"Cần ngăn chặn những đề xuất cải tiến giáo dục phi thực tế để con cháu chúng ta đỡ khổ"

Hoàng Việt |

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền là một sự kiện chấn động giới ngôn ngữ học trong những ngày vừa qua. Mặc dù đây mới chỉ là bản đề xuất chưa được thẩm định.

Theo PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Đại học KHXH và Nhân văn cho rằng, việc lên tiếng mạnh mẽ của công luận trong những ngày qua là cần thiết, để những dự án thiếu tính thực tế sẽ không gây tổn hại cho xã hội. 

Tuy nhiên, PGS Đạt cũng khẳng định, việc phản đối phải phù hợp, ôn hòa để những người làm khoa học không cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương.

Dưới đây là những ý kiến của PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt về câu chuyện đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.

PGS, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt: Những ngày qua cả nước dành sự chú ý đặc biệt đến bản đề xuất của PGS Bùi Hiền. Thậm chí không phải ở trong nước mà các học giả nước ngoài cũng quan tâm. 

Bản đề xuất này theo tôi nếu được thực hiện nó sẽ gây ra rất nhiều tổn hại cho cả xã hội. Từ chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, kinh tế… Thật khó tưởng tượng sức công phá của dự án này trên mọi phương diện.

Vì vậy, việc phản đối của tất cả mọi người là điều tôi thấy rất mừng. Tất nhiên, phải loại trừ những ý kiến tiêu cực, mạt sát và phỉ bang nhà khoa học.

Và lần này cơ bản báo chí đã làm tới cùng, tới gốc rễ của vấn đề. Hy vọng sau này, nếu xuất hiện những đề xuất có nhiều bất cập nhưng có "nguy cơ" được hiện thực thì báo chí cũng phải quyết liệt như vậy.

Quay trở lại với bản đề xuất của PGS Bùi Hiền. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem, tại sao người ta lại phản đối ghê gớm đến như vậy? Vì họ cảm thấy thực sự nguy hiểm. Tiếng Việt hay chữ viết tiếng Việt từ hàng trăm năm nay đã nằm trong máu thịt của tất cả mọi người dân Việt Nam. Nó không phải những ký tự đơn thuần mà là những con chữ có hồn của dân tộc ở trong đó.

Tôi nghĩ, PGS Bùi Hiền do quá đam mê nên đã không tính tới tất cả các khía cạnh. Tôi có thể nói ngắn gọn thế này, để học cái chữ mới thì cả dân tộc sẽ thành có tới 80% người dân mù chữ vì phải học lại từ đầu. Kể cả giáo sư tiến sĩ cũng phải học lại hết. Học cái này không hề dễ bởi trong lòng chúng ta, trong tâm thức chúng ta hệ chữ cái cũ đã như máu thịt.

Cần ngăn chặn những đề xuất cải tiến giáo dục phi thực tế để con cháu chúng ta đỡ khổ - Ảnh 1.

 Ngôn ngữ là một chỉnh thể rất phức tạp, nó cũng giống như cơ thể con người. Bây giờ tự nhiên đi giải quyết một khâu thì nó lập tức động đến toàn bộ hệ thống.

Cuốn từ điển chữ quốc ngữ đầu tiên của chúng ta đã có từ 400 năm trước. 400 năm đó nó tích tụ biết bao tri thức của người Việt. Thế bây giờ đem xóa đi, thay đổi đi theo cách viết mới thành những con chữ vô hồn thì thực sự nhìn bảng chữ cái mới, nhìn cách ghép chữ mới rất buồn cười, ngô nghê không ra sao cả.

Bây giờ một công ty đang làm ăn yên ổn, nếu họ soạn hợp đồng theo chữ mới cải tiến gửi cho đối tác, đối tác lại chưa được phổ cập kịp loại chữ này, thành ra không đọc được, hoặc đọc nhưng hiểu không chính xác. Khi thiệt hại về kinh tế xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu như thế nào?

Chưa kể, nếu in lại toàn bộ sách giáo khoa cho các cháu học sinh theo bảng chữ mới thì không biết nguồn kinh phí khổng lồ như vậy sẽ lấy ở đâu ra. Tôi thực sự không tưởng tượng nổi.

Người Việt tại sao từ xưa đã luôn tìm cách có được chữ viết riêng của dân tộc mình. Xin nhắc lại, từ xa xưa, cha ông chúng ta học và viết chữ Hán. Nhưng chữ viết này rất khó học, khó đọc và nó cũng không phải chữ viết của dân tộc chúng ta. Sau đó, ông cha ta sáng tạo ra chữ Nôm. 

Tuy nhiên, chữ Nôm cũng chỉ được cấu thành từ những "nguyên liệu" chữ Hán. Để học được chữ Nôm lại phải biết chữ Hán. Do vậy, khi xuất hiện chữ quốc ngữ với những cách viết rất đơn giản, khoa học thì người Việt ngay lập tức thích ứng được. 

Mọi người học rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn, đông đảo nhân dân đã đọc thông, viết thạo. Đây là loại chữ ghi âm, nó có ưu việt so với những loại chữ tượng hình, chữ khối vuông.

Thới đó các chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và tiếp đến là Bác Hồ của chúng ta đã phát động toàn dân học chữ quốc ngữ. Chữ quốc ngữ đem lại nguồn lợi cho dân tộc, đó là sự tự do, độc lập, tự cường.

Ở Châu Á thì không phải dân tộc nào cũng có được một hệ thống chữ viết độc lập và hoàn chỉnh như vậy, nó thoát ra hoàn toàn hình bóng của chữ Hán.

Tuy nhiên, thời đó chúng ta học chữ quốc ngữ vẫn phải học chui vì chịu sự đô hộ của Pháp. Nhưng khi chữ quốc ngữ lan rộng quá, người Pháp không thể ngăn được thì họ buộc phải cho mở trường học để dạy học bằng chữ quốc ngữ. Hệ thống chữ này dùng để đào tạo cho người bình dân.

Với những ưu điểm của chữ quốc ngữ như vậy, tôi xin chốt lại vấn đề như sau, việc đề xuất cải tiến chữ viết hiện tại là bất khả thi và thực sự nếu xảy ra nó sẽ tạo ra một sức công phá làm tổn hại đến quá nhiều vấn đề.

Công luận lên tiếng là cần thiết để vừa đỡ mất công của nhà khoa học, xã hội cũng đỡ phải lo lắng vì biết đâu nó sẽ thành hiền thực. Trước đây, đề án đưa chữ Hán vào trường học cũng đã suýt xảy ra nếu không có sự lên tiếng phản đối rất quyết liệt của các nhà khoa học.

Hai năm trước tôi đã phân tích, chỉ ra các bất cập của đề án này vì không ai đem một thứ ngôn ngữ không còn phù hợp với sự phát triển của thời đại vào trường học. 

Đến người Trung Quốc họ cũng chỉ học chữ Trung (tức chữ viết giản thể) chứ không phải học chữ Hán như người ta định đưa vào. Nếu người ta đưa vào thành công dự án viển vông này thì chỉ khổ con, khổ cháu chúng ta vì nó chẳng đem lại lợi ích gì cả.

Hoàng Việt (ghi theo ý kiến của PGS Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại