Cận vệ của S-400 bị đánh tan nát ở Syria
Kể từ tháng 5/2018 tới nay, trong các đợt tấn công vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Syria, ngoài các đơn vị thân Iran, Không quân Israel còn nhanh tay "vồ đẹp", hủy diệt không thương tiếc ít nhất 2 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 (có nguồn nói là tới 3 tổ hợp) của lực lượng phòng không Syria.
Việc Israel tiêu diệt Pantsir-S1 là tất yếu bởi theo Nhà nước Do Thái, bất cứ lực lượng nào dám tấn công vào các phương tiện và vũ khí của họ đều sẽ bị đáp trả. Nhưng có 2 điều đặc biệt nguy hiểm hơn thế, đó là:
Thứ nhất, các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria quá dễ bị tiêu diệt bởi những vũ khí độc đáo của Israel là máy bay không người lái cảm tử Harop mà không thể phản kháng, phơi mình chịu trận để bị đánh cho tan nát.
Qua những trận đối đầu khốc liệt, Pantsir-S1 đã bộc lộ những điểm yếu chí tử đó là bó tay trước các loại mục tiêu bay cỡ nhỏ kiểu như UAV Harop.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên thông báo phòng không Nga với chủ công là các tổ hợp Pantsir-S1 đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của các loại UAV tự chế có kích thước rất nhỏ mà phiến quân sử dụng để tấn công vào các đầu não của Lực lượng viễn chinh quân sự Nga ở Syria là căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus.
Pantsir-S1 của Syria quá dễ bị tiêu diệt.
Phải chăng có điều gì đó mâu thuẫn giữa tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga về việc Pantsir-S1 là "sát thủ của các mục tiêu bay cỡ nhỏ", là sản phẩm đỉnh cao của nền công nghiệp quốc phòng Nga với kết quả thực chiến.
Rõ ràng "không có lửa thì làm sao có khói"? Đặc biệt là khi chuyên gia quân sự Nga Đại tá Viktor Murakhovsky - Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva đã công bố thông tin chấn động về hiệu suất tác chiến tồi tệ của các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 được triển khai tại Syria.
Theo đó, hiệu suất tác chiến của Pantsir-S1 Nga ở Syria chỉ đạt 19%, do chúng không nhìn thấy các mục tiêu bay chậm ở độ cao thấp như UAV, radar của nó thậm chí còn nhầm lẫn chim biển cỡ lớn với máy bay, gây rối loạn cho kíp điều khiển.
Thứ hai, Pantsir-S1 chính là cận vệ của tên lửa S-400 Nga đang triển khai không chỉ ở Syria mà còn ở ngay chính quốc, khiến Moscow hết sức lo lắng bởi lẽ Israel đủ sức cả về vũ khí lẫn chiến thuật khôn ngoan để săn diệt những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Triumf đang bán chạy nhất thế giới.
Một khi cận vệ Pantsir-S1 còn bị đánh cho tan tác thì liệu S-400 Nga có trụ vững trước những đòn tấn công chí tử, rất chính xác của các vũ khí có điều khiển, rất tinh khôn của Israel trong tình huống nổ ra xung đột quy mô lớn ở Syria? Không bình luận nhiều về vấn đề này, Nga đã âm thầm nhưng rất nhanh chóng bổ sung lực lượng tới Syria.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2U Nga ở Syria.
Tor-M2U mới là cận vệ cho tên lửa S-400 Nga ở Syria?
Dường như hiệu suất chiến đấu kém cỏi của các tổ hợp Pantsir-S1 ở Syria đã được người Nga phát hiện ra từ lâu, ngay từ đầu năm 2018 khi phiến quân bắt đầu sử dụng máy bay không người lái mang vũ khí tự chế tấn công các căn cứ đầu não của Nga ở Syria.
Chính vì thế, từ tháng 4/2018 họ đã phải gấp rút tăng cường lực lượng mới tới Syria vừa để bảo vệ các căn cứ đầu não, vừa làm cận vệ cho S-400. Đó chính là các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2U.
Nay, kết quả chiến đấu tồi tệ của Pantsir-S1 trong tay phòng không Syria khi bị Israel tiêu diệt dễ dàng "càng làm sâu sắc thêm" những thông tin gây sốc mà Đại tá Viktor Murakhovsky tiết lộ hồi tháng 11/2018.
Thông tin bóc mẽ bởi chính "người nhà" quả thực đã khiến giới quân sự quốc tế chấn động. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 tới tháng 10/2018, Tor-M2U đã bắn rơi tổng cộng 80 mục tiêu với khoảng 100 tên lửa sử dụng, cùng thời gian đó Pantsir-S1 chỉ đạt hiệu quả 19%.
Pantsir-S1 của Nga triển khai ở Syria
Thống kê (chưa được BQP Nga xác nhận), trong ngày 1/7/2018, Tor-M2U bắn rơi 4 UAV ở độ cao 3 km bằng 5 đạn tên lửa, còn Pantsir bắn rơi 3 máy bay nhưng lại sử dụng tới 13 tên lửa.
Còn trong 1 tuần tiếp theo, Tor-M2U bắn rơi thêm 7 UAV bằng 9 tên lửa, còn Pantsir-S1 chẳng hạ được chiếc nào. Trong nửa cuối tháng 7/2018, Tor-M2U tiếp tục tiêu diệt 7 UAV với 9 tên lửa, trong tháng 8/2018 là 8 UAV với 9 tên lửa.
Không những thế, khi Ấn Độ ký hợp đồng đặt mua 2 tổ hợp S-400 Triumf từ Nga, họ cũng đã tính tới việc học tập cách bố trí đội hình của phòng không Nga khi dự định trang bị kèm với tên lửa phòng không tầm xa thêm một hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm thấp để làm cận vệ.
Tên lửa S-400 Nga có tới 2 cận vệ "cứng" ở Syria.
Tuy nhiên, thật bất ngờ khi tháng 12/2018, tức là sau khi Đại tá Viktor Murakhovsky công bố kết quả tệ hại của Pantsir-S1 ở Syria, New Delhi bất ngờ quay ngoắt lại với vũ khí Nga để lựa chọn tổ hợp Hybrid Biho (Flying Tiger) do Hàn Quốc sản xuất.
Đây rõ ràng là một cú sốc với ngành chế tạo vũ khí Nga. Chưa rõ có phải những thông tin bất lợi của Pantsir-S1 đã tác động mạnh tới quyết định của Ấn Độ hay không?
Từ kết quả thực chiến của các tổ hợp Pantsir-S1 trong tay phòng không Syria lẫn trong tay phòng không Nga cho thấy điều Moscow lo lắng là có thật và việc Tor-M2U có mặt tại Syria là tất yếu không thể đảo ngược.
Như vậy, ở Syria hiện nay, cận vệ không thể thay thế của S-400 là Tor-M2U chứ không phải chỉ là Pantsir-S1.