Cáo buộc Ukraine sử dụng "bom bẩn", Nga đang toan tính gì?

CẨM ANH |

Chiến sự tại Ukraine đang ngày một leo thang nguy hiểm khi Nga cáo buộc Ukraine sử dụng 'bom bẩn'.

Ông Medvedev thị sát nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh: TASS.

Ông Medvedev thị sát nhà máy Uralvagonzavod. Ảnh: TASS.

NATO bác cáo buộc của Nga rằng Ukraine sắp sử dụng "bom bẩn" trên chiến trường, cảnh báo Nga không lấy đó làm cớ leo thang xung đột.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace vấn đề này và nhấn mạnh NATO vẫn kiên định trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Kiev có chất phóng xạ tạo ra "bom bẩn". Đây là một loại vũ khí hạt nhân có công suất thấp nhằm phát tán chất phóng xạ trên khu vực rộng lớn.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzia vừa gửi một bức thư tới Tổng Thư lý Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cảnh báo nếu lực lượng Ukraine sử dụng “bom bẩn”, hoặc bom hạt nhân có hiệu năng thấp trong cuộc xung đột đang diễn ra, Nga sẽ coi đó là hành động “khủng bố hạt nhân”. Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn ngay trong ngày hôm nay để ngăn nguy cơ này xảy ra.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Moscow, và Ngoại trưởng Ukraine đã mời các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đến thăm Ukraine để cho thấy họ “không có gì phải che giấu”.

Các chuyên gia nhận định, khó có khả năng để Ukraine sử dụng "bom bẩn" có thể phát ra liều lượng bức xạ đủ cao “để gây ra những ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khỏe hoặc tử vong ở một số lượng lớn người” để tấn công quân đội Nga.

Theo ông Christopher Fettweis, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tulane, Mỹ cho biết, để chế tạo một quả "bom bẩn" có khả năng phát ra liều lượng bức xạ chết người, cần có một lượng lớn vật liệu bằng chì hoặc thép bao bọc bên ngoài để không giết chết những người chế tạo ra nó trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu và chế tạo bom bẩn có sức công phá mạnh sẽ khiến quả bom trở nên cồng kềnh và khó di chuyển hoặc triển khai. Do đó, trong trường hợp quân đội Ukraine chế tạo và sử dụng "bom bẩn", điều này sẽ nhanh chóng bị phát hiện.

Chính vì vậy, các chuyên gia lo ngại, Nga đang viện cớ Ukraine sử dụng "bom bẩn" để gia tăng căng thẳng trên chiến trường. Hiện nay, Nga đang tăng cường tốc độ sản xuất vũ khí và sẽ cải thiện đáng kể kho khí tài. Rất có thể, sắp tới quân đội Nga sẽ được tăng nguồn cung khí tài để thay đổi cục diện trong thời gian tới.

Về phía Ukraine, quân đội quốc gia này cũng đang tăng cường kêu gọi viện trợ từ phương Tây. "Ba hệ thống phòng không IRIS-T do Đức sản xuất sẽ được gửi tới Ukraine sớm nhất có thể, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.

Nếu Mỹ và châu Âu gửi gói vũ khí mới đến Ukraine trong thời gian sớm nhất, Ukraine có thể sẽ được trang bị tốt hơn so với Nga trong mùa đông này và đạt được nhiều bước tiến tích cực trước khi Nga kịp huy động nguồn viện trợ. Tuy nhiên, bất kỳ tiến bộ nào của Ukraine đều có thể bị chậm lại do điều kiện thời tiết và Nga có thể dễ dàng bảo vệ vùng lãnh thổ đã kiểm soát hơn.

“Bên nào chuẩn bị tốt hơn và sử dụng tình huống này để có lợi cho mình sẽ có thể đạt được tiến bộ”, ông Yury Bereza, chỉ huy tiểu đoàn Dnipro-1 của Vệ binh Quốc gia Ukraine, cho biết và nhận định cả hai bên sẽ đều gặp khó khăn khi nhiệt độ giảm vào mùa đông. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để chuẩn bị cho một quãng thời gian khó khăn sắp tới. Nhưng Nga có thể sẽ đối mặt với nhiều thử thách hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại