Vào thời vua Tống Nhân Tông, Bao Chửng mới tới vùng nọ nhậm chức Huyện lệnh.
Một hôm, Bao Chửng cải trang thành một thương nhân để đi quan sát dân tình, khi đến một thôn nọ thì trời đã tối muộn cho nên Bao Chửng muốn tìm một hộ dân xin được nghỉ chân nhờ qua đêm, đang đi bỗng ông gặp một bà lão ngồi bên góc tường khóc lóc.
Bao Chửng đi đến gần, hỏi bà lão đã có chuyện gì xảy ra? Có phải đã gặp chuyện phiền toái gì không?
CÂU CHUYỆN CỦA BÀ CỤ VÔ TÌNH GẶP BÊN ĐƯỜNG
Bà lão vội lau nước mắt, ngẩng đầu nhìn lên, thấy Bao Chửng khí chất hơn người lại hiền lành tử tế nên đã kể ông nghe chuyện mà gia đình mình gặp phải gần đây.
Thì ra, chồng của bà lão này họ Vương, hai vợ chồng ngoài năm mươi mới sinh được một người con trai độc đinh, hai vợ chồng nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệm tiền cho con trai đi học, hi vọng cậu sau này có thể học hành thành tài, có được công danh.
Khi con trai mười tám tuổi, đã đến tuổi phải lấy vợ, được bà mai làm mối, cưới về một đại tiểu thư ở làng bên cạnh.
Cô gái này cũng từng đọc sách vài năm, vì muốn thử thách xem liệu người chồng tương lai của mình học tập như thế nào? Liệu tương lai có thành tài được hay không? Cô đã nghĩ ra một cách rất độc đáo, cô đề ra một câu đối, nếu chồng mình không đối lại được thì sẽ không cho bước vào phòng.
Ảnh minh họa.
Cô gái đưa ra về đối như sau: "Đẳng đăng đăng các các công thư" (Nghĩa là chờ đèn lên lầu gác cùng nhau phấn đấu học tập).
Chú rể vò đầu bứt tai mãi mà vẫn không nghĩ ra được gì để đối lại, trong lòng rất uất ức, vợ thì không cho vào phòng, chẳng lẽ bản thân lại phải ngủ ngoài đường? May là anh ta còn có mấy người bạn học, bởi vì nhà nghèo nên trọ lại trong trường học, anh ta nghĩ đêm nay sẽ đến ngủ nhờ một hôm.
Khi đến trường học, anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện, khiến mấy người bạn học cười suýt đứt hơi.
Đêm tân hôm vốn là ngày ngọt ngào lãng mạn biết bao, vậy mà chú rể lại phải ở cùng với đám bạn bè của mình.
Ngày hôm sau, chú rể mặt mày xám xịt quay về nhà. Khi vào đến phòng, thấy vợ mình đứng đó liền trút nỗi uất ức, nói cô sao ra đề khó như vậy, làm mình nghĩ cả tối không ra, muốn cô cho đáp án rõ ràng.
Cô dâu vừa nghe vậy bỗng chốc ngây người, sao lại thế? Tối qua không phải chàng đã đối được rồi sao, thiếp còn để chàng vào phòng, lên giường ân ái, sau đó khi trời chưa sáng thì chàng nói mình phải luyện tập nên dậy trước.
"Cái gì? Chết tiệt…?" Chú rể bỗng ngẩn ra, mồ hôi tuôn như mưa, tức giận thở hồng hộc, quát: "Cả tối qua ta ngủ ở trường học, vốn chẳng về nhà, chẳng lẽ gặp ma à?"
XẢY RA ÁN MẠNG
Chú rể đẩy cửa ra ngoài, anh ta lang thang suốt một ngày, đến khi về nhà mới phát hiện vợ mình đã treo cổ tự vẫn.
Ảnh minh họa.
Vừa cưới nhau được một hôm, cô dâu đã thắt cổ tự sát. Nhà cô dâu biết chuyện, dẫn theo một đám người đến tìm chú rể liều mạng, cả nhà chú rể bị dọa trốn trong nhà, cả nhà loạn cả lên.
Sau đó, nhà cô dâu viết đơn tố cáo, bắt cả nhà chú rể giải đến huyện nha, huyện lệnh trước đó đã nhận bạc của nhà cô dâu, liền lập tức cho người bắt giam chú rể, dùng hình bức cung.
Chú rể mới chỉ có mười mấy tuổi đầu, trẻ người non dạ sao có thể chịu nổi loại tra tấn này, chẳng bao lâu sau đã nhận tội, thừa nhận bản thân ngược đãi cô dâu, khiến nàng không chịu được mà thắt cổ tự vẫn.
Chú rể bị phán tội tử hình, đợi qua thu thì xử trảm.
Sau đó, chồng bà cũng tìm mọi cách cứu con nhưng đều vô ích, thấy con trai sắp chết nghĩ bản thân sống cũng vô ích nên ông lão cũng thắt cổ tự vẫn, cả nhà nay chỉ còn lại một mình bà lão.
Bà lão đã mất chồng, lại sắp mất cả con trai, trong lòng xót xa vô cùng, không cầm nổi nước mắt.
CÁCH PHÁ ÁN CỦA BAO CÔNG
Bao Chửng nghe chuyện, buông tiếng thở dài, ông nói với bà lão: "Thôi, xin bà hãy nén bi thương, trên đời không có chuyện gì là không vượt qua được, nay bà hãy về nhà chờ, nhất định chớ có nghĩ quẩn, nói không chừng chỉ vài hôm nữa sẽ có được tin tốt thôi!"
Sau đó Bao Chửng quay về huyện nha, trong lòng trầm tư suy nghĩ, làm cách nào để phá được vụ án này đây? Nghĩ suốt cả một đêm vậy mà vẫn chưa tìm được manh mối gì.
Ảnh minh họa.
Ngày hôm sau, khi Bao Chửng đang đi dạo trong sân, vô tình đi đến bên gốc cây ngô đồng, bỗng ý tưởng chợt lóe, có rồi! Sao ta không ra một vế đối để dụ tên nghi phạm cắn câu?
Bao Chửng vuốt vuốt chòm râu, nhắm mắt suy nghĩ một lúc, liền đưa ra vế đối: "Di kỷ kỷ đồng đồng thưởng nguyệt". (Nghĩa là mang ghế ra bên gốc cây ngô đồng cùng nhau ngắm trăng).
Mấy hôm sau, trùng hợp có hội đèn tết Nguyên Tiêu, Bao Chửng cho tổ chức hoạt động đối câu đối có thưởng, văn nhân học sĩ trong huyện đều tới tham gia, còn có rất nhiều người tới góp vui.
Mấy câu đối do Bao Chửng chuẩn bị lần lượt đều có người đối được, chỉ cần đối đúng, đối hay thì đều được thưởng ngân lượng, sau đó, chỉ còn lại câu đối cuối cùng, vì câu đối rất khó nên tiền thưởng cũng là nhiều nhất, hơn 10 lượng bạc, mọi người đều vò đầu bứt tai, suy nghĩ tới lui mà vẫn chưa có ai đối lại được.
Bỗng nhiên, từ trong đoàn người có tiếng hô lên: "Tôi nghĩ ra rồi, là "Đẳng đăng đăng các các công thư".
Bao Chửng vừa nghe, vô cùng vui vẻ, cho người dẫn người kia vào phòng. Vừa bước vào bên trong, cửa lập tức bị đóng, người kia bỗng có chút hoang mang, giữa ban ngày ban mặt, cớ sao lại phải đóng cửa?
Người kia vẫn còn đang thắc mắc, bỗng nghe có người gọi tên mình, "Lý Tứ?". Trong phòng vậy mà còn có người khác, người đó chính là chú rể. Thì ra người kia là bạn học cùng của chú rể, vì quá bất ngờ, nên chú rể không kìm được mà thốt lên.
Bao Chửng đứng sau cánh cửa, nghe rõ ràng mọi chuyện, ông thấy người kia là người quen của chú rể thì cũng đã đoán được 8,9 phần câu chuyện, ông sai người mở cửa phòng, đưa Lý Tứ và chú rể đến nha môn.
Bao Chửng ngồi trước công đường, nghiêm giọng hỏi:
"Lý Tứ, ngươi đã biết tội của mình chưa?"
Lý Tứ ban đầu còn trốn tránh phủ nhận, kiên quyết không nhận tội, nhưng Bao Chửng lại hỏi vì sao anh ta lại nói ra được câu đối giống của cô dâu? Lý Tứ không trả lời được, chỉ đành cúi đầu nhận tội, thừa nhận bản thân đã xâm phạm cô dâu.
Thì ra đêm đó, sau khi chú rể đến trường học, kể lại chuyện xấu hổ đêm tân hôn của mình, người nói vô tình, người nghe hữu ý, Lý Tứ vắt óc nghĩ suốt mấy giờ liền, cuối cùng cũng nghĩ ra được câu đối.
Thói háo sắc nổi lên, nhân lúc đêm khuya lén lút đi đến nhà chú rể, đóng giả làm chú rể.
Ngày hôm sau, nhân lúc trời chưa sáng lại lén lút quay về, anh ta cứ nghĩ mình gặp may, cho dù cô dâu có phát hiện ra sự thật cũng sẽ nhẫn nhịn giữ im lặng, nhưng ai ngờ nàng lại là người con gái cứng rắn, lựa chọn thắt cổ tự vẫn.
Trên đầu chữ sắc có chữ đao (色), Lý Tứ bởi vì lòng háo sắc mà hại chết hai mạng người, đồng thời cũng phải trả cả mạng của mình.