Lực đẩy từ đầu tư cơ sở hạ tầng
Trong những năm vừa qua, kinh tế vĩ mô tỉnh Hưng Yên đã có những kết quả tích cực trong tương quan với cả nước, phần lớn đến từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, sự cải thiện của cơ sở hạ tầng và sự ra mắt của các dự án đại đô thị.
Cụ thể, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Hưng Yên đạt 6,0% trong 2021 và 13,4% trong 2022, cao hơn so với trung bình cả nước với mức 2,6% vào năm 2021 và 8,0% vào năm 2022. Ngoài ra, GRDP bình quân đầu người đạt 102,3 triệu đồng, tăng 16% theo năm, cao hơn so với trung bình cả nước 5 điểm %.
Ngoài ra, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của tỉnh cũng được chú trọng phát triển, tạo điều kiện kết nối dễ dàng với Hà Nội, Hải Phòng và Sân bay Quốc tế Nội Bài. Tỉnh đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2021 - 2025, 106 dự án giao thông có tổng mức đầu tư 14 nghìn tỷ đồng đã và đang được triển khai (tương đương 12% GRDP Hưng Yên năm 2021).
Vào năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tư 85,8 nghìn tỷ đồng(3,67 tỷ USD) cho tuyến đường Vành đai 4 kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tuyến đường dài 113 km sẽ bao gồm 20 km đi qua 4 huyện của tỉnh Hưng Yên là Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm. Tuyến đường sẽ hỗ trợ sự phát triển các dự án quy mô lớn như Ecopark và dự kiến sẽ thông xe vào năm 2027.
Ngoài ra, các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác bao gồm nâng cấp tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và xây dựng đường nối từ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Các dự án này được kỳ vọng sẽ kết nối phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các vùng lân cận. Tỉnh còn hưởng lợi từ việc thuận tiện di chuyển tới Sân bay quốc tế Nội Bài với chỉ 45 phút di chuyển.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Sân bay quốc tế Nội Bài dự kiến sẽ có thêm nhà ga mới và nhà ga mở rộng, sự phát triển này sẽ tăng công suất khai thác của sân bay, cải thiện khả năng kết nối tới Hà Nội và khu vực lân cận như Hưng Yên, thu hút đầu tư và lao động mới, từ đó thúc đẩy nhu cầu về nhà ở.
Giá bán cạnh tranh, nguồn cầu nhà ở tăng trưởng
Theo đánh giá của Savills, sự phát triển công nghiệp đã gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư. Hưng Yên sẽ đáp ứng 50% nhu cầu nhà cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2025, tương đương với 17.000 nhà ở xã hội. Từ 2023 trở đi, các dự án tương lại sẽ mở bán khoảng 95.300 căn hộ.
Công trường dự án Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire tại Hưng Yên
Năm 2022, nguồn cung căn hộ tại tỉnh đạt 18.600 căn hộ từ 30 dự án. Trong đó, huyện Văn Giang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 88%. Xét về tăng trưởng, nguồn cung căn hộ tăng 15% theo năm, cao hơn 14 điểm % so với Bắc Ninh và 11 điểm % so với Hà Nội. Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ đạt 41 triệu đồng/m 2 , thấp hơn 14% so với Hà Nội nhưng cao hơn 110% so với Bắc Ninh.
Đối với phân khúc biệt thự liền kề, nguồn cung đến từ 23 dự án, chủ yếu tại huyện Văn Giang. Nhà liền kề chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43%. Trong năm 2022, nguồn cung biệt thự liền kề tại Hưng Yên tăng 40% theo năm, cao hơn 31 điểm % so với tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh và 37 điểm % cao hơn của Hà Nội. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự liền kề đạt 149 triệu đồng/m 2 đất do sự hiện diện của các dự án đại đô thị mới, thấp hơn 17% so với giá nhà tại Hà Nội và 77% cao hơn giá tại Bắc Ninh.
Có thể thấy, mức giá bất động sản nhà ở tại Hưng Yên hiện cạnh tranh so với các tỉnh lân cận. Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường, Savills Hà Nội nhận định: “Giá bán tại Hưng Yên cao hơn so với Bắc Ninh là do các dự án gần Hà Nội hơn và cung cấp các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, trong tương quan thì giá bán tại Hưng Yên hiện thấp hơn thị trường Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội sẽ cần những dư án chất lượng tốt với giá cả hợp lý hơn khi nguồn cung hiện hữu đang giá cao, không đủ hấp dẫn với người mua. Đặc biệt khi thị trường đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp với các tỉnh thành lân cận như Hưng Yên với hạ tầng phát triển”.
Về triển vọng, chương trình phát triển nhà của Hưng Yên đặt mục tiêu phát triển mới 10.060.500 m 2 sàn nhà ở tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,1 m 2 /người.
Thêm vào đó, Chương trình phát triển đô thị Hưng Yên được phê duyệt vào năm 2022, khi đô thị hóa đạt 17%, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến sẽ đạt 48% vào năm 2025. Tỷ lệ này tương ứng với nguồn cầu 138.600 nhà ở mới. Tuy nhiên, chỉ khoảng 108.000 nhà ở dự kiến gia nhập thị trường tới 2025, dẫn đến sự thiếu hụt về nhà ở khoảng 30.600 nhà ở.
“Nguồn cung tương lai tại Hưng Yên sẽ hướng tới khách mua để ở cũng như nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Năm 2021, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên tăng 14 bậc và xếp hạng 39 cả nước. Đây là năm mà tỉnh đạt điểm cao nhất từ khi thực hiện xếp hạng vào năm 2005” , bà Đỗ Thu Hằng kết luận.