Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Từ 24-28/7/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm bốn nước châu Phi gồm Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Congo nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Phi trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây đang áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện và tìm mọi cách cô lập Nga Moscow sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
Ông không chỉ được lãnh đạo cao nhất của bốn quốc gia tiếp đón nồng nhiệt mà còn có các cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập (AL) và Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU). Ngoại trưởng S. Lavrov đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác Nga - châu Phi, một loạt các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nga đến châu Phi kể từ năm 2018, khi ông thăm Angola, Namibia, Mozambique, Ethiopia và Zimbabwe và cũng là chuyến thăm khu vực đầu tiên kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine tháng 2/2022 nhằm tăng cường quan hệ của Nga với các nước Ả Rập và châu Phi.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry. Ảnh: Reuters
Bối cảnh chuyến thăm
Trước đây, Liên Xô có mối quan hệ tốt đẹp với châu Phi. Ngay từ những năm 1950, Liên Xô đã ủng hộ mạnh mẽ các phong trào giải phóng dân tộc trên khắp lục địa chống lại ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, Liên Xô đã đi đầu trong việc bảo vệ quyền tự quyết của các dân tộc Phi. Vào thời điểm đó, trong bối cảnh chiến tranh lạnh và hệ tư tưởng cộng sản, Moscow đã đổ một số tiền khổng lồ giúp các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa để tăng cường ảnh hưởng của mình tại châu Phi.
Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, trong thời kỳ đầu hậu Xô Viết, châu Phi không còn nằm trong khu vực được ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị ở Sochi năm 2019
Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga V. Putin đã tìm cách khôi phục lại quan hệ với châu Phi. Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nga là quay trở lại châu Phi. Tháng 10/2019, hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên dưới khẩu hiệu "Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển" đã được tổ chức tại Sochi, với sự tham dự của đại diện của tất cả 54 nước lục địa đen, trong đó có 43 nguyên thủ quốc gia và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác là một bước ngoặt trong chính sách châu Phi của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi năm 2019 đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển và nâng các mối quan hệ giữa Nga và các nước châu Phi lên một tầm cao mới về chất. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cuối cùng cấp nguyên thủ quốc gia, bày tỏ quyết tâm phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác Nga- châu Phi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và nhân đạo. Một biên bản ghi nhớ về những vấn đề cơ bản trong quan hệ và hợp tác giữa Chính phủ Liên bang Nga và Liên minh châu Phi (AU) đã được ký kết. Một kế hoạch hành động bổ sung về hợp tác giữa Nga và AU cho giai đoạn đến năm 2025 đang được soạn thảo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ngày 21/7/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh số 485 về việc chuẩn bị và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai tại Liên bang Nga vào giữa năm 2023.
Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, hầu hết các quốc gia châu Phi đều giữ quan điểm trung lập, bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc có lợi cho Nga. Bất chấp sức ép chưa từng có của Mỹ và phương Tây, không có nước châu Phi nào tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga. Trong nhiều vấn đề, lập trường của Nga và hầu hết các nước châu Phi đều giống nhau. Việc Liên Xô trước đây và Nga ngày nay luôn luôn đứng về phía các dân tộc châu Phi trong cuộc đấu tranh phi thực dân hóa và giải phóng khỏi ách thuộc địa là cơ sở vững chắc cho mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước châu Phi và Nga.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực của Nga, các nước châu Phi đang phải vật lộn với giá lương thực và phân bón tăng cao. Các nước phương Tây tố cáo Nga bỏ đói châu Phi. Nhiều nước châu Phi đứng trước nguy cơ thiếu lương thực rất cần Nga là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới đảm bảo an ninh lương thực cho họ.
Tiềm năng hợp tác với châu Phi
Tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư với các nước châu Phi rất lớn. Các doanh nghiệp lớn của Nga coi châu Phi là một mục tiêu đầu tư đầy hứa hẹn. Mối quan tâm lớn nhất là năng lượng, khai thác mỏ, nông nghiệp, sản xuất, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.
Châu Phi gồm 54 quốc gia, diện tích khoảng 30.221.532 km2, chiếm 20,4% diện tích trái đất, dân số 1,4 tỷ người chiếm 17% dân số thế giới, tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Moscow cho đây là một trong những thị trường khổng lồ hứa hẹn nhất trên thế giới tiêu thụ hàng hóa của Nga.
Châu Phi là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của lục địa này từ năm 2010 - 2019 đã tăng gấp rưỡi, đạt 2,4 nghìn tỷ USD. Các nhà kinh tế dự báo rằng, trong mười năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới như một điểm đến để tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ có nhu cầu cơ bản.
Trong thời gian 2010-2019, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các nước châu Phi lên tới 7,4 nghìn tỷ USD. Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Côte d'Ivoire, Tazania và Mozambique là 5 thị trường có kim ngạch nhập khẩu hơn 100 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ một năm.
Châu Phi là thị trường rất quan trọng đối với nhiều loại sản phẩm hàng hóa do Nga sản xuất. Nga quan tâm đến việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho châu Phi gồm năng lượng, ngũ cốc, lương thực, vũ khí, phần mềm, thuốc men và thiết bị y tế, giáo dục, an ninh và các dịch vụ khác. Năm 2020, Nga xuất khẩu 37% ngũ cốc của mình, một phần đáng kể dầu thực vật, xe có động cơ, thiết bị quang học và các sản phẩm in ấn sang châu Phi.
Ảnh: AFP
Châu Phi còn là một kho dự trữ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ với trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện lên tới 124 tỷ thùng, chiếm khoảng 12% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, chưa kể 100 tỷ thùng trên thềm lục địa đang thăm dò. Trữ lượng khí đốt của châu Phi lên tới khoảng 500 ngàn tỷ mét khối, chiếm 10% tổng trữ lượng khí đốt trên toàn cầu và sản lượng chiếm 6,5% sản lượng thế giới.
Châu Phi còn có trữ lượng lớn uranium, chiếm 1/3 tổng trữ lượng của nguyên tố này trên thế giới, nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp hạt nhân.
Trữ lượng vàng của châu Phi chiếm khoảng 50% tổng trữ lượng thế giới. Năm 2020, châu Phi sản xuất 931 tấn, chiếm 26,8% sản lượng vàng toàn cầu. Nước sản xuất vàng lớn nhất là Nam Phi, sau đó là Algeria, Libya, Ai Cập, Morocco, Nigeria, Mauritius, Ghana, Guinea, Mali và Tanzania...
Châu Phi đứng đầu thị trường kim cương toàn cầu, sản xuất 40% tổng số kim cương trên toàn thế giới. Châu Phi còn sản xuất 80% bạch kim, 27% coban, 9% sắt của thế giới.
Lục địa châu Phi có khí hậu nhiệt đới đa dạng, đất đai phì nhiêu và nguồn nước dồi dào, tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp. Gần hai phần ba dân số châu Phi làm nghề nông, đóng góp khoảng 20-60% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của mỗi nước.
Kết quả chuyến thăm
Chuyến thăm của Ngoại trưởng S. Lavrov đạt kết quả hết sức tích cực. Các nước châu Phi đều coi Nga là nước bạn bè đáng tin cậy, đồng thời khẳng định nguyện vọng tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với Moscow. Đặc biệt, Nga cam kết trong mọi tình huống đảm bảo cung cấp lương thực và phân bón là hai mặt hàng chiến lược hiện nay cho châu Phi. Nga và các nước châu Phi cũng đang thảo luận khả năng giảm tỷ trọng của đồng USD và đồng euro trong thương mại trong thanh toán giũa hai bên..
Ai Cập
Điểm dừng chân đầu tiên của Ngoại trưởng S. Lavrov trong chuyến công du châu Phi là Cairo. Ông đã có các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sameh Shoukry và được Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi tiếp. Nhiều vấn đề quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được thảo luận.
Ai Cập là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở châu Phi. Cuối năm 2021, kim ngạch thương mại giữa các nước lên tới 4,8 tỷ USD. Đầu tư của Nga tại Ai Cập lên tới 8 tỷ USD với 470 công ty đang hoạt động tại thị trường Ai Cập. Năm 2022, Ai Cập đã tham gia Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg. Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi đã phát biểu tại phiên họp toàn thể thông qua liên kết video đề cập đến việc thực hiện các dự án đầy tham vọng, trong đó có khu công nghiệp chung và nhà máy điện hạt nhân Ed-Dabaa bên bờ Địa Trung Hải. Đây là dự án hợp tác lớn nhất giữa Ai Cập và Nga kể từ khi nhà máy thủy điện Aswan được hoàn thành năm 1970. Trước chuyến thăm Cairo của S. Lavrov, một lễ khởi công xây dựng nhà máy này đã được tổ chức với sự tham gia của Tổng giám đốc Rosatom Alexei Likhachev và Bộ trưởng Bộ Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Mohammed Shaker.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.
Ai Cập nhập khẩu một nửa nhu cầu lúa mỳ của mình, từ 11-13 triệu tấn hàng năm, là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lúa mì chính sang Ai Cập, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng làm Ai Cập rất lo ngại. Nga khẳng định tiếp tục cung cấp ngũ cốc cho Ai Cập.
Ai Cập cũng là một trong ba nước nhập khẩu vũ khí Nga lớn nhất. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nước cung cấp vũ khí chính cho Ai Cập với 41% nhu cầu nhập khẩu vũ khí của nước này. Các diễn biến tình hình tại Libya, Syria và vấn đề Palestine cũng đã được bàn thảo, quan điểm của hai bên hoàn toàn trùng hợp với nhau.
Ethiopia
Nga đang tận dụng cơ hội mở rộng quan hệ với Ethiopia sau khi quan hệ giữa Addis Ababa và phương Tây trở nên xấu đi trong cuộc xung đột ở khu vực phía Bắc Tigray. Năm 2020, Liên minh Châu Âu (EU) quyết định ngừng hỗ trợ ngân sách, Mỹ đình chỉ hiệp định thương mại cho phép Ethiopia được hưởng quy chế tối huệ quốc. Là quốc gia đông dân thứ hai của Châu Phi với 118 triệu người đang tiến hành cải cách, tự do hóa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của mình, Ethiopia cho rằng Nga có thể là nước bạn bè có thể giúp họ trong vấn đề này.
Ngoại trưởng S. Lavrov đã được Tổng thống Sahle Work Zewde, Thủ tướng Abiy Ahmed tiếp và hội đàm với Ngoại trưởng Demeke Mekonnen. Tại các cuộc gặp gỡ này, hai ben đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường và phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Các cuộc hội đàm đã xem xét các khả năng hợp tác Nga-Ethiopia trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông, sản xuất nông nghiệp và khai khoáng.
Uganda
Ông S. Lavrov đã được Tổng thống Yoweri Museveni tiếp và chuyển cho ông một thông điệp của Tổng thống V. Putin. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng đã hội đàm với Ngoại trưởng J. Odongo.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Yoweri Museveni
Mối quan hệ giữa Uganda giàu dầu mỏ và phương Tây cũng trở nên căng thẳng do các cáo buộc vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh Uganda, cũng như bạo lực trong bầu cử và tham nhũng tràn lan. Nga đang cố gắng tận dụng tình hình này làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Uganda để có thêm đồng minh trên lục địa Châu Phi.
Trong buổi tiếp S. Lavrov, Tổng thống Yoweri Museveni nói: "Châu Phi không thể quay lưng lại với người Nga. Người đã ở bên chúng tôi trong hơn 100 năm qua, làm sao chúng tôi có thể chống lại họ? Chúng tôi sẽ hợp tác với Nga như với Liên Xô trước đây trong lĩnh vực an ninh và mở rộng phạm vi hợp tác ". S. Lavrov khẳng định với Tổng thống Y. Museveni cam kết vô điều kiện của Nga trong việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cực kỳ quan trọng cho các quốc gia châu Phi, tránh phụ thuộc vào phương Tây.
Hai bên thỏa thuận hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác. Nga và Uganda đồng ý thành lập ở Uganda một phòng thí nghiệm chung chống lại dịch bệnh với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga.
Hai bên thỏa thuận sẽ giải quyết tất cả những vấn đề hợp tác giữa hai nước tại cuộc họp sắp tới của Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và thương mại, dự kiến vào tháng 10/2022 tại Moscow.
Congo
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nga / Liên Xô tới Cộng hòa Congo. Ông S. Lavrov đã được Tổng thống D. Sassou Nguesso tiếp và hội đàm với Ngoại trưởng Jean-Claude Gacosso. Tại cuộc họp báo chung sau kết thúc chuyến thăm, ông Jean-Claude Gacosso gọi chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov là chuyến thăm lịch sư và là một sự kiện to lớn. Ông nói: "Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện rất lớn, lần đầu tiên chúng tôi thấy một ngoại trưởng Nga ở Congo. Nga có thể tin rằng Nga có những người bạn tốt ở Congo, bởi vì Nga đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc đào tạo cán bộ và trong nhiều lĩnh vực khác. Cảm ơn các bạn rất nhiều."
Ngoại trưởng Nga và Tổng thống Congo
Hai bên khẳng định nguyện vọng làm sâu sắc hơn đối thoại chính trị và hợp tác trong các vấn đề quốc tế, cung như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và giáo dục đào tạo.
Sau hội đàm với người đồng cấp Jean-Claude Gakosso, Ngoại trưởng S. Lavrov tuyên bố, không có trở ngại nào đối với việc xuất khẩu ngũ cốc từ cảng Odessa.
Chuyến thăm các nước châu Phi không chỉ nhằm phá vỡ thế bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, mà còn nhằm khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp gắn bó giữa những người bạn châu Phi và Liên bang Xô Viết trước đây. Chuyến công du này cũng nằm trong chính sách hướng đông của Moscow trước sức ép của Mỹ và phương Tây.
Bình luận về kết quả chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng S. Lavrov, tờ Financial Times của Anh viết: Kết quả chuyến thăm các nước châu Phi của Ngoại trưởng Nga S. Lavrov chứng tỏ phương Tây không thể cô lập nước Nga. Các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Công cho thấy, người đứng đầu nền ngoại giao Nga vẫn là một vị khách được chào đón ở các nước châu Phi. Trong khi phương Tây tìm cách cô lập Moscow, sự tiếp đón mà ông S. Lavrov nhận được trong chuyến di cho thấy sức mạnh ảnh hưởng của Điện Kremlin ở lục địa đen.
(*) Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.