Cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính thể hiện “sự bất lực”

Ngọc Thành/VOV.VN |

“Biện pháp cắt điện nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng khi xử phạt hành chính mà người ta không chấp hành”.

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.

Liên quan vấn đề này, Chính phủ cho biết có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” (dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật ủng hộ loại ý kiến thứ hai, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện VPHC.

Cắt điện, nước để cưỡng chế hành chính thể hiện “sự bất lực” - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An)

Bày tỏ ủng hộ quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) cho rằng, thực tế nhiều cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm mà chỉ sử dụng các biện pháp khác là chưa đủ.

“Lập biên bản cứ lập, làm cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, khi lực lượng đi họ lại làm, chưa kể có người nghĩ “phạt cho tồn tại”. Không lực lượng nào có thể làm hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước” – ông Lê Công Đỉnh nói.

Đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam) thì cho rằng, dù áp dụng để cưỡng chế hay ngăn chặn đều chưa thuyết phục và tính khả thi không cao, trái với nguyên tắc tự thoả thuận, tự nhận trách nhiệm trong luật dân sự giữa bên cung cấp dịch vụ điện, nước và bên sử dụng.

“Không nên hành chính hoá quan hệ dân sự này, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Thiếu nước có thể mua, thiếu điện có thể dùng máy phát.

Tại sao không ngừng cung cấp các dịch vụ viễn thông khi nó đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất kinh doanh, thậm chí làm tê liệt hệ thống?” – đại biểu Thế đặt vấn đề.

Nhấn mạnh khi cắt điện, nước có thể sẽ ảnh hưởng đến các chủ thể khác trong khu vực mà họ không có hành vi vi phạm, đại biểu đề nghị bỏ biện pháp này trong luật.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) thì cho rằng, việc bổ sung biện pháp ngưng cung cấp điện, nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng khi đối tượng bị xử phạt hành chính “chây ỳ” không thi hành.

“Đây là giải pháp thiếu tính nhân văn. Những người không liên quan đến hành vi vi phạm lại thành nạn nhân của việc cắt điện, nước.

Chúng ta làm luật nhưng phải tính đến cái đó, trời nóng 39-40 độ mà cắt điện khi mình không liên quan thì không nên tí nào” – ông Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ và cho rằng, nếu có giữ lại quy định thì cũng chỉ áp dụng cho lĩnh vực xây dựng chứ không đề cập đến sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) dẫn thống kê cho thấy luật hiện hành có đến 23 biện pháp cho phép Nhà nước áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

“Có đến 23 biện pháp mà giờ còn ngừng cung cấp điện, nước thì cơ quan công quyền quá yếu kém, bất lực, pháp luật không nghiêm. Bộ máy rộng lớn, được đào tạo bài bản và có nhiều biện pháp mà giờ còn thêm biện pháp này không đúng” – ông Nguyễn Hữu Cầu nói.

Vị Thiếu tướng Công an cũng lưu ý, biện pháp này nếu được bổ sung sẽ rất dễ bị lạm dụng vì dễ làm nhất và để lại hậu quả rất lớn.

Ví dụ một trại lợn ở Nghệ An với 4000 con mà bị cắt điện thì lợn sống thế nào? Nhà máy bia trong khu dân cư vi phạm và họ đang khắc phục mà cắt điện thì họ tồn tại ra sao?./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại