Trên nhiều diễn đàn mua bán bất động sản, môi giới đăng tải thông tin chủ đầu tư của dự án Tổ hợp thương mại và căn hộ Hà Nội Melody (tên thương mại HaNoi Melody Residences) thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) mạnh tay áp dụng chính sách bán hàng với mức chiết khấu "khủng" lên tới 38% với điều kiện thanh toán sớm 95%. Chính sách này được áp dụng từ ngày 7/2 đến ngày 28/2.
Được biết, đây là án HaNoi Melody Residences do Công ty TNHH Bất động sản Linh Đàm và Tập đoàn Hưng Thịnh là đơn vị phát triển. Dự án này được giới thiệu gồm 4 tòa tháp chung cư cao 29 tầng, với hơn 2.000 căn hộ và tiến độ bàn giao vào quý IV/2024.
Theo anh N.P.H - môi giới đang bán dự án này, nếu mua được với giá chiết khấu khủng lên tới 38% thì giá căn hộ rơi vào khoảng 25-27 triệu đồng/m2. “Quanh khu vực vành đai 3, khách khó mà tìm được dự án nào có giá rẻ như thế này mà đây lại là chung cư thuộc phân khúc cao cấp”, anh H nói.
Với chính sách thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ, khách hàng mua căn hộ tại dự án này sẽ được giảm từ 1-3 tỷ đồng/căn tùy diện tích, vị trí. Môi giới dẫn chứng, tại giỏ hàng đang bán, căn hộ 146m2 đang có giá bán niêm yết 7,4 tỷ đồng, nhưng sau khi chiết khấu, khách hàng chỉ phải trả 4,17 tỷ đồng (giảm 3,23 tỷ đồng); căn hộ 74m2 có giá bán niêm yết 3,3 tỷ đồng sau chiết khấu còn 1,85 tỷ đồng.
Nhiều môi giới đăng tải thông tin về chính sách chiết khấu mới của dự án.
Theo môi giới H., chính sách bán hàng hiện nay là chính sách chưa từng có từ trước tới nay. Khách mua được đợt này mà thanh toán sớm sẽ được giá tốt nhất. Trước đó, trong tháng 11 và 12/2022, chủ đầu tư của dự án cũng áp dụng chính sách bán hàng với mức chiết khấu từ 27-32% với điều kiện khách hàng thanh toán sớm.
Khi hỏi thêm về thủ tục vào hợp đồng mua bán, môi giới H. chia sẻ thật: “Hiện nay, các chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền nên dự án nào có sổ, có giấy tờ họ đều cắm ngân hàng để có dòng tiền, hạ giá bán sản phẩm để thu tiền về triển khai dự án".
Chính sách chủ đầu tư dự án HaNoi Melody Residences đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chìm trong trầm lắng kể từ quý 4/2022. “Sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng dẫn đến suy giảm khi gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển.
Doanh nghiệp tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng. Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao do chi phí tiếp cận tài chính tăng, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng,... khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án.
Với tình hình trên, giới chuyên môn đưa ra phân tích, các doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu, phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người mua để có giao dịch trở lại, có thanh khoản và có dòng tiền lúc cấp bách. Thậm chí, để giải bài toán dòng tiền lúc này, doanh nghiệp phải chấp nhận đau đớn bán tài sản, kể cả chấp nhận mức chiết khấu giá bán sản phẩm cao 30-40% để tạo thanh khoản.