Cảnh báo đỏ của 'điểm tới hạn'

Phan An |

Thế giới sắp đến điểm "không thể quay đầu" khi nhiệt độ trên biển và lục địa liên tục ở những mức cao chưa từng thấy.

Cảnh báo đỏ của điểm tới hạn - Ảnh 1.

Khách du lịch che ô tránh nắng nóng tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/6/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Minh họa cho cảnh báo trên của các chuyên gia khí tượng là tình trạng thế giới trong tuần qua liên tiếp ghi nhận những “kỷ lục” về nhiệt độ, dù mùa Hè mới chỉ bắt đầu. Hai ngày nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,18 độ C vào ngày 4/7 và 17,01 độ C ngày 3/7, phản ánh mức tăng gần 1 độ C so với giai đoạn 1979-2000 và “xô đổ” mức nhiệt kỷ lục 16,92 độ C vào tháng 8/2016.

Trong khi đó, tháng 6 vừa qua cũng đã trở thành tháng 6 nóng nhất trong lịch sử nhân loại khi nhiệt độ trung bình trên toàn cầu cao hơn 0,5 độ C so với giai đoạn 1991-2020. Những kỷ lục không mong muốn này là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trái Đất đang nóng lên nhanh hơn dự báo.

Nhiệt độ đã đạt kỷ lục trong tháng 6 tại Vương quốc Anh và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, trong khi các đợt nắng nóng gay gắt đã tấn công nước Mỹ. Nhiều nơi ở khu vực Bắc Mỹ chứng kiến nền nhiệt cao hơn 10 độ C so với mức trung bình theo mùa trong tháng này. Khói từ các đám cháy rừng đã khiến toàn Canada và vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ bị bao phủ trong màn sương mù độc hại, với khí thải CO2 ước tính ở mức kỷ lục 160 m3.

Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với khí hậu, số ca tử vong có liên quan đến nhiệt độ cao đã tăng mạnh. Nắng nóng khắc nghiệt cũng xảy ra ở Tây Ban Nha, Mexico, Iran, miền Tây Australia..., làm dấy lên lo ngại mùa Hè chết chóc hồi năm ngoái có thể trở thành "chuyện bình thường". Ngay cả Nam Cực, hiện đang trong mùa Đông, cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, xấp xỉ 9 độ C.

Nhìn từ góc độ khoa học, các đợt nắng nóng cực đoan là những gì các nhà khoa học đã dự đoán từ lâu về một thế giới đang nóng lên do biến đổi khí hậu. Các hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất thường xuyên hơn. Tuy nhiên, mùa Hè năm nay trở nên đặc biệt oi bức và ngột ngạt hơn do xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino.

El Nino là kiểu khí hậu xảy ra trong tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của bề mặt đại dương ở vùng nhiệt đới trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương. El Nino xảy ra trung bình trong khoảng từ 2 đến 7 năm và thường kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Hiện tượng này có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn và hạn hán. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 4/7 cho biết El Nino đang bắt đầu xuất hiện trở lại, đồng thời khuyến nghị các chính phủ sẵn sàng ứng phó với các sự kiện thời tiết cực đoan do hiện tượng này gây ra.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết ở giai đoạn đầu, El Nino sẽ làm tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây ra nắng nóng cực đoan hơn ở Thái Bình Dương và nhiều nơi trên thế giới. Ông Taalas nhận định có 90% khả năng El Nino sẽ kéo dài trong nửa cuối năm nay với cường độ vừa phải. Đây sẽ là lần đầu tiên El Nino quay trở lại sau 7 năm kể từ tháng 8/2016 khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng kỷ lục.

Với biến đổi khí hậu kết hợp cùng El Nino, các nhà khoa học dự đoán thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến các kỷ lục về nhiệt độ trong mùa Hè năm nay và vượt mức trung bình lịch sử vào năm tới. Thậm chí, một số nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt quá 29 độ C, vượt ngưỡng giới hạn chịu đựng của con người, và khiến hơn 2 tỷ người - tương đương 20% dân số thế giới - phải đối mặt với nắng nóng nguy hiểm vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, dù vừa chứng kiến nhiều tháng nắng nóng cực điểm, các nước vẫn chưa đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu, khiến nhiều chuyên gia hoài nghi về mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong ngưỡng 1,5 độ C.

Quỹ Thiên nhiên thế giới (WFN) cảnh báo các cuộc đàm phán khí hậu ở Bonn (Đức) mới đây “thiếu xung lực một cách đáng lo ngại” khi mà chỉ đạt tiến bộ nhỏ trong những vấn đề chủ chốt như nhiên liệu hóa thạch và tài chính trước thềm Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt trung bình ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên WMO dự báo khả năng cao (66%) con số này sẽ vượt ngưỡng 1,5 độ C ít nhất trong cả một năm liền từ nay đến năm 2027.

Nhà khoa học khí hậu John Abraham tại Đại học St. Thomas ở Minnesota (Mỹ) cho rằng thế giới hành động chưa đủ để giảm thiểu khí nhà kính sau hàng thập niên đốt nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, ông Abraham cho rằng, dù không thể đảo ngược quá trình nóng lên toàn cầu, thế giới vẫn còn hy vọng để làm chậm quá trình này khi nhân loại đang chứng kiến “thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế xanh”. Ông khuyến nghị thúc đẩy các năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió thay thế than đá. Hiện nhiều nước cũng đang nỗ lực khuyến khích người dân và doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp ít khí thải hơn.

Tuy nhiên, có thể thấy, nỗ lực chuyển đổi xanh không hẳn thuận lợi khi mà các giải pháp thân thiện với môi trường đòi hỏi nhiều chi phí hơn so với các giải pháp truyền thống vốn tạo ra nhiều khí thải carbon. Để giải quyết vấn đề, nhà báo mảng tin tức về khí hậu Bill Weir của tờ CNN (Mỹ) cho rằng, bên cạnh các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các nước sẽ cần phải có các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cảnh báo đỏ của điểm tới hạn - Ảnh 3.

Trẻ em tránh nóng tại bể bơi ở Austin, Texas, Mỹ, ngày 27/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc thế giới liên tục lập “kỷ lục” về nắng nóng chỉ trong vòng vài ngày qua là cảnh báo đỏ rằng nhân loại sắp đến điểm không thể quay trở lại và không còn nhiều thời gian để hành động. Trong bối cảnh đó, hội nghị COP28 ở UAE vào tháng 11-12 tới được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề then chốt nhưng cũng hết sức khó khăn, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhằm đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Những tuyên bố, chính sách tại COP28 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò không nhỏ vào việc hình thành và định hướng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai. Bởi rõ ràng, chỉ có hành động và hành động khẩn cấp vì khí hậu mới có thể làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại