"Cần khởi tố, đưa ra xét xử việc hành hung nhà báo nghiêm trọng"

Hoàng Đan |

Ông Tiến cho rằng, chúng ta cần lên án, xử lý nghiêm minh và đưa ra khỏi ngành ngay những người thực thi, bảo vệ pháp luật mà lại có hành vi cản trở, hành hung nhà báo nghiêm trọng.

Những hình ảnh và video được đăng tải trên báo chí ghi lại cảnh một số người được cho là cán bộ thuộc Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đuổi theo một phóng viên của báo Tuổi trẻ và "tung cước đấm, đá" trước sự chứng kiến của người dân đang khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 13 đã bày tỏ sự bức xúc của mình trước nhiều vụ việc nhà báo, phóng viên bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp trong thời gian qua.

Là người tham gia thẩm tra luật báo chí sửa đổi năm 2016 sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2017, theo ông Tiến, luật báo chí trước đây và luật báo chí sửa đổi 2016 đã đưa vào điều 9 quy định:

Cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

"Nhưng trong thực tế, một số cá nhân, tổ chức, thậm chí có người đứng đầu còn chỉ đạo để xúc phạm, thóa mạ, nhà báo, phóng viên, rồi thu giữ, hủy hoại phương tiện, tài liệu.

Không chỉ vậy, có những nơi còn trắng trợn hơn khi hành hung, xâm phạm đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của nhà báo, phóng viên. Đó là những điều không bình thường, không thể chấp nhận được trong một xã hội dân chủ của chúng ta.", ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, việc người không am hiểu pháp luật hành hung nhà báo, phóng viên đã rất sai trái, đáng lên án còn người hiểu biết pháp luật, thực thi, bảo vệ pháp luật còn hành hung nhà báo, phóng viên thì càng phải lên án mạnh mẽ.

"Tôi cho rằng, không thể chấp nhận được người am hiểu pháp luật, hiểu biết luật báo chí, luật tôn trọng, bảo vệ danh dự, sức khỏe, tính mạng người khác và đang thực thi, bảo vệ pháp luật mà lại có hành vi cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên như thế.

Người ta chỉ có tội khi bản án của tòa án tuyên có hiệu lực còn tất cả những công dân nói chung, nhà báo nói riêng khi đang hoạt động đúng pháp luật mà lại vô cớ bị xúc phạm, hành hung, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng là vi phạm", ông Tiến bày tỏ.

Nguyên ĐBQH khóa 12, 13 cũng chia sẻ, thực tế, chúng ta đang đẩy mạnh an toàn trong xã hội bằng cách nêu cao khẩu hiệu "sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật", mà Hiến pháp năm 2013 bảo vệ quyền con người, quyền tự do báo chí, ngôn luận của công dân và bảo vệ cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí.

"Quyền được tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân và nhà báo, phóng viên là người đưa những thông tin chính thống đến người dân, thế mà lại ngăn cản, cản trở người ta hoạt động có nghĩa là cản trở tự do ngôn luận, báo chí của công dân và cản trở tự do hành nghề mà pháp luật bảo hộ.

Chúng ta cần lên án, chê trách mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh và đưa ra khỏi ngành ngay những người thực thi, bảo vệ pháp luật mà lại có những hành vi vi phạm nghiêm trọng, trái pháp luật.

Ngoài ra, theo tôi, các cơ quan điều tra, bảo vệ, thực thi pháp luật cũng cần khởi tố, đưa ra xét xử nghiêm túc một số vụ việc có những hành vi cản trở, hành hung nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến danh dự, sức khỏe, tính mạng của nhà báo, phóng viên để làm gương", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các đơn vị chủ quản, cơ quan báo chí có nhà báo, phóng viên bị cản trở hành hung cần phải lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch những người vi phạm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại