Tranh minh họa.
Quan Vũ là một nhân vật nổi tiếng của thời Tam Quốc. Còn Lý Nhược Thủy, tên gốc là "Nhược Băng", tự "Thanh Khanh" lại là một vị quan lớn cuối triều Bắc Tống, mất trong sự kiện Tĩnh Khang chi biến (Loạn Tĩnh Khang).
Hai người ngày không sống trong cùng 1 thời đại, sao có thể gặp gỡ lẫn nhau. Ấy vậy mà sách "Khuê xa chí", 1 cuốn cổ thư thời kì đầu Nam Tống đã ghi lại được câu chuyện Quan Vũ từng báo cho Lý Nhược Thủy về sự kiện loạn Tĩnh Khang này.
Theo ghi chép trong cuốn sách: Vào triều đại của vua Tuyên Hòa, Bắc Tống, Lý Nhược Thủy từng đảm nhận chức huyện úy Nguyên Thành. Khi đó, Nguyên Thành thuộc phủ Đại Danh, nằm ở khu vực Đại Danh, Hà Bắc ngày nay.
Nói về chức huyện úy, đây là một chức quan phụ trách trị an, tương đương với trưởng công an huyện bây giờ.
QUAN VŨ DỰ BÁO TRƯỚC SỰ KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG THỜI BẮC TỐNG
Một ngày nọ, có một thôn dân đến và nói với Lý Nhược Thủy: Quan Đại Vương gửi cho ngài quyển sách. Vị "Quan Đại Vương" này chính là Quan Vũ, Quan Công. Dân gian luôn tin rằng sau khi chết, Quan Vũ đã trở thành thần thánh và quan niệm này sớm đã ăn sâu vào tiềm thức người dân Bắc Tống.
Tranh vẽ minh họa.
Có thể thấy rõ điều này khi vua Tống Huy Tông liên tục phong vị cho Quan Vũ là "Chiêu Liệt Vũ An Vương" và "Nghĩa Dũng Vũ An Vương".
Lý Nhược Thủy nghe xong, hết sức lấy làm lạ, bèn mở sách ra xem thì thấy phần đầu có viết: Gửi tới huyện úy Nguyên Thành, Lý Thượng Thư. Ký tên Hán Tiền tướng quân Quan Vân Trường.
Lý Nhược Thủy đọc thấy bên trong dùng "huyện úy Lý thượng thư" để xưng hô với mình, có lẽ nào đây là lời tiên đoán một huyện úy như ông có thể trở thành thượng thư trong tương lai? Ngay lập tức, ông gặng hỏi người dân kia xem rốt cục chuyện là như thế nào?
Người đó đáp: Một đêm nọ, tôi nằm mơ thấy có vị tướng quân mặc kim giáp, đi đến nói với tôi rằng: Mấy ngày này, ngươi hãy tranh thủ vào huyện, đến nơi này sẽ gặp được một vị thiết quan đạo sĩ. Ngươi nói tới nhận sách của Quan Đại Vương, ông ấy sẽ đưa sách cho ngươi. Sau đó hãy mang quyển sách tới cho Lý huyện úy.
Khi tỉnh dậy, anh ta cảm thấy vô cùng thần kỳ, liền làm theo lời tướng quân kim giáp chỉ bảo trong mộng. Và thật sự, người này đã gặp được thiết quan đạo sĩ, nhận được sách, cuối cùng mạnh dạn tới bái kiến Lý huyện úy.
Lý Nhược Thủy nghe xong, cẩn thận mở sách ra đọc, càng đọc càng thấy kinh ngạc.
Bên trong đề cập tới sự kiện loạn Tĩnh Khang bi thảm sẽ xảy ra trong tương lai của Bắc Tống.
Bởi vì nội dung quá kì lạ lại đề cập tới người đương quyền trong triều, nên Lý huyện úy cũng không dám lưu lại. Ông xua người dân đó đi về, rồi đốt quyển sách.
Tranh vẽ minh họa vua quan thời Bắc Tống.
Sau sự việc đó, Lý huyện úy từng viết nên câu thơ tường thuật lại như sau: "Kim giáp tướng quân truyền hảo mộng. Thiết quan đạo sĩ kí tân thư. Ngã dữ Vân Trường cách dị đại. Phiên nghi thử sự đại hoang hư."
LỜI DỰ BÁO TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Sau này, quả nhiên Lý Nhược Thủy làm quan, ngày một thăng tiến. Năm Tĩnh Khang thứ nhất, ông được hoàng thượng trọng dụng, làm tới chức Sử bộ thị lang.
Đây là một trong 6 bộ chủ chốt của triều đình phong kiến, bao gồm Sử bộ, Hộ bộ, Binh bộ... Chức quan đứng đầu mỗi bộ gọi là "thượng thư", tương đương với bộ trưởng hiện nay, phó bộ trưởng gọi là "thị lang".
Như vậy, có thể thấy lúc đó ông chỉ cách "một bước chân" so với vị trí thượng thư, như lời tiên đoán của Quan Vũ.
Năm Tĩnh Khang thứ 2, quân Kim bao vây kinh thành Bắc Tống, ép buộc hoàng đế Bắc Tống phải tới doanh trại Kim đàm phán. Vốn dĩ hoàng thượng không hề muốn đi, nhưng Lý Nhược Thủy lại khuyên hoàng thượng không cần lo lắng và cùng đi với ngài.
Kết quả, hoàng thượng vừa tới Kim doanh liền bị bắt giữ, Lý Nhược Thủy mắng nhiếc quân Kim là kẻ thất tín bội nghĩa, cuối cùng ông bị quân giặc đánh đập dã man, cắt lưỡi, chặt đầu mà chết.
Sau khi Cao Tông của Nam Tống lên ngôi, truy phong Lý Nhược Thủy là "trung mẫn" (người xả thân vì đất nước).
Tranh vẽ minh họa về cuộc sống của người dân sau khi xảy ra sự kiện Loạn Tĩnh Khang.
Con trai của Lý Nhược Thủy, Lý Tuấn Thuần đã khắc lên bia đá lời tiên đoán về sự kiện Tĩnh Khang chi biến mà thần linh từng tiên đoán cho cha mình, truyền lại cho hậu thế.
Tác giả của "Khuê xa chí", Quách Duyên, tự "Bác Tượng", từng thi đô tiến sĩ trong kỳ thi khoa cử, cũng là một viên quan lúc bấy giờ.
Vì thế, có thể nói những câu chuyện mà ông ghi chép lại đều là mắt thấy tai nghe, có tính tin cậy cao. Thế nhưng tại sao Lý Nhược Thủy lại không làm lên tới chức thượng thư, lẽ nào lời tiên đoán của Quan Công không chính xác?
Trên thực tế, khi tiến hành phân tích sẽ thấy, năm đó Quan Công nhờ thiết quan đạo sĩ và người dân nọ truyền lời tiên đoán về sự kiến Tĩnh Khang chi biến cho Lý Nhược Thủy.
Nhưng đáng tiếc thay, Lý Nhược Thủy lại đốt quyển sách, còn viết nên câu thơ "Phiên nghi thử sự đại hoang hư" (nghi ngờ câu chuyện chỉ là hư vô), thể hiện rõ thái độ không tin tưởng lời dự báo của thần linh.
Thậm chí, ngay cả khi thực sự xảy ra sự kiện loạn Tĩnh Khang, hành động thực tế của ông cũng chứng tỏ ông không hề tin vào lời dự đoán.
Vì thế ông không những không rời kinh đô đang bị bao vây mà còn tin vào lời cam kết của người Kim, khuyên giải hoàng thượng cùng tới Kim trại, khiến hoàng thượng bị bắt giữ còn bản thân thì chết thê thảm.
Nếu năm đó, ông tin vào lời tiên đoán, rời thành đúng lúc hoặc can gián hoàng thượng không tin người Kim, thì chắc hẳn ông có thể sống sót qua sự kiện loạn Tĩnh Khang.
Không biết chừng ông đã thực sự trở thành Sử bộ thượng thự như lời báo mộng của Quan Vũ.