Hội chứng BIID quái ác & căn bệnh "chặt chân" của bóng đá Việt Nam

Quốc Bảo |

Lại là Quế Ngọc Hải. Lại là một pha bóng không giống đa phần các pha bóng bình thường khác. Liệu có một chứng bệnh đã ăn quá sâu vào bóng đá Việt Nam?

1. Vụ việc một kỹ thuật viên thuộc Khoa Đông y, Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng (TP Cần Thơ), tự cắt rời chân trái của mình đang khiến dư luận rùng mình kinh hãi. Tuy nhiên, nhìn lại những sự kiện từng xảy ra trên khắp thế giới trước đây, trường hợp tương tự hoàn toàn không hiếm gặp.

Cách đây tầm một năm, một phụ nữ người Mỹ tên là Jewel Shuping đã đề nghị bác sỹ tâm lý nhỏ thuốc thông cống vào mắt để trở nên mù lòa. Sau tấn bi kịch này, gia đình của Jewel đã giận dữ đến mức cắt đứt liên lạc với cô.

Về phần Jewel, cô không mảy may hối hận. Ngược lại, cô hoàn toàn mãn nguyện với việc tự làm hỏng cơ thể mình. Bởi tương tự người kỹ thuật viên thuộc Bệnh viện Cái Răng, Jewel không thấy đôi mắt là báu vật như ý nghĩa cái tên mà bố mẹ đã đặt cho cô.

Hội chứng BIID quái ác & căn bệnh chặt chân của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Jewel Shuping đã tự làm mù mắt mình.

Trong suốt quãng thời gian kéo dài tới 9 năm, Jewel chỉ có duy nhất một suy nghĩ làm người khác lạnh gáy: Trừ phi làm hỏng đôi mắt, cô sẽ không cảm thấy mình thực sự bình thường.

Jewel, theo giải thích của các nhà khoa học, mắc phải hội chứng BIID. Đây là chữ viết tắt của cụm từ "Body Integrity Identity Disorder" – Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể.

Những bệnh nhân BIID luôn bị ám ảnh bởi khao khát được phá hủy một phần thân thể. Và vì những người mắc BIID luôn giấu căn bệnh quái ác của mình rất kỹ, gia đình và xã hội hầu như không biết được bất kỳ điều gì cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra.

2. Với Quế Ngọc Hải nói riêng và các cầu thủ Việt Nam có lối chơi thô bạo nói chung, BIID lại không phải là khái niệm mới mẻ hay xa lạ. Tại giải đấu có cái tên mà những người không còn chịu đựng nổi nữa đã đọc chệch thành "Võ-League", BIID chính là câu nói cửa miệng của các "võ sỹ" sau khi ra đòn hạ đo ván đối phương.

BIID chính là cách đọc rút gọn của "Băm Ít, Im Đi". Nói một cách đầy đủ, BIID có nghĩa là "Băm thế còn là ít, im miệng mà đá tiếp đi". Tất nhiên, Quế Ngọc Hải có thể biện minh rằng bóng đá là môn thể thao đối kháng, không thể không có những cú va chạm mạnh.

Những ai từng xem giải VĐQG Brazil hoặc Argentina dạo gần đây sẽ tin lời Hải, bởi ở đó mức độ va đập còn khủng khiếp và thường xuyên hơn nhiều so với V-League. Chỉ có một khác biệt là các cầu thủ Brazil, Argentina thường tấn công đối thủ từ phía trước. Vậy nên, dù vận tốc vào bóng của họ có ngang với đà chạy của Usain Bolt, đối thủ vẫn có đủ thời gian và giải pháp để phòng tránh.

Còn ở ta, những cú triệt hạ đến từ mọi hướng. Trước, có. Sau, có. Trái, có. Phải, có. Thậm chí là từ dưới đánh lên và từ trên bổ xuống, cũng có. Vậy nên, dù "công lực" của các cầu thủ Việt Nam chỉ bằng một nửa các đồng nghiệp Nam Mỹ, tỷ lệ "sát thương" tại V-League luôn cao gấp bội so với giải VĐQG Brazil, Argentina.

Một cựu cầu thủ từng khoác áo cả Thể Công và CAHN, một trong không nhiều những người không coi đá ác ý là cách để giải quyết vấn đề, luôn ca ngợi tinh thần Fair Play của các ngoại binh kiếm ăn tại V-League.

Theo cựu cầu thủ đề nghị giấu tên kể trên thì không cứ là Nam Mỹ, châu Âu hay châu Phi, các cầu thủ ngoại khi đến Việt Nam đều mang theo tư tưởng đá bóng chứ không đánh người:

"Họ to hơn, khỏe hơn, nhanh hơn, có nghề hơn. Nếu họ chủ định đá láo thì mình chỉ có nước lên cáng mà nằm. Nhưng họ rất có ý thức bảo vệ đôi chân đồng nghiệp. Hãn hữu lắm họ mới có một pha trả đũa trên mức bình thường thôi. Tất cả cũng là do mình chơi xấu nhiều quá".

Hội chứng BIID quái ác & căn bệnh chặt chân của bóng đá Việt Nam - Ảnh 3.

De Rossi và hình xăm khuyến cáo cầu thủ nên "gìn giữ" đôi chân của nhau.

Nhìn vào hình xăm "lạ" trên bắp chân tiền vệ người Italia là Daniele De Rossi - hình vẽ hai cầu thủ đang tranh bóng theo đúng tư thế của Quế Ngọc Hải với một cầu thủ Nhật Bản mới đây, càng thấy thấm thía ý thức tự răn đe của một nhân cách thực sự.

3. Yếu hơn người ta mà vẫn thích "gọi đòn", kể cũng khó lý giải cho cách hành xử của nhiều cầu thủ Việt Nam. Dũng cảm chẳng phải cách giải thích lọt tại. "Máu nóng" cũng không hẳn là chuẩn xác.

Nhưng cứ đối chiếu với một vụ quẹt xe biến thành ẩu đả ngoài đường, một cái "nhìn đểu" dẫn đến xô xát trong quán cafe hay một lời cãi cọ giữa xóm giềng là thành án mạng, có thể nói rằng không riêng những cầu thủ vốn có lượng Adrenaline rất cao, nhiều người trong số chúng ta cũng đã nhiễm BIID. Từ lúc nào và tại sao, ắt không cần giải thích.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại