Reuters đưa tin, từ Nhật Bản và Hàn Quốc tới Australia và châu Âu, giới chức một số quốc gia đang nỗ lực tìm kiếm sự miễn trừ trước mức thuế áp dụng cho thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ mà Tổng thống Donald Trump mới đưa ra trong tuần này .
Tokyo và Brussels đều phủ nhận việc các sản phẩm xuất khẩu của họ sang Mỹ đe doạ đến an ninh quốc gia nước này.
“Chúng tôi là đồng minh, chứ không phải là một mối đe doạ”, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jyrki Katainen nói.
Trong khi đó, ngành công nghiệp kim loại Trung Quốc đã phát đi lời đe doạ, kêu gọi chính phủ trả đũa bằng cách nhắm vào than của Mỹ - một lĩnh vực trọng tâm trong nền tảng chính trị và những cam kết của Tổng thống Trump, nhằm khôi phục lại các ngành công nghiệp và việc làm cho người dân Mỹ.
Ông Trump đã ký một sắc lệnh áp dụng mức thuế 25% và 10% lần lượt lên thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng nói, “những người bạn thực sự” của nước Mỹ có thể sẽ không bị phải chịu mức thuế trên, trong đó có Canada và Mexico.
Brazil, hiện là nhà cung cấp thép lớn nhất cho thị trường nước Mỹ sau Canada cho biết, họ muốn gia nhập danh sách miễn trừ. Argentina cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Đồng minh kinh tế và quân sự hàng đầu của Mỹ tại châu Á là Nhật Bản cũng không nằm ngoài “xu thế” chung. Chánh Văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga nói với các phóng viên rằng, thép và nhôm của Nhật xuất đến Mỹ không phải là mối đe doạ cho an ninh quốc gia. Theo ông, chúng thậm chí còn đóng góp đáng kể cho công ăn việc làm và ngành công nghiệp nhôm – thép tại Mỹ.
Tương tự, Liên minh châu Âu cũng khẳng định: “Châu Âu rõ ràng không phải là một mối đe doạ tới an ninh nội địa Mỹ vì vậy chúng tôi hy vọng được miễn trừ”, Cao uỷ thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom phát biểu tại Brussels.
Ý kiến của bà Malmstrom nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel. “Chúng tôi tin tưởng Uỷ ban châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm cho chính sách thương mại và họ đã đưa ra các biện pháp mà chúng tôi có thể thực hiện,” bà Merkel chia sẻ sau các cuộc nói chuyện với một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Munich. “Tuy nhiên, chúng tôi muốn thảo luận trước tiên,” bà nói. “Lựa chọn tốt nhất [cho EU] là được miễn trừ [mức thuế của Mỹ] và Uỷ ban châu Âu đã nêu ra điều đó”.
Bà Malmstrom cũng đã tiết lộ với giới phóng viên rằng, EU sẵn sàng khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới và tiến hành trả đũa trong vòng 90 ngày.
Cùng lúc, từ Sydney, Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố, không có lý do gì để Mỹ áp dụng mức thuế trên lên mặt hàng thép nhập khẩu từ Australia.