Khả năng sinh tồn của con người gần đạt đến mức giới hạn do nắng nóng khắc nghiệt ở châu Á

Vân Khánh |

Mưa lớn bao trùm miền bắc Ấn Độ vào cuối tuần qua đã làm dịu bầu không khí sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Tuy nhiên, với mức nhiệt dự kiến sẽ tăng cao, hàng triệu người ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất, trước tác động của khủng hoảng khí hậu.

Khả năng sinh tồn của con người gần đạt đến mức giới hạn do nắng nóng khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 1.

Người lao động dội nước để giải nhiệt gần một công trường xây dựng ở ngoại ô thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Thời tiết cực đoan

Theo kênh CNN, trận mưa như trút nước vào cuối tuần qua ở Uttar Pradesh đã mang lại bầu không khí mát mẻ hơn cho bang 220 triệu dân ở phía bắc Ấn Độ. Vào tuần trước, nhiệt độ ở một số khu vực này đã tăng vọt lên 47 độ C, khiến hàng trăm người gặp vấn đề về sức khoẻ do sốc nhiệt.

Hôm 26/6, nhiệt độ ở thành phố Lucknow đã giảm mạnh xuống còn khoảng 32 độ C. Thủ đô New Delhi cùng với các thành phố khác, cũng đón nhận cơn mưa đầu tiên trong mùa gió mùa năm nay. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin người dân di chuyển trên những con đường ngập nước.

Mưa ở Uttar Pradesh có thể sẽ tiếp tục trong tuần này, đem lại mức nhiệt mát mẻ hơn cho khu vực. Nhưng ở bang Bihar lân cận, nắng nóng liên tiếp đã kéo dài sang tuần thứ hai, buộc các trường học phải đóng cửa đến ngày 28/6.

Một quan chức y tế cấp cao cho biết trong những tuần gần đây, ít nhất 44 người đã thiệt mạng vì các bệnh liên quan đến nắng nóng trên toàn tiểu bang, nhưng con số này có thể cao hơn nhiều khi các giới chức đánh giá chính xác số lượng người tử vong vì sốc nhiệt.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ dự kiến sẽ giảm nhẹ trong những ngày tới. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài hơn trong tương lai, thử thách khả năng thích ứng của Ấn Độ.

Khả năng sinh tồn của con người gần đạt đến mức giới hạn do nắng nóng khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 2.

Cơn mưa nhỏ ở Noida, Ấn Độ hôm 25/6. Ảnh: CNN

Tiến sĩ Chandni Singh, Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Định cư Con người Ấn Độ, nói: “Ấn Độ đang viết nên lịch sử đối phó với nắng nóng. Sẽ có hàng triệu người bị ảnh hưởng”. Bà cho biết số người chết vì nắng nóng kỷ lục còn phụ thuộc vào mức độ chuẩn bị của các hệ thống y tế trong việc đối phó với hiện tượng thời tiết này.

“Nếu hệ thống y tế không hoạt động, không có đủ dịch vụ khẩn cấp, số ca ca tử vong sẽ tăng cao hơn. Chắc chắn là khả năng sinh tồn của con người sẽ đạt đến giới hạn vào giữa thế kỷ này”, bà nhận định.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực hứng chịu nắng nóng oi bức trong những tuần gần đây.

Theo cơ quan khí tượng, nhiệt độ ở phía đông bắc Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong những ngày tới, với nền nhiệt tăng trên 40 độ C ở một số thành phố.

Tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nhiệt độ đã tăng vọt lên 39 độ C vào tuần trước, trước khi cơn mưa cuối tuần phần nào mang đến không khí dễ chịu hơn cho khu vực.

Nắng nóng bất thường

Khả năng sinh tồn của con người gần đạt đến mức giới hạn do nắng nóng khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 3.

Người phụ nữ làm mát bằng quạt phun sươngbên ngoài một nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: CNN

Ấn Độ thường trải qua các đợt nắng nóng trong mùa hè vào tháng 5 và tháng 6, nhưng trong những năm gần đây, chúng đến sớm và kéo dài hơn.

Tháng 4 năm ngoái, Ấn Độ đã trải qua một đợt nắng nóng bất thường, khiến nhiệt độ ở thủ đô New Delhi vượt mức 40 độ C trong bảy ngày liên tiếp. Ở một số bang, nắng nóng đã buộc các trường học phải đóng cửa, phá hoại mùa màng và gây áp lực lên nguồn cung năng lượng, khi giới chức cảnh báo người dân nên ở trong nhà và lưu trữ đủ nước.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Ấn Độ là một trong những quốc gia dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu, có khả năng ảnh hưởng đến 1,4 tỷ dân trên toàn quốc. Các chuyên gia nhận định những tác động theo tầng của khủng hoảng khí hậu sẽ rất tàn khốc.

Nghiên cứu do Đại học Cambridge công bố hồi tháng 4 cho biết các đợt nắng nóng ở Ấn Độ đang đặt gánh nặng chưa từng có lên ngành nông nghiệp, nền kinh tế và hệ thống y tế công cộng, cản trở nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển của nước này.

“Các dự báo dài hạn chỉ ra rằng các đợt nắng nóng ở Ấn Độ có thể vượt qua giới hạn khả năng sinh tồn của một người khỏe mạnh vào năm 2050. Nắng nóng cũng sẽ tác động đến năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của khoảng 310 đến 480 triệu dân. Các ước tính cho thấy khả năng làm việc ngoài trời giảm 15% vào ban ngày do nhiệt độ vô cùng cao vào năm 2050”, nghiên cứu cho biết.

Theo Tiến sĩ Singh, quốc gia Nam Á này đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của nắng nóng, bao gồm thay đổi giờ làm việc cho người lao động làm việc ngoài trời và tăng cường trang bị kiến thức về nắng nóng cho người dân.

Nắng nóng kỷ lục cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, mức tiêu thụ năng lượng và hệ sinh thái của con người.

“Thông thường, trong một đợt nắng nóng, tình trạng khan hiếm nước và hạn hán sẽ xảy ra. Lưới điện cũng gặp sự cố. Những rủi ro này bắt đầu gây áp lực cho toàn bộ hệ thống. Năng suất cây trồng sẽ bị ảnh hưởng. Nắng nóngc cũng có những tác động rất lớn đến các loài động vật khác”, bà Singh nói và kêu gọi giới chức đưa ra các biện pháp hạ nhiệt khả thi.

Khả năng sinh tồn của con người gần đạt đến mức giới hạn do nắng nóng khắc nghiệt ở châu Á - Ảnh 4.

Người lao động Ấn Độ chật vật với nắng nóng. Ảnh: Reuters

Đợt nắng nóng ở phía bắc Ấn Độ xảy ra khi cơn mưa lớn trút xuống vùng đông bắc của đất nước. Những cơn mưa này kéo đến trước mùa gió ở bang Assam gây lở đất và lũ lụt nghiêm trọng.

Gần 500.000 người đã bị ảnh hưởng sau khi mưa lớn trút xuống khu vực, biến đường sá thành sông và nhấn chìm nhiều ngôi làng. Cơn mưa ở Assam kéo đến một tuần sau khi cơn bão nhiệt đới Biparjoy đổ bộ vào bờ biển phía tây của Ấn Độ, quật đổ cây cối và cột điện.

Ở nhiều nơi khác trong khu vực, thủ đô Islamabad củ Pakistan cũng vừa trải qua trận mưa lớn vào cuối tuần qua, giúp nền nhiệt giảm xuống đáng kể.

Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia cho biết mưa có thể gây ra lũ lụt ở các thành phố lớn, đồng thời khuyến cáo nông dân cần có biện pháp canh tác phù hợp và khuyến khích khách du lịch thận trọng.

Trong khi đó, một số thành phố Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục trải qua nắng nóng ởbao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Tuần trước, nhiệt độ của Bắc Kinh tăng vọt trên 41 độ C, lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất của thủ đô trong tháng 6.

Theo đài quan sát khí tượng của nước này, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông sẽ “tiếp tục bị nung nóng bởi nhiệt độ cao” trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại