Các tàu sân bay của Đế chế Nga và số phận của chúng sau Thế chiến 1

Trung Hiếu |

Đế chế Nga từng đi tiên phong trong đóng tàu sân bay. Sau Thế chiến 1, Nga không còn duy trì hạm đội hàng không mẫu hạm này nữa.

Trong Thế chiến thứ 1, hạm đội tàu sân bay của Nga được xem là một trong những hạm đội mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên sau cuộc Cách mạng tháng Mười (1917), hạm đội này đã bị xóa sổ.

Cùng với Pháp và Anh, Đế chế Nga nằm trong số các nước đi tiên phong về đóng tàu sân bay hạng nhẹ. Các hàng không mẫu hạm này xuất hiện một thời gian trước Thế chiến 1 và được các bên đối nghịch trong cuộc thế chiến này sử dụng rộng rãi.

Các tàu sân bay đó thực chất là tàu chở thủy phi cơ.

Những tàu sân bay đầu tiên này được chế lại từ các chiến hạm hoặc tàu chở khách và tàu chở hàng.

Hàng không mẫu hạm Thế chiến 1 ít có điểm tương đồng với phiên bản tàu sân bay ngày nay. Tự chúng không có boong bay. Thay vào đó, các tàu này để thủy phi cơ nằm bên trong một hoặc hơn một nhà chứa. Bằng những cơ chế đặc biệt, các máy bay này được hạ thấp xuống lên trên mặt nước và sau đó được đưa trở lại tàu.

Chiếc tuần dương hạm Almaz là tàu sân bay đầu tiên của Nga. Đây là một "cựu binh" trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật.

Vào đầu Thế chiến 1, chiến hạm Almaz được chuyển đổi thành tàu chở thủy phi cơ nhưng vẫn duy trì hỏa lực của tuần dương hạm.

Trong suốt Thế chiến 1, hải quân Nga sử dụng 8 tàu sân bay trên biển Baltic và biển Đen. Đáng chú ý, 4 trong số này đã được chuyển đổi từ tàu vận tải của Romania cho Nga mượn với tư cách là đồng minh.

Nhiệm vụ chính của các tàu sân bay này bao gồm việc trinh sát, hỗ trợ đổ bộ đường biển, và oanh tạc các chiến hạm và cảng biển của đối phương.

Vào ngày 6/2/1916, các tàu sân bay của Nga sử dụng 14 thủy phi cơ để thực hiện nhiệm vụ ném bom ồ ạt xuống cảng Zonguldak của đế chế Ottoman. Đây là một trong những trận ném bom quy mô nhằm vào một thành phố do không quân hải quân thực hiện.

Tàu sân bay duy nhất của Nga ở Biển Baltic là chiếc Orlitsa – tàu này trước năm 1915 là tàu vận tải hàng và hành khách Nữ hoàng Alexandra.

Hai nhà chứa trên tàu Orlitsa có đủ chỗ chứa 4 thủy phi cơ. Tàu được trang bị một công xưởng và chỗ chứa đạn và nhiên liệu máy bay. Ngoài máy bay, tàu còn có 2 khẩu pháo 75mm và 2 súng máy để tự vệ.

Vào ngày 17/7/1916, hai thủy phi cơ M-9 cất cánh từ tàu Orlitsa và tham gia không chiến với 4 thủy phi cơ Đức, bắn hạ 2 trong số 4 máy bay Đức này. Ngày này trở thành Ngày Không quân Hải quân Nga ngày nay.

Sau Cách mạng tháng Mười, hạm đội tàu sân bay Đế chế Nga ngừng tồn tại. Bốn chiếc tàu Romania được trả lại cho Romania.

Tàu Sa hoàng Alexander và Tàu Sa hoàng Nikolay I phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa ở Đông-Nam Á. Cả hai đều bị đắm vào năm 1942.

Còn tàu Almaz được bán làm sắt vụn cho một hãng của Pháp vào năm 1934. Tàu Orlitsa thì may mắn hơn. Tàu được đặt lại tên thành Soviet và được gửi tới vùng Viễn Đông Nga để làm tàu chở khách. Mãi đến năm 1964, chiếc tàu cổ này bị đem tiêu hủy, cắt thành nhiều mảnh nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại