Lô vắc-xin AstraZeneca được chuyển đến sân bay quốc tế Benito Juarez tại thủ đô Mexico City – Mexi-co ngày 27-5 theo cơ chế COVAX .Ảnh: REUTERS
Tổng thống Joe Biden hôm 11-6 thông báo tặng 500 triệu liều vắc-xin của Pfizer cho các nước trên thế giới, chưa kể 80 triệu liều đã được cam kết trước đó. Vài giờ sau thông báo của ông Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố tặng ít nhất 100 triệu liều còn dư cho các quốc gia nghèo nhất, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết cung cấp 1 tỉ liều vắc-xin để đạt mục tiêu tiêm chủng toàn thế giới vào cuối năm 2022.
Sau 18 tháng vắng bóng, Mỹ trở lại đường đua chống Covid-19 ở tầm quốc tế đúng vào lúc các biến thể virus hoành hành và nhu cầu vắc-xin tăng vọt. Thực ra, đẩy mạnh vai trò phân phối vắc-xin vốn đã là chủ ý của Mỹ ngay từ khi Tổng thống Biden lên nhậm chức, với sự hỗ trợ của nhóm "Bộ Tứ" (Quad) tại châu Á. Sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3, các nguyên thủ của "Bộ Tứ", gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, đã nhất trí tăng cường sản xuất vắc-xin, trong đó Mỹ, Nhật và Úc góp vốn cho Ấn Độ - nhà sản xuất vắc-xin số một thế giới - để cung cấp cho châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á, vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 mới đây đã trói chân Ấn Độ, khiến nước này đóng băng hoạt động xuất khẩu vắc-xin. Theo báo South China Morning Post, Viện Huyết thanh Ấn Độ không thể đáp ứng cam kết sản xuất vắc-xin Oxford-AstraZeneca cho COVAX, cơ chế hỗ trợ nước nghèo tiếp cận vắc-xin Covid-19 của Liên Hiệp Quốc. Tính đến nay, COVAX mới chuyển được 68 triệu liều cho các nước đang phát triển, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2 tỉ liều của năm nay. Trong khi đó, Nhật Bản và Úc cũng không giúp được gì vì còn phải tập trung cho chiến lược tiêm chủng trong nước.
Tình thế này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tạm thời dẫn trước trên đường đua ngoại giao vắc-xin. Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đến nay đã cung cấp 350 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng quốc tế, đồng thời cam kết thêm 440 triệu liều nữa.
Với sự tăng tốc của Mỹ, cuộc chiến ngoại giao vắc-xin có thể phân chia các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc nhanh tay hơn song chất lượng vắc-xin của nước này còn gây nhiều nghi ngại, đồng thời có nghi vấn Bắc Kinh dùng vắc-xin để tăng cường ảnh hưởng. Ấn Độ cũng vấp phải chỉ trích này. Ngoài ra, Trung Quốc thường chọn cách thỏa thuận song phương để tối ưu hóa quyền lợi mềm đạt được trong khi Mỹ quyết định chuyển phần lớn vắc-xin qua COVAX - dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng quay lại hệ thống y tế toàn cầu sau nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, bất kể mục đích và cách phân phối của Mỹ - Trung là gì, việc 2 cường quốc cùng đẩy mạnh cung cấp vắc-xin Covid-19 chỉ có lợi cho thế giới. Đơn cử trường hợp Thái Lan, nước này là một trong 6 nước Đông Nam Á cùng với 10 quốc gia châu Á khác được nhận khoảng 7 triệu liều vắc-xin đợt đầu của Mỹ. Song song đó, để đối phó làn sóng bùng phát đang gia tăng, Thái Lan nhanh chóng được Trung Quốc chuyển tới 1 triệu liều Sinovac trong những tuần qua và sẽ thêm 1 triệu liều Sinopharm cập bến nữa. Cả 2 loại vắc-xin trên đều đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp.