Ngày 4/10/1957, tàu vũ trụ Sputnik 1 của Liên Xô làm nên lịch sử khi trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên bay trên quỹ đạo Trái Đất. Tiếp nối thành công của Sputnik 1, các kỹ sư gấp rút chế tạo Sputnik 2 với một khoang điều áp dành cho chó. Con tàu có trọng tải 508 kg, nặng gấp 6 lần Sputnik 1, sẽ đưa sinh vật sống đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất.
Cách đây 65 năm, vào ngày 3/11/1957, Liên Xô lại tiếp tục phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 2 vào quỹ đạo Trái Đất cùng với chú chó Laika - giống chó lai giữa husky và spitz được Liên Xô lựa chọn để thực hiện sứ mệnh bay vào không gian lần đầu tiên trong lịch sử nước này.
Lần phóng vệ tinh này được tiến hành với mục đích thăm dò sự an toàn cho chuyến du hành vũ trụ sau này của con người. Tuy nhiên, đây lại là chuyến đi định mệnh của chú chó Laika bởi vì công nghệ thời bấy giờ vẫn chưa tiên tiến đến mức có thể thực hiện chuyến bay từ vũ trụ trở lại trái đất.
Tính đến cuối những năm 1950, khoa học còn rất mơ hồ về những tác động của các chuyến bay ra ngoài vũ trụ lên cơ thể con người. Để có được bước tiến dài, tạo nên "buổi bình minh chinh phục vũ trụ của loài người", tất yếu phải thực hiện các thí nghiệm. Và động vật là đích mà giới khoa học nhắm đến để "đo" tác động của không gian lên sinh vật sống trước tiên.
Công cuộc tìm kiếm "con tốt" cho sứ mệnh lịch sử
Sở dĩ, người ta chọn Laika là vì, theo các nhà khoa học, những con chó lang thang vô chủ thường tự học được cách chịu đựng nghịch cảnh khắc nghiệt của nhiệt độ và việc thiếu thốn thức ăn - đây là 2 trong những điều kiện thử thách trong sứ mệnh bay của loài động vật này. Ngoài ra, Laika là giống cái, theo quan niệm, nó sẽ nhỏ con và hiền lành hơn các con giống đực cùng loài khác.
Laika ban đầu có tên là Kudryavka. Nhưng thế giới nhớ đến chú bởi cái tên Laika, một từ tiếng Liên Xô chỉ giống chó husky đặc chủng ở xứ lạnh. Còn giới truyền thông Mỹ gọi Laika với cái tên Muttnik, một kiểu chơi chữ của tàu Sputnik.
Để huấn luyện tinh thần và thể trạng trước chuyến bay lịch sử, các nhà khoa học lựa chọn nhiều "ứng cử viên" cùng lúc với các bài test kiểm tra mức độ thuần phục và vâng lời của chúng.
Những chú chó đạt yêu cầu bước 1 sẽ bước vào giai đoạn thử thách cực kỳ khắt khe tiếp theo là sống trong cái lồng chật hẹp (hộp kháng áp) từ nhiều ngày đến vài tuần và phải làm quen với vị giác bằng việc chỉ ăn một loại thức ăn dạng lỏng, có thể là thức ăn của chú trong không gian.
Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra phản ứng của chúng trước những thay đổi đột ngột của áp suất không khí và tiếng ồn lớn, trong đó, bao gồm cả việc bị nhấc bổng lên không khí đột ngột. Cuối cùng, chỉ có 2 chú chó chịu đựng được các bài thử nghiệm khó khăn, bao gồm, Laika, và ứng viên dự bị của Laika - Albina.
Một số lời đồn cho rằng Albina thể hiện tốt hơn Laika, nhưng vì nó vừa sinh con và giành được tình cảm của những người nuôi nên không phải đối mặt với chuyến bay tự sát. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho cả hai con chó, cấy các thiết bị y tế vào cơ thể chúng để theo dõi nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và chuyển động cơ thể.
Tấm vé du hành vũ trụ "một chiều"
3 ngày trước vụ phóng, Laika bước vào khu vực giới hạn chỉ cho phép di chuyển vài inch (1 inch bằng khoảng 2,5 cm). Con vật khi đó được tắm sạch, trang bị cảm biến, thiết bị vệ sinh và mặc bộ đồ vũ trụ.
