Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu chênh 700 triệu đồng/ngày: Cơ quan công an cần vào cuộc

Anh Trọng |

Với số tiền chênh lệch bị phát hiện lên đến 700 triệu đồng/ngày so với số liệu báo cáo của nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều ý kiến cho rằng, đang có lợi ích nhóm ở đây. Cần chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an làm rõ các cá nhân vi phạm, bao che.

Doanh thu tăng cao bất thường

Cùng với số liệu giám sát thu phí 10 ngày được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố có con số chênh lệch nói trên, tìm hiểu của PV Tiền Phong cho thấy, số liệu báo cáo thu phí những tháng gần đây của nhà đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cao một cách bất thường.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 3/2015 khi được các nhà đầu tư liên danh và cơ quan chức năng yêu cầu báo cáo số liệu doanh thu, Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã báo cáo trung bình mỗi ngày thu được 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bị nhà đầu tư liên danh là Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) phản ứng và báo chí lên tiếng (Tiền Phongđăng loạt bài "Nghịch lý các dự án BOT"), báo cáo doanh thu của nhà đầu tư tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã tăng cao một cách kỷ lục.

Riêng tháng 6/2016, báo cáo doanh thu thu phí của Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bỗng dưng tăng vọt lên gần gấp đôi 51 tỷ đồng, trung bình gần 2 tỷ đồng/ngày.

Nếu so với doanh thu tháng 2 (thời điểm nhà đầu tư báo cáo doanh thu các tháng cho các cơ quan có liên quan) là 35 tỷ đồng thì con số trên đã tăng 46%.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, đây là con số tăng không bình thường. Lý giải nhận định này, các chuyên gia cho rằng, doanh thu tăng cao nhất cho cả tháng tại các trạm thu phí trên cả nước hiện nay chỉ 10 đến 15%.

Riêng tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ một số tháng gần đây tăng đến 46% là quá vô lý, việc này thể hiện sự không bình thường trong báo cáo thu phí tại đây.

Trở lại câu chuyện doanh thu tính theo ngày là 1,9 tỷ đồng vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố, con số này cũng gần sát với con số hơn 1,6 tỷ đồng/ngày mà PV Tiền Phong đã đề cập trong loạt bài "Nghịch lý các dự án BOT" vừa qua sau đi khi khảo sát, đếm phương tiện độc lập trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Với số tiền 1,6 tỷ đồng thu được một ngày, theo tính toán, nhà đầu tư chỉ cần 11 năm 7 tháng là hoàn vốn dự án chứ không phải 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT với Bộ GTVT hiện nay.

Chiều qua lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, từ kết quả trên, Bộ đang giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại quá trình thu phí và có báo cáo cụ thể.

Phải làm rõ và xóa các lợi ích nhóm

Khi được đề cập doanh thu chênh lệch trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế - giao thông cho rằng, đang có sự gian lận trong việc thu phí tại tuyến đường trên.

Theo các chuyên gia, chưa cần nói đến các quy định của pháp luật, hợp đồng BOT ghi rất rõ: theo định kỳ hàng tháng, quý nhà đầu tư phải báo cáo doanh thu, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí kèm tài liệu chứng minh về Bộ GTVT.

Do vậy hoạt động thu phí tại tuyến đường trên được Bộ GTVT nắm rất rõ. Trường hợp nhà đầu tư không khai báo có nghĩa đã vi phạm hợp đồng, cơ quan quản lý có quyền xử lý nặng.

Nhưng thực tế cho thấy, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đang phải nhờ vào cơ quan Nhà nước để làm ăn lâu dài, không ai dại gì lại vi phạm hợp đồng.

Vậy nhưng, đến khi dư luận nhân dân, báo chí phản ứng với việc thu phí trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ GTVT mới yêu cầu báo cáo, thậm chí rầm rộ thành lập đoàn kiểm tra, giám sát.

Đề cập đến con số thu phí chênh lệch nhau, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên thành viên Ban nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Đang có nhóm lợi ích ở đây.

Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, công an nên vào cuộc để làm rõ việc trên.

Việc báo cáo doanh thu chênh lệch đến 700 triệu đồng một ngày và 21 tỷ đồng một tháng không phải là chuyện nhỏ.

Cùng với việc cơ quan Nhà nước thất thu thuế, số tiền chênh lệch nằm ngoài sổ sách kia khiến người dân phải gánh phí BOT kéo dài.

"Theo Luật Thuế, Hợp đồng BOT và Quy định xử phạt hành chính trên lĩnh vực gian lận thu chi… việc trên diễn ra gần 1 năm tại dự án đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đủ điều kiện để cơ quan công an vào cuộc", ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị.

Dự án nâng cấp đường BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Dự án được Bộ GTVT ký hợp đồng BOT với liên danh 3 Cty, gồm: Cty Cổ phần Đầu tư phát triển Minh Phát (góp vốn 65%); Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1 (góp vốn 18%); Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (góp vốn 17%).

Về sau liên danh này lập ra Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Tháng 10/2015, dự án thi công xong giai đoạn 1 và bắt đầu thu phí với 17 năm 3 tháng. Đến tháng 5/2016, do không đồng tình với báo cáo doanh thu 1,2 tỷ đồng/ngày của lãnh đạo nhà đầu tư, liên danh Cienco1 đã "tố" sự việc lên Bộ GTVT.

Có thể xử lý hành vi trốn thuế, nếu phát hiện gian dối

Theo luật sư Nguyễn Đình Dũng – Cty Luật Thiên Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), nếu phát hiện có sai phạm trong việc thu phí, Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tội trốn thuế, khai báo gian dối gây thiệt hại ngân sách nhà nước và cá nhân, tổ chức góp vốn cùng liên doanh.

Tuy nhiên, luật sư Dũng cũng lưu ý, việc điều tra, xác minh số liệu thu phí của Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ phải đảm bảo đúng quy trình, căn cứ pháp lý. "Việc chứng minh sai phạm không đơn giản và phải tuân theo các bước theo đúng quy định pháp luật" – ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, việc trước đó, Cienco 1 (một trong 3 nhà đầu tư dự án) cho rằng các báo cáo thu phí của Cty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ chưa hợp lý, cần kiểm tra lại để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi nhà đầu tư là yêu cầu chính đáng, đúng luật.

Ngoài ra, việc Cienco 1 hay các đơn vị góp vốn xây dựng nâng cấp tuyến đường muốn lắp đặt thiết bị, hệ thống giám sát lưu lượng trên tuyến thì phải được bàn bạc thống nhất trong Hội đồng quản trị liên doanh, vì đây là việc quản lý, giám sát trong nội bộ của liên doanh.

"Chỉ khi phát hiện dấu hiệu trốn thuế, khai man gây thất thoát, thất thu ngân sách Nhà nước thì các cơ quan nhà nước vào thanh kiểm tra. Còn việc Cienco 1 gắn camera nhưng bị che lấp, gây cản trở việc ghi hình chỉ là việc nội bộ của liên doanh" – luật sư Dũng nói.

Cũng theo luật sư Dũng, khi phát hiện có sự chênh lệch, gian dối, có dấu hiệu gian lận, trốn thuế, gây thiệt hại cho nhà nước và cho đơn vị góp vốn… các đơn vị, cá nhân liên quan có quyền kiến nghị thanh tra, điều tra, xử lý theo quy định.

Thanh Hà

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại