Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Tây Balkan ở Brussels, Bỉ, ngày 23/6/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, ngày 24/10, Diễn đàn kinh tế Đức - Ukraine đã được tổ chức tại Berlin. Tại diễn đàn, Thủ tướng Đức cùng Chủ tịch EC đã kêu gọi một chiến lược tái thiết Ukraine sau khi kết thúc xung đột, cho rằng đây là "nhiệm vụ mang tính thế hệ" và phải bắt đầu ngay từ bây giờ.
Thủ tướng Scholz và Chủ tịch EC Von der Leyen kêu gọi thực hiện sáng kiến được hai nhà lãnh đạo này mô tả là “Kế hoạch Marshall mới” để tái thiết Ukraine. Kế hoạch Marshall trước đây là sáng kiến của Mỹ nhằm giúp tái thiết các nền kinh tế Tây Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Theo số liệu thống kê của Viện kinh tế thế giới Kiel, trong vòng 8 tháng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu nổ ra từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 10/2022, EU cùng Mỹ và các quốc gia khác, trong đó có Anh và Canada, đã cam kết 92 tỷ USD (93 tỷ euro) viện trợ nhân đạo, vũ khí và cả các khoản vay cho Chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính giảm 30 - 35% trong năm nay, Ukraine đang chật vật khắc phục hậu quả của cuộc xung đột, chưa nói đến việc đáp ứng các cam kết nợ hoặc tái thiết đất nước.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB), EC và Chính phủ Ukraine ước tính tổng thiệt hại đối với nước này tính đến ngày 1/6 là hơn 252 tỷ USD, với nhu cầu tái thiết và phục hồi ước tính là 348,5 tỷ USD.