Căng thẳng ở Kosovo: Tổng thống Serbia tuyên bố 'không đầu hàng', Nga lên tiếng

Minh Hạnh |

Còi báo động và chuông nhà thờ đã vang lên khắp miền Bắc Kosovo hôm 31/7, sau khi lãnh đạo chính quyền ly khai Albin Kurti thông báo bắt đầu cấm biển đăng ký xe và căn cước công dân của Serbia.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Sputnik

Cộng đồng người Serbia ở phía Bắc tỉnh ly khai Kosovo đã lập rào chắn trên đường để phản đối quyết định của chính quyền địa phương. Trong khi đó, cảnh sát đặc nhiệm mang vũ khí đã xuống đường kiểm soát 2 ngã tư nối với Serbia.

Chính quyền của ông Albin Kurti tuyên bố quyết định cấm biển số xe và giấy tờ tùy thân của Serbia được đưa ra nhằm lập lại “luật pháp và trật tự” trên toàn lãnh thổ tỉnh ly khai Kosova.

Quyết định này vấp phải chỉ trích từ cả cộng đồng người Serbia ở địa phương và chính quyền Serbia của Tổng thống Aleksandar Vucic.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho rằng quyết định này không hợp lý và mang tính phân biệt đối xử. Việc bắt buộc người dân phải thay thế giấy tờ cá nhân “là một bước nữa tiến tới việc trục xuất người Serbia ra khỏi Kosovo”.

Bà Zakharova cáo buộc ông Kurti “cố tình làm leo thang” để phát động một cuộc đàn áp vũ trang, không chỉ chống lại người Serbia ở Kosovo mà còn chống lại chính quyền Serbia, nơi mà phương Tây muốn “vô hiệu hóa”.

Người phát ngôn nhấn mạnh chính quyền khu vực ly khai Kosovo và những người ủng hộ ở châu Âu, Mỹ nên ngăn chặn các hành động khiêu khích và tôn trọng quyền của người Serbia ở Kosovo.

 Căng thẳng ở Kosovo: Tổng thống Serbia tuyên bố không đầu hàng, Nga lên tiếng  - Ảnh 1.

Bản đồ Serbia. Ảnh: BBC


Trước đó cùng ngày, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết đất nước của ông “chưa bao giờ ở trong một tình huống phức tạp và khó khăn như hiện nay”. Ông Vucic cáo buộc chính quyền khu vực ly khai cố gắng tận dụng tình hình hiện tại trên thế giới để khơi mào xung đột trong khi tự coi mình là nạn nhân. Ông tuyên bố người Serbia “sẽ không phải chịu bất kỳ hành động bất công nào nữa”, và thề “sẽ giành chiến thắng nếu chính quyền Kosovo bắt bớ, sách nhiễu và giết hại người Serbia".

Bộ Quốc phòng Serbia cũng khẳng định chưa có binh sĩ Serbia nào vượt qua ranh giới hành chính để tiến vào Kosovo. Trong khi đó, KFOR – quân đội Kosovo do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu đã được triển khai ở Kosovo để ngăn chặn các cuộc đụng độ.

Tối 31/7, giới chức Kosovo thông báo sẽ hoãn việc thực hiện lệnh cấm biển số xe và giấy tờ tùy thân của Serbia cho đến ngày 1/9.

Đại sứ Mỹ tại Kosovo - Jeffrey Hovenier được cho là đã thúc giục chính quyền địa phương làm việc này. Việc hoãn áp dụng lệnh cấm là “biện pháp cần thiết do thông tin sai lệch và hiểu lầm về bản chất của nó”, Đại sứ Jeffrey Hovenier nói, đồng thời cho biết Mỹ chỉ yêu cầu hoãn thực hiện chứ không hủy bỏ.

Theo đài truyền hình địa phương, nhà lãnh đạo Albin Kurti đã đồng ý hoãn áp dụng lệnh cấm với điều kiện người Serbia ở Bắc Kosovo phải dỡ bỏ những rào chắn trên đường.

Cùng lúc đó, Tổng thống Vucic có cuộc hội đàm với lãnh đạo KFOR từ trụ sở của Bộ Tổng tham mưu Serbia. Sau khi rời cuộc họp lúc nửa đêm Chủ nhật, Tổng thống nói với các phóng viên rằng ông lạc quan về một giải pháp hòa bình.

“Tôi hy vọng tình hình sẽ giảm leo thang vào ngày mai, và chúng ta sẽ tìm được giải pháp trong vài ngày tới. Trong những tuần và tháng tới, chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc chiến cam go nhất từ trước đến nay, vì vậy tôi cảm ơn mọi người đã kiềm chế, nhất là những người Serbia ở Kosovo”, ông Vucic nói. "Sẽ không có sự đầu hàng, và Serbia sẽ giành chiến thắng."

Kosovo bị NATO kiểm soát vào năm 1999, sau sau cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Nam Tư. Chính phủ của cộng đồng người Albania thiểu số ở Pristina (Kosovo) tuyên bố độc lập vào năm 2008, với sự hậu thuẫn của Mỹ, nhưng chưa được Serbia, Nga, Trung Quốc hay Liên Hợp Quốc công nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại