Có chứ, đương nhiên, bởi Verify áp đặt những quy chuẩn nghiệp vụ và bằng chứng cụ thể để đánh giá độ xác thực của thông tin".

Tính đến nay, sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, Verify đã chỉnh sửa lại 250 tin bài từ nhiều nguồn tin, trong đó có cả phe thân chính phủ cũng như phe nổi dậy. Anh Primo khẳng định Verify hoàn toàn khách quan, không liên quan đến chính trị, và không nhận tiền từ bất kì nguồn nước ngoài nào.

Một vài "chiến tích" của Verify

Hôm 1/4, một trang Facebook đã đăng tải video mà trang này khẳng định là một đợt không kích tại Syria. Video này thu hút 1 triệu lượt xem, nhưng sau khi Verify kiểm định lại nguồn gốc, thì họ phát hiện ra rằng video này thực chất ghi lại một đợt không kích ở Dải Gaza 2 năm trước. 

Hôm 29/4, một trang tin thân chính phủ đăng tải một bức ảnh với dòng chú thích "dân thường bỏ mạng sau một đợt không kích của phe nổi dậy nhắm vào bệnh viện al-Razi ở Aleppo".

Tuy nhiên, Verify đã chứng minh được rằng, bức ảnh này thực chất đã trôi nổi trên mạng từ... 4 năm trước. 

Al-Monitor tìm hiểu thêm và phát hiện ra rằng, bức ảnh được chụp trong vụ thảm sát tại Houla hồi tháng 5/2012, khiến 108 dân thường Syria thiệt mạng, theo số liệu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW).

Ngoài ra, Verify cũng phát hiện và chỉnh sửa lỗi của các hãng tin nước ngoài như al-Jazeera, RT, hay BBC. Tất cả đều công nhận sai sót và đăng tải bản đính chính, đồng thời cảm ơn các đồng nghiệp tại Verify.

Câu chuyện về anh nhà báo chuyên đập tan tin vịt về Syria - Ảnh 2.

 Hãng tin BBC phiên bản tiếng Arab đã phải công khai xin lỗi vì đăng hình ảnh khu vực do phe nổi dậy chiếm đóng, nhưng lại chú thích là khu vực do phe chính phủ chiếm đóng. Chính Verify đã phát hiện ra lỗi này. 

Hiện tại, Verify mới chỉ có giao diện tiếng Arab, nhưng họ đang mở rộng thêm phiên bản tiếng Anh, cũng như phát triển ứng dụng trên điện thoại. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại