Vì sao tình báo Hàn Quốc liên tục thất bại trước Triều Tiên?

Mộc Miên |

Sự kiện tướng Triều Tiên Ri Yong Gil, người mà Seoul đưa tin đã bị xử tử, đột nhiên tái xuất đang khiến tình báo Hàn Quốc hứng mưa "gạch đá" từ báo chí và giới nghị sĩ nước này.

Tướng Triều Tiên "phục sinh": Cái tát vào ngành tình báo Hàn Quốc

Hồi tháng 2 vừa qua, truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ông Ri Yong Gil, Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Triều Tiên bị xử tử vì tham nhũng, cấu kết bè phái và một số tội danh khác.

Nguồn tin được cho là lấy từ Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS).

Thế nhưng, tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên vừa diễn ra, ông Ri không những có tên trong danh sách ủy viên Trung ương đảng, mà còn được bầu vào Quân ủy Trung ương và là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.

Việc do thám tình hình Triều Tiên, đất nước khép kín, đáng ngờ và khó nắm bắt nhất trên thế giới không phải việc dễ dàng.

Nhưng vụ việc này, cùng với hàng loạt sai lầm trong việc cung cấp thông tin về Bình Nhưỡng trước đây đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực của ngành tình báo Hàn Quốc, lĩnh vực đã ngốn hàng tỉ USD ngân sách.

Biết được điều gì đang xảy ra ở Triều Tiên là vấn đề sống còn đối với Seoul, đất nước có thủ đô nằm trong tầm bắn của hàng nghìn quả tên lửa mà "người anh em phía Bắc" triển khai dọc theo suốt chiều dài tuyến biên giới được vũ trang mạnh nhất thế giới.

Đó cùng là điều rất quan trọng đối với Mỹ và Nhật Bản, vốn dựa một phần vào các gián điệp Hàn Quốc để có được thông tin về Triều Tiên và các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Vì sao tình báo Hàn Quốc liên tục thất bại trước Triều Tiên? - Ảnh 1.

Ri Yong Gil (thứ hai từ trái qua) trong một bức ảnh chụp với quan chức cấp cao Triều Tiên năm 2013

Nguyên nhân thất bại là gì?

Khó để đưa ra một câu trả lời chính xác lý giải nguyên nhân tình báo Hàn Quốc thất bại, nhưng các sai lầm của họ có thể có liên quan đến việc Triều Tiên là một quốc gia đóng cửa với bên ngoài, cũng như cách Seoul kiểm chứng và phát tán thông tin.

Ngoài ra, còn có thể có một lý do khác. Đó là sử dụng tin tức tình báo vào các chiêu trò chính trị và lựa chọn việc giữ thể diện thay vì thu thập các thông tin chắc chắn của cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Các vấn đề chính trị nội bộ của Hàn Quốc và tình trạng thù địch gần như không thay đổi trong suốt nhiều năm qua giữa hai miền cũng có thể là một phần lý do.

Một thập kỷ cầm quyền của chính phủ theo phe tự do, với các chính sách khuyến khích các nhà ngoại giao, công chức, doanh nhân, nhà báo và các tổ chức nhân đạo qua lại miền Bắc thường xuyên đã chấm dứt vào năm 2008.

Từ đó đến nay, gần 10 năm dưới sự lãnh đạo của phe bảo thủ, chủ trương cứng rắn với Triều Tiên đã xóa gần hết dấu vết những thay đổi trước đó.

Theo Kim Kwang Jin, nghị sĩ đối lập thuộc Ủy ban tình báo Quốc hội Hàn Quốc, điều này cũng đồng nghĩa với việc các gián điệp Seoul không còn nhận được các thông tin giá trị như trước, khi hai miền còn liên hệ ổn định.

Trong khi đó, phe bảo thủ cầm quyền thì đổ lỗi cho phe tự do là đã thu hẹp các chiến dịch tình báo xuống đến mức khó có thể phục hồi.

Nhưng đó không phải là toàn bộ vấn đề.

Cách mà tình báo Hàn Quốc phát tán thông tin cũng là điều đáng nói.

NIS cung cấp các báo cáo tóm lược cho các nghị sĩ để họ rỉ tai cho giới báo chí. Rồi đến lượt báo chí nước ngoài khai thác lại các thông tin từ báo chí Hàn Quốc.

Nhưng đến đoạn này thì thông tin đã trở thành "tam sao thất bản", nên khó mà đánh giá được độ chắc chắn của các thông tin gốc do NIS tung ra, cũng như khó biết thông tin đã được thu thập như thế nào, hay nguồn tin có đáng tin cậy hay không.

Trong trường hợp tình báo tự tung tin cho báo chí trong nước, họ thường yêu cầu các nhà báo chỉ ghi là "theo một nguồn tin quen thuộc với các vấn đề Triều Tiên".

Việc này nhằm mở cho NIS hay các cơ quan tình báo khác của Hàn Quốc một lối thoát để chối bỏ trách nhiệm nếu chẳng may thông tin sau đó được xác định là "tin vịt", như vụ tướng Ri vừa xảy ra.

Vì sao tình báo Hàn Quốc liên tục thất bại trước Triều Tiên? - Ảnh 2.

Tình báo Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc kiểm soát độ chính xác của thông tin tình báo từ Triều Tiên, kể từ khi quan hệ hai miền rạn nứt trở lại. (Ảnh: Sputnik)

Tình báo phục vụ chính trị

Cũng có nhiều ý kiến chỉ trích rằng những câu chuyện hoang đường, thêu dệt về Triều Tiên, dù xuất phát từ giới tình báo Hàn Quốc hay không, được tạo ra nhằm phục vụ mục đích chính trị.

Cheong Seong Chang, một nhà phân tích thuộc Học viện Sejong (Hàn Quốc) nhận định, các quan chức tình báo chính phủ bảo thủ thường tiết lộ các thông tin không hoàn chỉnh, chưa được kiểm chứng về Triều Tiên.

Điều này nhằm vẽ ra một đất nước bất ổn và nguy hiểm, để giải thích cho các chính sách cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Theo Cheong, điều đó lý giải vì sao lại có những sự việc bẽ mặt như vụ tướng Ri, đồng thời cũng cho thấy một thông tin cần được kiểm chứng bằng nhiều nguồn, kể cả khi nó xuất phát từ chính ai đó trong nội bộ Bình Nhưỡng.

Các gián điệp Hàn Quốc được cho là thường xuyên theo dõi sát sao truyền thông Triều Tiên để nắm thông tin, trao đổi với những người đào tẩu từ phía Bắc và nuôi cấy tai mắt phía bên kia biên giới.

Vấn đề là không rõ các nguồn tin này tin cậy đến mức nào.

Vì sao tình báo Hàn Quốc liên tục thất bại trước Triều Tiên? - Ảnh 3.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Ri Yong Gil bị xử tử hồi tháng 2

Sự "mong manh" của ngành an ninh Hàn Quốc

Bê bối thông tin sai vụ Ri Yong Gil bị xử tử đã khiến tình báo Hàn Quốc bị các đảng đối lập chỉ trích bằng nặng nề vì cho rằng sự yếu kém của họ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia.

Đây không phải là vụ "hố" nặng nhất của tình báo Hàn Quốc trong vài năm qua.

Tháng 12/2011, giới điệp viên Hàn Quốc đã từng chịu búa rìu dư luận khi họ chỉ biết về cái chết của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il hai ngày sau khi ông này qua đời, lúc truyền hình Bình Nhưỡng đưa thông báo.

Trong vụ tướng Ri, tình báo Hàn Quốc còn bị buộc tội tham gia vào các chiêu trò chính trị.

Vụ việc được loan báo khi Seoul đang chịu nhiều chỉ trích vì trước đó đã không biết trước việc Triều Tiên chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1/2016.

Nó xuất hiện 1 ngày sau khi chính phủ thông báo ngừng các hoạt động ở khu công nghiệp liên Triều ở Keasong, biên giới với Triều Tiên.

"Nếu chính phủ tung thông tin về vụ xử tử Ri Yong Gil nhằm khiến tạo ra sự ủng hộ của người dân đối với việc rút khỏi Keasong, thì chúng tôi chỉ có thể nói rằng họ quá ngu ngốc...

Dùng những chiêu trò thô thiển như vậy chỉ dẫn đến đại họa", Chosun Ilbo, tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Hàn Quốc bình luận.

Cũng trong bài viết này, Chosun Ilbo cho rằng, tình báo Hàn Quốc đang xử lý các thông tin mơ hồ như thể đó là các sự thật 100%.

Và như vậy, vấn đề là vô cùng nghiêm trọng, vì họ có thể bị Triều Tiên xỏ mũi bằng cách tung thông tin thất thiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại