Tờ Khmer Times (Campuchia) đưa tin, Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc Cảnh Huệ Xương hôm 12/7 có cuộc gặp các lãnh đạo Campuchia gồm Thủ tướng Hun Sen, Bộ trưởng nội vụ Sar Kheng, Cục trưởng Cục cảnh sát quốc gia Neth Savoeun và Tư lệnh cảnh sát vũ trang quốc gia Sao Sokha, tại thủ đô Phnom Penh.
Các cuộc gặp diễn ra cùng ngày Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết vụ kiện biển Đông.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Campuchia Eang Sophalleth cho biết các quan chức hai nước đã thảo luận nhiều vấn đề, nhưng không bàn đến tình hình biển Đông.
Trước đó, tại cuộc họp nội các hôm thứ Sáu (8/7), ông Hun Sen tuyên bố: "Chúng ta, Campuchia, sẽ không ra bất kỳ thông cáo nào dưới bất kỳ hình thức nào về phán quyết của PCA đối với vụ kiện biển Đông."
Hun Sen nói, nếu có thảo luận về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) thì ông sẽ tham gia vì "đó là cơ chế tồn tại bên trong ASEAN".
Ông cũng bình luận rằng ý định tiến hành đàm phán song phương với Trung Quốc của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte "là một ý kiến tốt".
Trong khi đó, theo tờ Phnompenh Post, Bộ ngoại giao Campuchia hôm thứ Bảy (9/7) đã ra thông cáo về lập trường của chính phủ nước này đối với vụ kiện biển Đông.
Thông cáo tái khẳng định quan điểm đã được ông Hun Sen nêu, rằng Campuchia không ủng hộ phán quyết cuối cùng được PCA đưa ra ngày 12/7.
Thông cáo có đoạn: "Quan điểm của Campuchia là Philippines muốn yêu cầu PCA dàn xếp tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc, và quy trình này không liên quan tới tất cả thành viên của ASEAN.
Do đó, Campuchia sẽ không tham gia bày tỏ bất kỳ lập trường chung nào về phán quyết của PCA."
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Campuchia Chum Sounry nói hôm 10/7: "Đây lần đầu Bộ ngoại giao ra thông cáo chính thức để khẳng định lập trường của Campuchia về phán quyết của Tòa trọng tài, nhằm tránh mọi sự lý giải sai lầm."
Thông cáo trên cũng kêu gọi Philippines và Trung Quốc "giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình" để duy trì ổn định khu vực và phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi giữa ASEAN-Trung Quốc.