Một trang trại điện gió và điện mặt trời ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng nhất định khí carbon dioxide (CO2) hoặc các khí nhà kính khác. Các công ty gây ô nhiễm được trao tín chỉ cho phép họ thải một lượng khí thải nhất định. Giới hạn đó giảm dần theo định kỳ. Trong khi đó, công ty cũng có thể bán bất kỳ khoản tín chỉ không cần thiết nào cho một công ty khác có nhu cầu tạo thành thị trường tín chỉ carbon.
Nhóm chuyên gia từ hơn 250 tổ chức, doanh nghiệp lớn và ngân hàng đã đề xuất một tiêu chuẩn quốc tế cho các khoản tín chỉ carbon đáng tin cậy.
Nguyên nhân là chất lượng của các tín chỉ carbon hiện nay trên thị trường lại được đăng ký và kiểm toán từ một loạt các nhóm tư nhân không đủ trình độ thẩm định. Ông Pedro Martins Barata, Giám đốc cấp cao của Cơ quan Khí hậu Mỹ, cho rằng, thị trường tín chỉ carbon đang bùng nổ nhưng không có hành lang pháp lý đủ mạnh.
Theo nhóm nghiên cứu Ecosystem Marketplace, thị trường tín chỉ carbon đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD vào năm 2021, tăng hơn ba lần so với 310 triệu USD năm 2020 và tài trợ cho việc giảm gần 300 triệu tấn CO2.
Theo báo cáo gần đây của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, thị trường tín chỉ carbon có thể đạt giá trị 50 tỷ USD vào năm 2030. Các công ty và chính phủ trên khắp thế giới đã đặt ra mục tiêu để giảm lượng khí thải CO2 xuống bằng 0 trong những thập kỷ tới và các khoản tín chỉ có thể rất quan trọng đối với nhiều tổ chức để đạt được mục tiêu đó.
Nhưng một số khoản tín chỉ đã được cho là phóng đại khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ví dụ, một cuộc điều tra của báo Nikkei Asia đã phát hiện ra một dự án bảo tồn rừng ở Indonesia cấp các khoản tín chỉ tương đương gấp 3 lần lượng CO2 mà nó có khả năng hấp thụ. Một cuộc điều tra khác của Nikkei cho thấy, một dự án rừng ở Belize (quốc gia Trung Mỹ) phát hành các khoản tín chỉ "ma" về cắt giảm CO2 trong khu vực.
Hội đồng liêm chính thị trường carbon tự nguyện được thành lập vào tháng 9-2021 và đang tham khảo ý kiến về một loạt các đề xuất chuẩn bị ban hành vào cuối năm nay, bao gồm cả việc ghi nhãn các khoản tín chỉ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nỗ lực bắt đầu theo lệnh của 250 tổ chức, bao gồm Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi, Ngân hàng Phát triển châu Á, các tổ chức cấp tín chỉ carbon như Công ty South Pole của Thụy Sĩ và các tổ chức đăng ký tín chỉ carbon như Verra và Gold Standard...
Hội đồng đã công bố dự thảo Nguyên tắc carbon cốt lõi (CCPs), một bộ tiêu chí được thiết kế để đảm bảo các khoản tín chỉ carbon "có tác động thực tế, có thể kiểm chứng" dựa trên cơ sở khoa học vững chắc.
Để tín chỉ carbon được coi là tính toàn vẹn cao, hội đồng nói trên đề xuất rằng tất cả hoạt động cắt giảm hoặc loại bỏ carbon tự nguyện được các tổ chức mua thông qua tín chỉ carbon chỉ được tính một lần vào mục tiêu cắt giảm khí thải. Hơn nữa, tất cả chương trình tín chỉ carbon phải chịu sự thẩm định và xác minh của một bên độc lập có chuyên môn cao dựa trên các phương pháp tiếp cận thận trọng, đầy đủ và phương pháp khoa học hợp lý.
Các chuyên gia hy vọng rằng thị trường tín chỉ carbon đang phát triển nhanh chóng nếu được kiểm soát tốt sẽ phục vụ mục đích kép là vừa cắt giảm khí thải chính xác vừa chuyển nguồn lực đầu tư vào khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phục hồi nhanh.