Đúng 5h30 sáng, con tàu Sputnik II được phóng lên quỹ đạo Trái Đất, mang theo Laika, chú chó dũng cảm vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt dưới mặt đất, với lực G* gấp 5 lần bình thường.
Laika vẫn sống khi lên tới quỹ đạo và bay vòng quanh Trái Đất trong khoảng 103 phút. Không may, việc mất tấm chắn nhiệt khiến nhiệt độ trong khoang tăng ngoài dự đoán, gây nguy hiểm cho con vật.
"Mức nhiệt bên trong tàu vũ trụ sau vòng quỹ đạo thứ 4 đạt trên 90 độ. Thực sự không thể kỳ vọng Laika sẽ vượt qua được thêm một hay hai vòng quỹ đạo nữa", Cathleen Lewis, người phụ trách các chương trình không gian quốc tế và bộ đồ vũ trụ tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian, cho biết.
Trong quá trình phóng tên lửa, mạch của chú đập nhanh gấp 3 lần bình thường. Chú quá sợ hãi trong khi con tàu vũ trụ vẫn không ngừng tăng tốc lao lên bầu trời suốt một thời gian dài. Nhiệt độ trong tàu vũ trụ dần tăng vọt và chỉ vài giờ sau, chú đã chết vì ngạt thở. Điều đáng thương nằm ở chỗ, chú phải chịu đựng quá nhiều đau đớn và ra đi trong sự cô đơn.
Với Laika, kể cả khi mọi thiết bị trên tàu hoạt động tốt, có đủ thức ăn, nước uống và oxy, nó vẫn sẽ chết khi tàu vũ trụ Sputnik 2 lao xuống khí quyển sau khoảng 5 tháng, hoàn thành 2.570 vòng quỹ đạo. Tuy nhiên, chuyến bay hứa hẹn cái chết không thể tránh khỏi của Laika lại mang đến bằng chứng cho thấy không gian là nơi có thể sống được.
Sức ảnh hưởng của Laika
Những gì chú chó Laika trải qua thật khủng khiếp. Người yêu động vật cảm thấy không thể tha thứ cho các kiểu thí nghiệm như vậy. Bản thân Oleg Gazenko, một trong những nhà khoa học đứng đầu chương trình sử dụng chó trong các cuộc thử nghiệm không gian, cũng thừa nhận rằng, "Thời gian trôi qua, tôi càng cảm thấy ân hận về việc mình đã làm. Chúng tôi không nên làm như vậy".
Thời đó, sự quan tâm về quyền động vật chưa lớn như đầu thế kỷ 21, nhưng một số người cũng đã phản đối việc cố ý để Laika chết vì Liên Xô thiếu công nghệ để đưa nó trở về Trái Đất an toàn. Tuy nhiên, Lewis tin rằng việc sử dụng động vật cho tàu vũ trụ thử nghiệm là điều cần thiết để chuẩn bị cho chuyến bay chở người.
"Có những thứ mà chúng ta không thể xác định được do hạn chế kinh nghiệm về chuyến bay ở độ cao lớn. Các nhà khoa học thực sự không biết con người sẽ mất phương hướng như thế nào trong một chuyến du hành vũ trụ, hay liệu phi hành gia có thể tiếp tục hoạt động bình thường hay không", Lewis nói.
Không lâu sau chuyến bay, xưởng đúc tiền ở Liên Xô đã chế tạo một mẫu ghim cài tráng men mang hình ảnh Laika để kỷ niệm "Hành khách đầu tiên trong không gian". Một số đồng minh của Liên Xô khi đó như Romania, Albania, Ba Lan, cũng phát hành tem Laika trong giai đoạn 1957 - 1987.
Trong nhiệm vụ thám hiểm sao Hỏa Opportunity vào tháng 3/2005, NASA đặt tên không chính thức cho một vị trí trong hố trũng trên hành tinh này là Laika. Năm 2015, Nga dựng một bức tượng tưởng niệm Laika trên một tên lửa tại cơ sở nghiên cứu quân sự ở Moskva.
Laika đã trở thành một phần lịch sử với tư cách là sinh vật sống đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Ngày nay, câu chuyện về "nhà tiên phong" nhỏ bé vẫn tiếp tục xuất hiện trên các website, trong video, thơ ca và sách. Trong cuốn Beastly Natures: Animals, Humans and the Study of History, chuyên gia Amy Nelson chia sẻ rằng Liên Xô đã biến Laika thành "biểu tượng trường tồn về sự hy sinh và thành tựu của con người".