Căn bệnh dẫn đến tai biến, nhồi máu, suy tim: Cứ 4 người Việt trên 25 tuổi, 1 người mắc

Linh Trang |

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó gần 50% chưa được phát hiện và khoảng 60% có điều trị nhưng chưa đạt huyết áp ổn định.

Cứ 4 người trên 25 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp

Theo thống kê, tại Việt Nam cứ 4 người trên 25 tuổi thì có một người bị tăng huyết áp, đây chính là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...

Mới đây, tại hội thảo "Bệnh lý tim mạch do xơ vữa tại Việt Nam, các hướng dự phòng tiên phát", giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam nhấn mạnh vai trò của dự phòng nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát bệnh trên những người chưa có bệnh. Các biện pháp dự phòng hiệu quả có thể giúp giảm 75% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sớm.

Căn bệnh dẫn đến tai biến, nhồi máu, suy tim: Cứ 4 người Việt trên 25 tuổi, 1 người mắc - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ tại buổi hội thảo: "Bệnh lý tim mạch do xơ vữa tại Việt Nam, các hướng dự phòng tiên phát"

Các chuyên gia dự hội thảo cũng cảnh báo, bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa nên vấn đề phòng ngừa rất cấp thiết, cần phải tiến hành kịp thời, hạn chế mức thấp nhất gây bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao thì bệnh tim đang dẫn đầu, chiếm hơn 40% trường hợp trên toàn cầu. Trên thế giới, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị THA, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh lý HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. 

Mặt khác, chi phí chăm sóc, điều trị là gánh nặng đáng kể lên đến hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Nhiều chuyên gia nhận định, bệnh tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi bệnh không có những biểu hiện điển hình. Không phải lúc nào người mắc bệnh tăng huyết áp cũng thấy khó chịu. Một số người có triệu chứng lâm sàng như: chóng mặt, đau đầu, ù tai,… Tuy nhiên, rất nhiều người lại không có biểu hiện này.

Thậm chí, nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp, dẫn đến đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.

Có thể ngăn chặn được nguyên nhân gây tăng huyết áp

Thực tế, ngày càng nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp do sự gia tăng các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhất là các hành vi hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực.

Nói về độ nguy hiểm của căn bệnh, tăng huyết áp dẫn đến nhiều biến chứng khó lường như: béo phì, đái tháo đường, tăng mỡ máu, phình tách động mạch chủ, nhồi máu cơ tim, căng thẳng tâm lý, tai biến mạch não…

Căn bệnh dẫn đến tai biến, nhồi máu, suy tim: Cứ 4 người Việt trên 25 tuổi, 1 người mắc - Ảnh 2.

Bệnh lý tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa nên vấn đề phòng ngừa rất cấp thiết

Liên quan đến các tác nhân dẫn đến bệnh, Giáo sư Nguyễn Lân Việt  - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ: "Tất cả nguyên nhân tác động trực tiếp đến thành mạch và cơ tim đều có thể thay đổi được, hạn chế hoặc dừng các hành vi sinh hoạt tiêu cực thì sẽ có một cơ thể khỏe mạnh, đồng thời ngăn ngừa các bệnh tim mạch hiệu quả".

Hiện ở Việt Nam các tuyến y tế cơ sở vẫn chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng. Chính vì thế, việc tự giác bảo vệ sức khỏe là điều tiên quyết mà chúng ta cần thực hiện.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp cần ăn uống lành mạnh nhiều rau quả, ít dầu mỡ, kết hợp vận động thể lực hợp lý, ngưng hút thuốc, giảm cân nặng, hạ cholesterol và huyết áp.

Bên cạnh đó, mọi người cũng nên hạn chế rượu bia, giảm stress, khám sức khỏe định kỳ, chủ động kiểm tra nhịp tim để sớm phát hiện và kiểm soát các bất thường, nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày...

Rất quan trọng trong điều trị tăng huyết áp: Không được dừng thuốc giữa chừng

Giáo sư Nguyễn Lân Việt cũng cho biết, trong dự phòng và điều trị tăng huyết áp cũng nêu, nếu muốn phòng ngừa lâu dài, cần phải tuân thủ một nguyên tắc quan trọng nhất: Điều trị tăng huyết áp là điều trị suốt đời. Nghĩa là khi huyết áp đã hạ xuống mức bình thường và ổn định, người bệnh vẫn phải dùng thuốc điều trị liên tục, hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Tổng Thư ký hội tim mạch Việt Nam, dự phòng và điều trị các bệnh tim mạch là một quá trình lâu dài, không được bỏ giữa chừng và cần tuân thủ uống thuốc đều đặn. Nhiều người sau một thời gian uống thuốc, thấy huyết áp xuống là bỏ không uống thuốc nữa hoặc uống thuốc không đều. Như vậy, khi ngừng uống thuốc, huyết áp sẽ tăng trở lại. 

Mặc dù đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nhưng trên thực tế lâm sàng có rất nhiều bệnh nhân sau khi uống thuốc được một thời gian, thấy huyết áp ổn định và sức khỏe tốt đã tự ý bỏ thuốc mà không đi khám lại bệnh...

Cho đến khi họ thấy xuất hiện trở lại các triệu chứng, biến chứng hoặc đo huyết áp thấy cao, lúc đó mới lại dùng thuốc. Điều trị như vậy sẽ không hiệu quả và không có tác dụng dự phòng được các biến chứng.

Vì vậy, dù huyết áp đã trở về bình thường, cảm thấy khỏe mạnh, làm việc và sinh hoạt bình thường, người bệnh vẫn phải duy trì uống thuốc đều đặn, có như vậy mới đạt được mục đích điều trị.

Dự phòng tiên phát được định nghĩa là các biện pháp nhằm trì hoãn hoặc ngăn ngừa khởi phát bệnh (có thể có triệu chứng hay không) trên những người chưa có bệnh. Qua đó, giúp xác định những yếu tố nguy cơ cùng với ảnh hưởng của nó đến bệnh lý tim mạch để có biện pháp xử trí phù hợp với những người có nguy cơ mắc bệnh, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và ngăn ngừa sự gia tăng của bệnh lý tim mạch.

Hành động này cũng phù hợp với nội dung của Quyết định số 4299 ngày 9/8/2016 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016-2020, trong đó có các bệnh về tim mạch.

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại